| Hotline: 0983.970.780

Đời sống khổ trong vùng nông thôn mới: [Bài 2] Muôn màu cảnh nghèo khó

Thứ Sáu 08/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đêm đó tôi ở lại xóm Cá của xã Quyết Chiến (Tân Lạc, Hòa Bình). Mới 9 giờ kém mà nhiều nhà đèn đã tối om, đi ngủ hết để đỡ ít tiền điện.

Cả gia đình chị Hà Thị Toan đang ngủ dưới nền nhà vì không có giường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cả gia đình chị Hà Thị Toan đang ngủ dưới nền nhà vì không có giường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không giường, không ti vi, không nồi cơm điện

Anh Đinh Công Thọ-Bí thư xóm Cá thống kê xóm còn 14 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo. Đêm đó, chúng tôi tới căn nhà tối om của chị Hà Thị Toan. Trong ngôi nhà đại đoàn kết mới xây mọi thứ cứ thông thống, không giường, không ti vi, không tủ lạnh, không nồi cơm điện, tài sản có giá nhất là cái xe máy mới mua 3 triệu đồng. Mùa đông vùng cao đến sớm mà họ phải ngủ ngay dưới sàn gạch lạnh thấu xương, kể cả ông bố chồng đang say rượu.

Bài liên quan

Giữa muôn trùng tiếng dế kêu rinh rích nơi xó bếp, chị Toan thở dài than, thời gian tới chắc gia đình chẳng thể thoát nghèo bởi bố mẹ chồng già lại lắm bệnh, hai đứa con còn nhỏ hay ốm yếu. Tất cả gánh nặng ấy đè cả lên vai anh Bùi Văn Thành, chồng chị.

Cạnh đó là hộ ông Bùi Văn Nhớm còn hoàn cảnh hơn khi không có nổi một cái xe máy, các con đi học phải góp tiền xăng cho hàng xóm chở tới trường cách nhà hơn 6 km. Vướng víu bệnh tật, lại lo chuyện học hành của con nên ông cứ nợ nần lung tung cả. Cái tivi đèn hình lồi mà những người dưới xuôi sa thải ra, ông xin về được một thời gian lại hỏng. Bởi thế thông tin bên ngoài chỉ dừng ở con dốc xóm Cá, ông cũng chẳng được tiếp cận.

Chị Hà Thị Toan và đứa con nhỏ trong ngôi nhà đại đoàn kết mới xây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hà Thị Toan và đứa con nhỏ trong ngôi nhà đại đoàn kết mới xây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị Ệu 82 tuổi với 5 khẩu thuộc diện hộ nghèo lâu năm. Hỏi lý do, chị Bùi Thị Nga con dâu bà đáp gọn lỏn thiếu vốn, thiếu lao động. Vợ chồng chị gieo 17-18 kg thóc giống vụ xuân thu được 20 bao to nhưng vụ mùa này chỉ thu được 10 bao to vì sâu phá, chuột phá; gieo 3-4 kg ngô giống cũng chỉ thu được khoảng 20 bao nhỏ. Đó còn là may bởi nương nhà chị gần bản, không bị gấu phá như một số gia đình, còn chẳng đủ ngô nuôi gà, nuôi lợn.

Chị vay ngân hàng 50 triệu đồng mua 2 con trâu nhưng rủi thay chết bệnh hết nên loay hoay làm 5-6 năm trời mà vẫn chưa trả được nợ. Bố chồng bị tâm thần thường lang thang trong rừng không biết đường về khiến chồng chị phải giám sát, đi tìm suốt chẳng có thời gian mà kiếm tiền. Ông mất đầu năm nay nên chồng chị mới có thời gian dứt ra để đi làm mướn.

Gia đình chị có mảnh đất thổ cư cùng vườn rộng chừng 1.000m2, trên đó là một ngôi nhà sàn cũ nát. Một buổi “cò” ở thị trấn dẫn khách dưới xuôi lên ngắm nghía hồi lâu rồi trả 650 triệu đồng với mục đích để làm du lịch homestay vì có view rất đẹp, từ trên cao nhìn bao quát xuống xóm, xuống những thửa ruộng bậc thang trải dài. Thấy được giá, họ đồng ý bán để mong làm lại cái nhà dột, bên ngoài mưa to thì bên trong mưa nhỏ, nước nhỏ cứ tong tong. Hiện thửa đất đã được người ta đặt cọc 10 triệu đồng để làm thủ tục chuyển nhượng. Tôi hỏi chị Nga nhà có mỗi thửa đất, bán đi thì ở đâu? Chị trả lời rằng: Chưa biết, nhưng có tiền thì sẽ tìm ra thôi.

Bà Ệu ngồi trước cửa sổ, mắt đăm đăm ngắm thửa đất mình sắp mất đi. Dưới ánh nắng mai, cái bướu cổ của bà khẽ phập phồng theo từng nhịp thở nặng nhọc. Tôi hỏi sao không mổ đi, bà trả lời rằng: Tôi già rồi, không muốn để nợ cho các con. Cả gia tài của họ giờ chỉ vỏn vẹn một cái xe máy cũ và đàn vịt vài con đang kêu quang quác dưới gầm sàn ọp ẹp.

