| Hotline: 0983.970.780

Sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn

Thứ Sáu 27/03/2020 , 09:05 (GMT+7)

Cùng với đẩy mạnh tái đàn nhằm phấn đấu tăng sản lượng thịt lợn 18,5% so với năm 2019, việc nhập khẩu thịt lợn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cuối đầu quý II/2020, sẽ cơ bản đáp ứng được 90% nhu cầu thịt lợn trong nước. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cuối đầu quý II/2020, sẽ cơ bản đáp ứng được 90% nhu cầu thịt lợn trong nước. Ảnh: Lê Bền.

Trao đổi với NNVN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Trước ảnh hưởng của dịch Covid 19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành nông nghiệp cùng các địa phương sẽ quyết tâm cao độ nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Đặc biệt về thực phẩm, năm 2020, toàn ngành đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt 5,8 triệu tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn khoảng 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019); thịt gia cầm 1,42 triệu tấn; thịt bò 365 nghìn tấn; trứng 14,5 triệu quả; sữa 1,2 triệu tấn... Đây là những mục tiêu mà toàn ngành phải nỗ lực cao nhất để đạt được.

Cuối quý II/2020, đáp ứng 90% nhu cầu thịt lợn

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo phải đưa giá lợn hơi xuống mức 60 nghìn đồng/kg. Bộ NN-PTNT sẽ có những giải pháp nào nhằm tiếp tục đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý, thưa Thứ trưởng?

Đối với thịt lợn, đến nay, tình hình dịch bệnh đã được khống chế cơ bản, nhất là với dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) hiện đã có gần 100% số xã qua 30 ngày, với 41 tỉnh đã công bố hết dịch. Nếu như trong tháng 1/2020, chúng ta phải tiêu hủy hơn 12 nghìn con lợn thì đến tháng 2/2020, chỉ còn hơn 7.400 con phải tiêu hủy và tháng 3/2020 kết thúc dự kiến sẽ chỉ có khoảng trên dưới 3.000 con phải tiêu hủy. Như vậy đến thời điểm này, điều kiện để tái đàn, tăng đàn lợn trở lại đang rất thuận lợi.

Dự báo gia tăng sản lượng lợn hơi các quý trong năm 2020 theo kịch bản của Bộ NN-PTNT (Đơn vị: triệu tấn). Đồ họa: Lê Bền.

Dự báo gia tăng sản lượng lợn hơi các quý trong năm 2020 theo kịch bản của Bộ NN-PTNT (Đơn vị: triệu tấn). Đồ họa: Lê Bền.

Với mục tiêu cả năm đạt 3,9 triệu tấn thịt lợn, quý I/2020, cả nước sẽ phấn đấu đạt 810 nghìn tấn (trong đó báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết dự kiến quý I/2020 sẽ đạt khoảng 811 nghìn tấn); quý II/2020 kế hoạch đạt 950 nghìn tấn; quý III/2020 đạt 1,02 triệu tấn và quý IV/2020 đạt 1,083 triệu tấn.

Như vậy với kịch bản này, đến cuối quý II, đầu quý III/2020, chúng ta sẽ cơ bản đáp ứng được trên dưới 90% nhu cầu thịt lợn trong nước (so với năm 2018 khi chưa xẩy ra DTLCP).

Như vậy đến hết tháng 3/2020, có thể khẳng định tình hình tăng đàn, tái đàn lợn đã đảm bảo được sản lượng thịt lợn như dự kiến đề ra. Trong đó tháng 3/2020 tăng so với tháng 2/2020 khoảng 7,1% tổng đàn lợn, tháng 2/2020 tăng so với tháng 1/2020 khoảng 4,8%.

Sau khi DTLCP được khống chế cơ bản, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp thống kê rà soát, cho thấy đến đầu năm 2020, cả nước vẫn còn khoảng 109 nghìn lợn ông bà cụ kỵ; cùng khoảng 2,72 triệu con lợn nái. Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng trang trại, gia trại sẵn có cũng như việc siết chặt điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng việc tăng đàn, tái đàn lợn sẽ diễn ra nhanh trong các tháng tiếp theo.

Tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp lớn hạ giá lợn

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã nhiều lần làm việc với các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn về vấn đề giảm giá lợn. Vậy đến nay, đã tạo được chuyển biến nào đối với giá thịt lợn trên thị trường, thưa Thứ trưởng?

Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, qua nhiều lần họp bàn với Bộ NN-PTNT về việc điều chỉnh hạ giá thịt lợn, các doanh nghiệp gồm C.P, DABACO, Greenfeed, Mavin đã tuân thủ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ NN-PTNT một cách nghiêm túc, thời gian qua đã hạ giá lợn hơi xuống ở mức từ 72-75 nghìn đồng/kg.

