| Hotline: 0983.970.780

Sâu bệnh lúa mùa bùng phát, vì đâu?

Thứ Tư 20/09/2017 , 13:30 (GMT+7)

Ông Bùi Sĩ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết diễn biến dịch bệnh vụ lúa mùa ở miền Bắc đang hết sức khác thường và phức tạp, cả về thời gian phát sinh lẫn mức độ gây hại.

* Bệnh lùn sọc đen phương nam hoành hành

Điều đáng nói là, có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc mổ xẻ nguyên nhân bùng phát dịch bệnh.
 

Hàng trăm ngàn hecta nhiễm sâu bệnh

Ngay từ khi lúa mùa bắt đầu bén rễ hồi xanh vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2017, mật độ rầy đã rất cao. Ở các tỉnh Bắc Trung bộ, rầy phát sinh sớm hơn, mật độ có nơi lên tới 3-4 vạn con/m2. Tổng diện tích nhiễm rầy của cả nước khoảng gần 40.000 ha, cao hơn 155 lần so với cùng kỳ năm trước. Mật độ rầy vụ mùa năm nay cao gấp 100 lần so với vụ mùa năm 2016, cá biệt như Hải Phòng cao hơn 700 lần.

Hình ảnh được chụp tại khu sản xuất giống lúa lai của Cty Cường Tân tại xã Nam Trực, huyện Trực Ninh, Nam Định

Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 mật độ khá cao. Đặc biệt là các tỉnh ven biển như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng. Tổng diện tích phát sinh sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở các tỉnh phía Bắc là 240.000ha, cao gấp hai lần sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 của vụ mùa năm trước.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam: Nguyên nhân khiến bệnh lùn sọc đen phương nam bùng phát trở lại trong năm nay không phải tại giống kém chất lượng. Bởi cấy cùng một giống, cùng một vùng sinh thái nhưng có tỉnh bị, có tỉnh không. Nguyên nhân chính vẫn là do các địa phương lơ là trong công tác phòng trừ rầy ngay từ thời điểm làm mạ. Bởi vậy, những “ổ dịch” lùn sọc đen xuất hiện từ năm 2009 đã phát triển qua nhiều năm và bùng phát trở lại.

Riêng bệnh lùn sọc đen phương nam (nguồn gốc từ phía Nam Trung Quốc), bắt đầu xuất hiện rải rác ở các tỉnh phía Bắc từ đầu tháng 8. Còn ở các tỉnh Bắc Trung bộ từ Nghệ An đến Quảng Trị thì sâu bệnh phát sinh sớm hơn (vào tháng 6 và tháng 7).

Tổng diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen phương nam là 13.800ha trên phạm vi 11 tỉnh (mới đây xuất hiện thêm Tuyên Quang), trong đó Thái Bình trên 7.000 ha, Nghệ An 2.000 ha, Quảng Trị 1.800 ha... Dự kiến diện tích mất trắng khoảng 2.000 ha.

Nguyên nhân bùng phát bệnh lùn sọc đen phương nam được ông Doanh xác định là do năm nay, tỷ lệ rầy lưng trắng rất cao (lên tới 90%). Đây là đối tượng trung gian truyền virus gây bệnh lùn sọc đen phương nam.
 

Biểu hiện khác thường

Đặc điểm của bệnh lùn sọc đen phương nam là vào thời điểm lúa trỗ, các cây nhiễm bệnh lùn sọc đen thấp hơn hẳn cây lúa bình thường.

Nhưng, theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, đặc điểm của bệnh lùn sọc đen năm nay có biểu hiện khác so với thời kỳ 2009 – 2010.

"Chúng tôi cử cán bộ nằm vùng tại các điểm để lấy mẫu, cùng phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu.

Ngay trên một khóm, cây cao phát triển bình thường cũng không có khả năng trỗ bông. Hôm qua và hôm kia, chúng tôi rất lo ở Hải Phòng, lúa không trỗ. Nhưng rất may đến hôm nay họ điện về báo là lúa đã trỗ thoát rồi", vẫn theo ông Doanh.

Ảnh: Minh Phúc
“Đối tượng rầy lưng trắng đã được Bộ NN-PTNT nghiên cứu, theo dõi, giám sát và chỉ đạo dập dịch từ năm 2009. Trên cơ sở kinh nghiệm đã có, chúng tôi cho rằng thời điểm khoảng 25 ngày sau khi cấy, cây lúa đã bị rầy lưng trắng mang virus gây bệnh tích rồi. Khoảng đến giữa tháng 8/2017, chúng ta mới bắt đầu thấy nó biểu hiện ra”, ông Doanh nói.