Bà Bùi Thị Ệu bị bướu cổ nhưng không dám mổ vì sợ mắc nợ cho con, trong ngôi nhà đang làm thủ tục bán. Ảnh: Dương Đình Tường

Bà Bùi Thị Ệu bị bướu cổ nhưng không dám mổ vì sợ mắc nợ cho con, trong ngôi nhà đang làm thủ tục bán. Ảnh: Dương Đình Tường

Nông thôn mới người dân xóm Cá được gì? Được giao thông đi lại khá hơn tuy nhiên đoạn đường nội đồng hiện vẫn chưa làm xong, nhà văn hóa chưa có công trình vệ sinh, bếp, bàn ghế, sân thể thao, bể nước sạch chưa có...

12-13 tuổi chở nhau đi học bằng xe máy

Đinh Công Thanh 36 tuổi là chủ một hộ nghèo khác có 6 người con trong đó 4 đứa sinh đôi. Hỏi có đẻ nữa không, anh rụt cổ, lắc đầu: “Thôi, em sợ lắm rồi”. Nhà anh không đói nhưng cái nghèo cứ quấn mãi, chẳng chịu rời đi. Có đồng làm thuê nào anh lại để dành nuôi con ăn học dù chúng cũng được Nhà nước hỗ trợ ít tiền, ít gạo nhưng chẳng thấm tháp vào đâu. Đứa đầu 12 tuổi hàng ngày đèo đứa thứ hai đi học bằng…xe máy. Ở xóm Cá nhiều đứa trẻ 12, 13 tuổi đã được bố mẹ cho phép đi xe máy như vậy và tôi nghe nói phụ huynh phải ký giấy cam kết gì đấy.

Mà không cho cũng chẳng được vì nếu không sẽ phải mất đứt một lao động để sáng chở đi 6-7 km đường núi đến trường rồi về, chiều lại đi đón, khác nào buộc dây vào chân? Mà ngay cả bố của nó, tức anh Thanh cũng chẳng có bằng xe máy dù đã học hết lớp 5 vì không khi nào dám dành ra 1-2 triệu để thi cả.   

Lúc tôi đến thì đứa con thứ hai đang ở nhà. Hỏi thì anh bảo, sáng nó kêu đau đầu nhưng chắc lại trốn học để chơi vì vẫn chạy nhảy ầm ầm ấy. Chỉ có đứa đầu, đứa thứ hai được đẻ ở trạm y tế, bốn đứa còn lại vợ anh đẻ ngay tại nhà, nhờ người đến đỡ, cắt rốn bằng cái kéo cũ rưới ít rượu lên để sát trùng. Cũng may là không đứa nào bị sao cả.

Con bò còn lại của anh Đinh Công Thanh mới đẻ một con bê, được nuôi ngay dưới gầm nhà sàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con bò còn lại của anh Đinh Công Thanh mới đẻ một con bê, được nuôi ngay dưới gầm nhà sàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh vẫn còn nợ ngân hàng 75 triệu đồng tiền mua cặp bò với con trâu nhưng chẳng may chết mất hai con. “Một con sáng ra em tưởng vẫn nằm ngủ nhưng sờ vào đã cứng đờ rồi, không thấy thở nữa. Một con thì một buổi sùi bọt mép ngã ra chết, không biết bệnh gì. Mỗi con bán chạy được mấy triệu đồng rồi sau phải mời thầy về cúng mất một con lợn 70 kg nữa. Có lẽ là nhờ cúng mà con bò còn lại vẫn sống và đẻ được một con bê. Mới đây gia đình em được xếp vào diện hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, được cấp cho 44 triệu đồng nhưng xây hết hơn 100 triệu đồng nên lại phải vay tiếp”…

Bà Bùi Thị Nhiêm có 2 người con, chỉ Bùi Thị Hường là ở nhà, còn người em trai đi làm thuê biền biệt dưới Hải Phòng phải gửi cháu cho bà ngoại trong Thanh Hóa trông. Chồng của Hường quê tại xã Ngổ Luông nhưng ở rể trong xóm Cá đã 10 năm nay, đầu năm mới trở về chốn cũ. Hôm nay anh đang đi tìm ông chú săn chuột bị lạc trong rừng  4-5 ngày không tin tức gì. Lần trước ông cũng đi lạc 3 ngày như vậy rồi tự về được nhưng lần này thấy lâu quá nên người nhà mới túa đi tìm. Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn-Ngổ Luông rộng ngút ngàn, lạc trong đó nếu không bị gấu vả, bị rắn độc cắn cũng dễ bị kiệt sức vì không tìm được thức ăn.

Lễ cúng động thổ mở đường dân sinh dân tự làm ở xóm Cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lễ cúng động thổ mở đường dân sinh dân tự làm ở xóm Cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói về tình trạng nghèo khó của bà con, ông Đinh Công Ền-Chủ tịch người cao tuổi của xã Quyết Chiến đồng thời là một công dân ở xóm Cá bảo: “Nông thôn mới nhưng kinh tế của nhiều hộ còn kém và bấp bênh. Mình tôi có lương, được sung sướng còn bà con nhiều người khổ lắm. Có nhiều cây bương, cây tre trên đồi đấy mà bán lại không được giá. Một số gia đình lúa vẫn không đủ ăn đâu. Một số thoát nghèo nhưng sẽ tái nghèo bởi trước còn trẻ khỏe đi làm phụ hồ ở Hà Nội, cơm nuôi ba bữa, công được 300-400.000đ/ngày giờ già yếu không đi được nữa. Xã có 200 hội viên người cao tuổi, trong đó khoảng 60 người còn phải lao động vất vả, ngay cả đóng quỹ cũng phụ thuộc vào con cháu đi làm thuê góp cho”.    

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.