Như vậy, đảo quốc sư tử sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép thương mại hóa cái gọi là thịt nhân tạo, có nguồn gốc không từ động vật và trải qua khâu giết mổ.
Theo các chuyên gia, sẽ không còn là điều gì ngạc nhiên khi trong tương lai không xa, nhân của những chiếc bánh hamburger sẽ được làm từ thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, thay vì lấy từ một con bò. Dự báo thị trường thịt nhân tạo thế giới sẽ đạt doanh số trên 500 triệu USD vào năm 2030.
Động thái trên vừa được loan đi trong bối cảnh nhu cầu về các lựa chọn nguồn protein thay thế cho các sản phẩm thịt (được sản xuất, chăn nuôi và giết mổ truyền thống) đang tăng cao do những lo ngại của người tiêu dùng về sức khỏe, quyền của động vật và tác động đến môi trường.
Theo đó, các lựa chọn nguồn thịt có nguồn gốc thực vật được khởi phát từ hai hãng thịt chay nổi tiếng thế giới của Mỹ là Beyond Meat Inc và Impossible Foods, khi các sản phẩm của họ ngày càng chiếm nhiều chỗ trên các kệ siêu thị và thực đơn nhà hàng.
Tuy nhiên riêng đối với sản phẩm thịt nhân tạo hay còn gọi là thịt trong ống nghiệm, được nuôi từ các tế bào động vật hiện vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. “Việc giới chức Singapore cấp phép theo quy định đối với thịt ống nghiệm đầu tiên trên thế giới, với sản phẩm thịt chất lượng cao, an toàn tuyết đối được tạo ra trực tiếp từ tế bào động vật phục vụ người tiêu dùng đã mở lối cho chiến lược thương mại quy mô nhỏ sắp tới ở đảo quốc sư tử”, đại diện Eat Just cho biết vừa cho biết hôm nay (2/12).
Theo đại diện công ty Eat Just, loại thịt gà được sản xuất trong ống nghiệm này sẽ được bán dưới dạng miếng chiên, đồng thời cho biết thêm rằng chi tiết việc ra mắt sản phẩm sẽ được thực hiện theo từng bước sắp tới. Trước đó, đại diện hãng này tiết lộ, mỗi miếng thịt ống nghiệm chiên sẽ có giá 50 USD, nhưng không rõ trọng lượng là bao nhiêu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sản phẩm thịt trong ống nghiệm, thịt nuôi cấy hay thịt nhân tạo là sản phẩm do con người tạo ra, không sử dụng các phương pháp truyền thống, mà sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào từ động vật trong dĩa thí nghiệm có thể đảm bảo cung cấp protein cho cơ thể con người.
Nỗ lực nghiên cứu này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt cho dân số toàn cầu sẽ đạt khoảng 10 tỷ người vào năm 2050, được dự báo sẽ là một áp lực lớn về vấn đề thực phẩm.