Giống sạch bệnh là yếu tố đầu vào quan trọng để phát triển những vùng trồng cây ăn quả có múi chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Theo TS Cao Văn Chí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả): Sau khi được ghép mắt từ cây S1, cây giống S2 sẽ được nuôi dưỡng cho đến khi đạt tiêu chuẩn để đưa ra trồng. Đó là những cây có chiều cao đạt trên 60cm, chiều dài cành ghép trên 40cm, đường kính gốc ghép trên 0,8cm, đường kính cành ghép trên 0,7cm, có từ 2 - 3 cành cấp I.
Tuy nhiên, để cây giống S2 phát triển mạnh mẽ, cần có nền đất khỏe và sạch bệnh. Với những vườn cây đã bị nhiễm bệnh và phải chặt bỏ, cần làm sạch, cải tạo bằng việc trồng cây ngắn ngày, quá trình này cần kéo dài ít nhất 2 năm.
Sau đó, người trồng phải làm đất, thiết kế vườn trồng, phân lô, làm đường, đào mương rãnh thoát nước, không để ngập úng hoặc đọng nước cục bộ để tránh nấm bệnh gây hại bộ rễ. Sau khi trồng mới cây giống sạch bệnh, cần tiếp tục xen canh cây ngắn ngày trong 3 năm nữa để tiếp tục cải tạo đất, hỗ trợ cây có múi phát triển.
"Đây là công đoạn kéo dài, đòi hỏi người trồng phải kiên trì, quyết tâm tái canh mạnh mẽ. Do đó, cần đến sự thay đổi trong tư duy của chủ vườn", TS Chí nhấn mạnh.
Sau khi đã trồng cây, người dân cần thường xuyên vệ sinh vườn, đặc biệt sau giai đoạn thu hoạch quả nhằm loại bỏ nguồn bệnh hại, cắt đứt nguồn lây nhiễm; cắt tỉa cành tạo cho vườn thông thoáng, khống chế độ cao của cây để dễ dàng chăm sóc và thu hoạch.
Để bổ sung dinh dưỡng, cần bón phân cân đối hợp lý, tăng cường bón phân hữu cơ, thúc đẩy vi sinh vật có lợi trong đất phát triển và không sử dụng phân bón lá định kỳ. Đối với cỏ, phải làm sạch cỏ vùng gốc cây, thường xuyên cắt cỏ trên băng bằng máy cắt cỏ chuyên dụng. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ bởi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và nghiêm trọng hơn là tiêu diệt hệ vi sinh vật có lợi trong đất.
Sử dụng giống sạch bệnh, áp dụng quy trình canh tác chuẩn sẽ giúp nông dân có được vườn cây chất lượng, năng suất. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn giống sạch hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định. Điều nguy hiểm là nếu sử dụng giống cây có múi trôi nổi, nhiễm bệnh thì người trồng phải mất 2 - 3 năm mới có thể phát hiện ra, thiệt hại kinh tế lớn hơn rất nhiều lần so với các loại cây ngắn ngày.
Do đó, TS Cao Văn Chí kiến nghị cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng cây giống cây ăn quả có múi trên địa bàn các vùng sản xuất tập trung. Theo đó, chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện... có trách nhiệm chính trong kiểm tra giám sát việc sản xuất, kinh doanh cây giống cây ăn quả có múi.
Các lô cây giống cây ăn quả có múi khi đưa vào phục vụ sản xuất thâm canh cần phải chứng minh rõ nguồn gốc, có quy trình kỹ thuật chống tái nhiễm sâu bệnh hại nguy hiểm, có giấy chứng nhận lô giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn…
"Cương quyết không để những lô cây giống cây ăn quả có múi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không đủ tiêu chuẩn xuất vườn… đưa vào trồng trên địa bàn các vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung khi tiến hành triển khai trồng tái canh, nếu phát hiện cần triển khai tiêu hủy ngay", TS Cao Văn Chí nhấn mạnh.
Người trồng cây ăn quả có múi cần mua cây giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản xuất ở những đơn vị có chuyên môn cao về lĩnh vực cây ăn quả có múi, những cơ sở sản xuất được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.