Theo kế hoạch tuần tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có cuộc làm việc với tất cả 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhằm tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ và ngành nông nghiệp, trước mắt là đưa giá lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg, tiến tới lộ trình cuối quý II, đầu quý III/2020 hạ xuống mức 60 nghìn đồng/kg, trên cơ sở từng bước đảm bảo cân đối về cung – cầu.

Mặc dù vậy, hiện trên thị trường hiện mặc dù vẫn còn hơi cao, dù đã giảm dần và ổn định trở lại. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn lợn nhằm từng bước đảm bảo nguồn cung trở lại; Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lí điều hành chuỗi phân phối thịt lợn từ chuồng tới tay người tiêu dùng.

Qua đánh giá rà soát, khâu lưu thông thịt lợn từ trang trại tới bàn ăn hiện vẫn còn chiếm tỉ lệ lợi nhuận quá cao, khiến người chăn nuôi và người tiêu dùng vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi mắt xích này. Cụ thể, có những công ty khi xuất lợn hơi ra khỏi cửa chuồng để bán ra ngoài là đã tăng thêm 10 giá.

Hiện Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính thanh tra kiểm tra lại tình hình thuế tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Đồng thời các bộ ngành cũng đã triển khai quyết liệt việc kiểm tra giám sát, ngăn chặn việc xuất lậu lợn và sản phẩm thịt lợn qua biên giới. Nhất là hiện nay, do giá lợn tại Trung Quốc rất cao nên vẫn còn tình trạng vận chuyển, xuất lậu lợn và sản phẩm thịt lợn qua Trung Quốc.

Tiến thêm một bước việc nhập khẩu thịt lợn

Hiện những lô thịt lợn nhập khẩu đầu tiên từ Nga đã về Việt Nam. Bộ NN-PTNT sẽ triển khai tiếp việc nhập khẩu thịt lợn ra sao trong thời gian tới nhằm bù đắp cho nguồn cung thịt lợn, giúp giảm dần giá lợn, thưa ông?

Đến 15/3/2020, cả nước đã nhập khẩu 26,5 nghìn tấn thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường thêm một bước việc nhập khẩu thịt lợn đối với các thị trường khác như Đức, Brazil, Mỹ, và đặc biệt với Tập đoàn Miratorg của Nga.

Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn trong thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm cân đối cho nguồn cung tạm thời thiếu hụt trong nước. Ảnh: Miratorg.

Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn trong thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm cân đối cho nguồn cung tạm thời thiếu hụt trong nước. Ảnh: Miratorg.

Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1/1/2020, với 4 thông tư và 2 nghị định đang được triển khai. Theo đó, việc đánh giá nguồn cung cũng như nhu cầu thịt lợn theo quy định của luật cũng đã và đang được triển khai.

Trước mắt, sẽ tính toán nhu cầu tiêu thụ hàng tháng để có phương án tổ chức triển khai, điều hành sản xuất, công bố thông tin rộng rãi tới người dân.

Hiện cơ chế đánh giá, dự báo nguồn cung thịt lợn nói riêng cũng như các sản phẩm chăn nuôi cũng đang được bước đầu đi vào vận hành và sẽ từng bước hoàn thiện theo đúng yêu cầu của Luật Chăn nuôi.

Đến ngày 26/3, chúng ta đã và đang triển khai tiếp nhận, triển khai phân phối ra thị trường đối với lô thịt lợn nhập khẩu khoảng 3.500 từ Nga, trong đó hiện đã cập cảng khoảng 1.500 tấn, còn lại khoảng 2.000 tấn đang trên đường vận chuyển về Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã trực tiếp làm việc với Tập đoàn Miratorg để kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tổ chức phân phối và tiêu thụ khi thịt lợn được nhập về Việt Nam.

Tập đoàn Minato đã khẳng định sẽ đảm bảo đủ nguồn cung so với nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong việc triển khai nhập khẩu thịt lợn, phải khẳng định ban đầu gặp một số khó khăn do nguồn cung thịt lợn trên thị trường quốc tế đang có những hạn chế nhất định.

Bên cạnh đó, giá thịt lợn nhìn chung trên thị trường quốc tế cũng đang ở mức cao.

Các cơ sở giết mổ lớn của thế giới cũng đã được các doanh nghiệp của Trung Quốc tìm mua thịt lợn.

Do đó để chuẩn bị cho đơn hàng nhập khẩu về Việt Nam, sẽ cần phải có thời gian chuẩn bị từ 3-4 tháng...

Mặc dù vậy, cùng với sự vào cuộc của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao, thời gian qua chúng ta đã kết nối được với các nhà cung cấp thịt lợn lớn của thế giới, và hiện đã chủ động được nguồn hàng thịt lợn để sẵn sàng nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xúc tiến nhập khẩu thịt lợn nhằm điều tiết cung – cầu, trên cơ sở đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất