| Hotline: 0983.970.780

Sinh khí mới ở Phước Long

Thứ Tư 10/08/2011 , 11:51 (GMT+7)

Phước Long (Bạc Liêu) là huyện duy nhất tại ĐBSCL được Trung ương chọn thí điểm xây dựng "huyện NTM".

SX nông nghiệp ở Phước Long
Phước Long (Bạc Liêu) là huyện duy nhất tại ĐBSCL được Trung ương chọn thí điểm xây dựng "huyện NTM". Bốn từ này đi tới đâu trong huyện cũng nghe thấy, từ người nông dân tay lấm chân bùn cho đến các cán bộ xã ấp.

Nền tảng sẵn có

Trước khi được chọn xây dựng thí điểm huyện NTM giai đoạn 2011 - 2015, Phước Long đã tự hoàn thiện mình bằng một chương trình gây xôn xao dư luận toàn vùng: "Xây dựng huyện nông thôn phát triển toàn diện”. Lúc đó chưa có bộ tiêu chí, tất cả vừa làm vừa học với mục tiêu để Phước Long không còn là huyện nghèo.

Ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện uỷ, nhớ lại: “Do không có mô hình nên chúng tôi vừa làm vừa học. Anh em quyết tâm với nhau vì một huyện Phước Long phát triển toàn diện mà cùng nhau thực hiện”. Vậy là hàng loạt nghị quyết của Ban chấp hành Huyện uỷ ra đời. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết số 02 về tăng cường trồng rau, cải thiện bữa ăn gia đình. Có người nói vui: "Ở Phước Long, nghị quyết của Đảng đến từng nhà dân, thể hiện rõ ràng đến từng cọng rau trong bữa cơm gia đình".

Hiệu quả của việc xây dựng huyện nông thôn phát triển toàn diện đã thổi một luồng sinh khí mới cho huyện nghèo Phước Long. Những con đường nông thôn được trải nhựa rộng khắp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cả 2 mùa mưa, nắng. Hàng rào cây xanh trước cửa mỗi nhà được người dân tỉa tót, hình thành dáng dấp ấp văn hoá. Quy hoạch sản xuất được xác lập. Nhiều mô hình được thử nghiệm và ứng dụng tại 2 vùng sản xuất của huyện. Hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích tăng dần...

 Thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng gấp 3 lần, đạt đến 15 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 19% xuống còn dưới 4% (theo tiêu chí cũ). Bờ kè hai bên bờ sông được xây dựng, ngoài việc chống sạt lở, còn tạo cảnh quan thân thiện cho cả huyện.

Tạm nghỉ việc nếu cán bộ thờ ơ

Bắt tay vào thực hiện đề án huyện NTM, Phước Long hoàn toàn không bỡ ngỡ. Trên nền tảng sẵn có, huyện điều chỉnh theo 19 tiêu chí của Trung ương. Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó ban thường trực BCĐ xây dựng NTM, lý giải: “Trên nền tảng của huyện nông thôn phát triển toàn diện, chúng tôi kiện toàn bộ máy BCĐ từ huyện đến cơ sở. Đây là một thuận lợi. Tuy nhiên, lúc đầu nhiều tiêu chí thật sự làm anh em lúng túng, không biết triển khai thế nào cho phù hợp”.

Sau khi đối chiếu, Phước Long đã hoàn thành 8/19 tiêu chí theo quy định gồm: Quy hoạch, văn hoá, bưu điện, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế và an ninh trật tự. Có 6/19 tiêu chí đã hoàn thành 80% là: Nhà ở dân cư, trường học, thu nhập dân cư, cơ cấu lao động, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị và điện. Còn 4/19 tiêu chí gần như chưa có gì là: Kiên cố hoá kênh mương, cứng hoá đường trục chính nội đồng, chợ nông thôn, nhà văn hoá và khu thể thao xã, ấp.