Còn với bệnh bạc lá, năm nay ở các tỉnh phía Bắc, diện tích nhiễm tính đến tháng 8/2017 (trước thời điểm bão số 10 đổ bộ vào đất liền Việt Nam) là 27.000ha. Ông Doanh dự báo, bệnh sẽ còn tiếp tục phát sinh nếu cộng hưởng với tác động cơ giới do mưa bão, gió mạnh gây tổn thương cây.

Trao đổi với PV Báo NNVN, ông Đoàn Văn Sáu – Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân (doanh nghiệp hiện đang sản xuất lúa lai F1 với quy mô lớn nhất Việt Nam) than thở: “Khu sản xuất giống lúa lai mấy trăm hecta của công ty bị dịch bệnh hoành hành toàn bộ, nhẹ thì thiệt hại 30 – 50%, nặng thì mất trắng. Các nhà khoa học cho rằng, diện tích lúa của chúng tôi bị hại là do bệnh lùn sọc đen phương nam hoặc vàng lùn gây ra.

Nhưng với tư cách là người trực tiếp làm giống lúa, đi sâu đi sát với đồng ruộng, tôi khẳng định là không phải vậy. Thực tế, công ty đã sử dụng các biện pháp triệt rầy (kể cả rầy lưng trắng – đối tượng trung gian lây nhiễm virus gây bệnh lùn sọc đen phương nam trên cây trồng) ngay từ quá trình làm mạ.

Việc phòng trừ rầy trên đồng ruộng cũng thực hiện nghiêm ngặt, bởi vậy không thể có chuyện bệnh lùn sọc đen hoành hành toàn bộ diện tích lúa như vậy, có chăng chỉ là một số điểm rất nhỏ lẻ”.

Ông Sáu khẳng định nguyên nhân gây bệnh là do đất bị ngộ độc và ông có rất nhiều bằng chứng cũng như căn cứ để phát biểu quan điểm này. Bởi, theo quan sát của người đứng đầu Công ty TNHH Cường Tân, cùng một giống lúa, nhưng khi cấy ở hai thửa ruộng cạnh nhau, chế độ chăm sóc khác nhau nhưng ruộng thì bị sâu bệnh phá hoại, ruộng vẫn phát triển bình thường. Còn tác nhân gây ngộ độc đất do đâu thì cần các nhà khoa học vào cuộc để lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm và kết luận.

Ảnh: Minh Phúc

Về vấn đề Công ty Cường Tân nêu, ông Nguyễn Huy Điền – Phó GĐ Sở NN-PTNT Nam Định, cho biết: Cán bộ chuyên môn của Sở hiện đang có mặt tại khu sản xuất giống lúa lai của Công ty Cường Tân. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vừa báo cáo lên lãnh đạo Sở, khẳng định diện tích lúa của công ty bị nhiễm bệnh lùn sọc đen phương nam. Bằng chứng là sau khi phun chế phẩm GA3, đặc trưng biểu hiện là đốt thân phía dưới gốc đang nổi nốt sần rõ, mép lá bị xoăn lại khá rõ rồi.

Cũng theo ông Điền, toàn tỉnh Nam Định có khoảng 15.000ha (tỷ lệ bệnh từ 20% trở lên) có hiện tượng nhiễm bệnh lùn sọc đen phương nam, trong đó diện tích nhiễm nặng khoảng 5.000ha và khả năng mất trắng khoảng 2.000ha.

Dọc tuyến đường từ thành phố Nam Định về huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định), những cánh đồng nhiễm bệnh lùn xoắn lá hiện lên thật xót xa. Lão nông Hoàng Đức Lợi (người nhiều năm sản xuất giống lúa lai cho Cty Cường Tân) mếu máo: “Bệnh dịch ác ôn quá chú ơi. 4,5ha của tôi mất trắng rồi”.

Theo ông Lợi, mọi quy trình phòng trừ rầy đều được thực hiện rất nghiêm ngặt. Lần phun thuốc phòng rầy đầu tiên là giai đoạn mạ đạt 3 - 5 lá (chuẩn bị đưa ra đồng cấy), lần thứ hai vào giai đoạn mạ bén rễ hồi xanh (khoảng 9 ngày sau cấy) và lần thứ 3 là giai đoạn bón thúc lần cuối. Trước thời điểm phun GA3 (ở giai đoạn gạt phấn), cây lúa phát triển bình thường, xanh tốt đẹp như tranh.

Thế nhưng, chỉ sau thời điểm phun chế phẩm GA3 (có công hiệu tăng khả năng thụ phấn cho cây) thì cây lúa ngừng phát triển diềm lá bị xoăn lại, ngả vàng rồi dần dần bị cháy, không thể trỗ được.

Ông Đoàn Văn Sáu nhẩm tính, chi phí đầu tư mỗi ha sản xuất lúa lai khoảng 50 triệu đồng. Với 300ha thất thu, số tiền “bốc hơi” theo dịch bệnh khoảng 15 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.