Ông Trịnh Hoàng Đức, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Phú Đông, Trưởng BCĐ xây dựng NTM của xã, tỏ ra dè dặt khi tôi hỏi đâu là khó khăn trong việc xây dựng NTM. Trầm ngâm hồi lâu, ông Đức tâm tình: “Tiền thì khỏi phải bàn rồi, bởi không có tiền thì làm việc gì cũng khó. Tại vùng nông thôn như xã tôi thì chuyện kiên cố hoá kênh mương và cứng hoá đường trục chính nội đồng là điều không thể. Tôi cho rằng có đổ bao nhiêu tiền để làm cũng không phát huy tác dụng, bởi không đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ngoài ra, tiêu chí 65% lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ là khó đạt được, bởi càng ngày càng cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, cả cánh đồng này bước vào mùa thu hoạch chỉ cần 5 máy gặt đập liên hợp hoạt động trong một tuần là xong. Nông dân sẽ không còn việc làm tại chính quê nhà của mình nữa”.

Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Thanh, cho rằng: “Rất khó để hoàn thành chỉ tiêu lộ liên xã, liên ấp, kiên cố hoá kênh mương”. Theo quy định, mỗi ấp đều có nơi sinh hoạt văn hoá. Điều này thật vô cùng khó khăn đối với một số xã trung tâm, bởi từ rất lâu các địa phương của huyện Phước Long không giữ quỹ đất riêng. Để thực hiện, BCĐ huyện đề nghị BCĐ các xã vận động người dân hiến đất xây dựng trụ sở văn hoá ấp. Do người dân hiến đất nên không thể chọn lựa vị trí để xây dựng được. Đó là chưa kể nhiều mảnh đất hiện là ao đìa, chi phí san lấp mặt bằng không nhỏ.

Ông Trần Ngọc Ẩn, Trưởng phòng Văn hoá huyện Phước Long, cho rằng: “Theo quy định, diện tích tối thiếu để xây dựng một điểm văn hoá ấp là 2.500m2, hầu hết người dân hiến đất không đạt diện tích này. Điều chúng tôi lo ngại là vị trí không mấy thuận lợi, nếu xây dựng sẽ khó thu hút người dân đến sinh hoạt, vui chơi giải trí như mục đích tốt đẹp ban đầu”.

Có thể ông Ẩn đúng, bởi việc xây dựng NTM là việc làm cho dân, vì dân. Nếu xây dựng một cách tràn lan rồi bỏ đó, như một số thiết chế văn hoá xã của Bạc Liêu trước đây thì phản tác dụng, gây lãng phí lớn.

Việc Trung ương chọn Phước Long xây dựng huyện NTM là một tự hào, vinh dự cho Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, đây cũng thật sự là nỗi lo lớn. Bởi việc xây dựng NTM phải đem lại lợi ích chính đáng cho người dân. Nếu hoàn thành các tiêu chí mà người dân không khá hơn, đời sống vật chất và tinh thần không được nâng lên, không có gì khác biệt với các huyện không phải là huyện NTM thì không thành công.

Còn đường từ TP. Bạc Liêu về huyện lỵ Phước Long bây giờ tương đối thuận lợi, nhưng vẫn còn gồ ghề. Đoạn từ Vĩnh Thanh đi Phước Long vẫn bề bộn đất đá. Hai bên đường, những hàng rào cây xanh còn lỗ chỗ, chưa đồng đều dù huyện đang mở cao điểm vận động làm hàng rào cây xanh hoặc xây dựng kiên cố đối với những gia đình có điều kiện. Vẫn còn đó những gia đình thờ ơ với công việc của huyện, xã về xây dựng NTM. Trong đó không ít là gia đình cán bộ, đảng viên.

Ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: "Sẽ không thể thành công, nếu như chính những gia đình cán bộ, đảng viên đứng ngoài cuộc vận động. Người dân sẽ "học tập" những gia đình cán bộ đảng viên này và có những phản ứng tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc vận động". Và chính ông xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện uỷ, nếu gia đình cán bộ, đảng viên nào không thực hiện thì tạm thời cho nghỉ để về vận động gia đình. Khi nào thành công thì đi làm việc lại.

 Chưa thể nói trước được, 4 năm nữa Phước Long có đạt được huyện NTM hay không, nhưng những gì Đảng bộ, chính quyền tại đây phát động nhân dân thực hiện cho thấy bộ mặt nông thôn của huyện thuần nông này đang thay đổi từng ngày.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.