| Hotline: 0983.970.780

Số phận cô dâu Việt ở nước ngoài: Những thiếu nữ bị bán sang Trung Quốc

Thứ Ba 13/08/2019 , 13:05 (GMT+7)

Ở nơi đất khách, nhiều cô dâu Việt có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, nhưng không ít người bị rơi vào cạm bẫy, phải bất đắc dĩ làm vợ những người đàn ông xa lạ, thậm chí bị đánh đập, cưỡng hiếp.

Linh (không phải tên thật), một học sinh cấp ba, chẳng mảy may bận tâm cũng như không thấy có bất cứ điều gì bất thường khi nhận lời mời từ một người bạn của gia đình tới thăm huyện Mường Khương (Lào Cai) lân cận.

16-56-02_nh1
Hình ảnh những phụ nữ được rao bán làm vợ ở Trung Quốc. Ảnh: Channel News Asia.

“Người bạn” của gia đình đó hóa ra lại là một kẻ lừa đảo. Hắn thực tế làm việc cho một mạng lưới buôn người và đã mất một năm để dần dần làm quen với cô bé 17 tuổi, theo Channel News Asia.

Trên đường tới Mường Khương, Linh bị bắt cóc và đưa sang Trung Quốc, nơi em bị ép phải lấy một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. “Nếu bạn bị bán, chắc chắn bạn sẽ bị cưỡng hiếp. Gần như tất cả mọi người ở vào hoàn cảnh tương tự đều bị cưỡng hiếp”, Linh nhớ lại.

“Tôi trở thành vợ của một người đàn ông Trung Quốc. Trong ngôi nhà ấy, tôi phải nghe theo tất cả những gì họ nói, nếu không sẽ bị đánh đập. Họ đánh tôi mà không phải mảy may lo lắng bởi tôi không phải người Trung Quốc”, Linh kể.

Ở những khu vực nông thôn và vùng núi tây bắc Việt Nam, những thiếu nữ như Linh, có em mới chỉ 13 tuổi, đang biến mất khỏi các ngôi làng hẻo lánh với một tốc độ đáng báo động.

Bị bắt cóc và bán cho những kẻ buôn người, không ít cô gái sau đó lại bị bán lại làm cô dâu ở Trung Quốc, quốc gia đang vật lộn với tình trạng mất cân bằng giới tính, trong đó số lượng đàn ông đang vượt xa phụ nữ.
 

Ai cũng có thể là kẻ buôn người

Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới dài ở khu vực miền núi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những kẻ buôn người bắt các cô gái từ những ngôi làng rồi đưa họ vượt biên.

“Lợi nhuận từ hoạt động buôn người là rất lớn. Những kẻ bán phụ nữ có thể kiếm hàng chục nghìn USD cho mỗi giao dịch thành công”, Michael Brosowski, người sáng lập tổ chức từ thiện Blue Dragon Children’s Foundation, trụ sở tại Hà Nội, chuyên giải cứu các nạn nhân buôn người Việt Nam, cho hay.

Từ năm 2012 đến 2017, hơn 3.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã bị buôn bán, theo số liệu từ Bộ Công an Việt Nam. Nhưng đây chỉ là con số chính thức, số trường hợp không được báo cáo có thể còn cao hơn như thế nhiều lần.

Theo Caitlin Wiesen, giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nguyên nhân nạn buôn bán người phát triển ở Việt Nam bắt nguồn từ tình trạng đói nghèo, trình độ học vấn thấp và thiếu việc làm tại những khu vực xa xôi, hẻo lánh. Nhiều phụ nữ vì thiếu hiểu biết nên tin vào lời hứa hẹn ngon ngọt của những kẻ buôn người. Cuối cùng. kết cục là họ bị bán, bị trao đổi không khác gì những món hàng.

Theo Brosowski, những kẻ buôn người sẵn sàng dành hàng tuần, thậm chí hàng tháng để tiếp cận, kết thân với các nạn nhân. Họ không có đặc điểm nhận dạng đặc biệt nào, có thể là bất kỳ ai từ thanh niên bỏ học, thất nghiệp cho đến phụ nữ luống tuổi bán chè ở chợ, hay thậm chí là cả những học sinh là bạn của nạn nhân.

“Kẻ buôn người có thể là nam hoặc nữ, ở bất kỳ độ tuổi nào... Đa phần các trường hợp, chúng sẽ xây dựng mối quan hệ với nạn nhân, đôi khi mất đến vài tháng”, Brosowski cho biết. “Họ có thể đi nghỉ cùng nhau trước khi kẻ buôn người bán cô gái sang Trung Quốc”.
 

Bị đánh đập nếu không vâng lời

Linh sinh ra và lớn lên ở Bắc Hà, một trong những khu vực nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, Việt Nam, nơi người dân lấy nghề trồng trọt quy mô nhỏ làm sinh kế chính. Thu nhập bình quân đầu người tại đây chỉ bằng 1/2 mức trung bình quốc gia và không ít nông dân bị mắc kẹt trong một vòng tròn nghèo đói luẩn quẩn.

Linh bị lừa bán cho một đường dây buôn người ở Trung Quốc. Em không biết chuyện gì đang xảy ra với mình “cho đến tôi đặt chân tới một vùng đất ở Trung Quốc và nhìn thấy những ký tự tiếng Trung”.

“Khi nhận ra mình bị bắt cóc, tôi vô cùng hoảng loạn”, Linh nhớ lại.

Những kẻ buôn người đưa em từ nơi này đến nơi khác. Sau cùng, chúng bán em cho một gia đình người Trung Quốc. Họ thường xuyên đánh đập Linh chỉ vì em không thể nói ngôn ngữ của họ.

“Bạn phải răm rắp nghe lời”, Linh, hiện 19 tuổi, nói.

16-56-02_nh2
Một cô bé tại trung tâm hỗ trợ phụ nữ bị buôn bán của tỉnh Lào Cai năm 2014. Ảnh: AFP.

May mắn cho Linh, cha em đã tìm được em trong một gia đình người Trung Quốc tại tỉnh Vân Nam. Linh sau đó được chính quyền địa phương giải cứu.

Với Giang, cũng đến từ Lào Cai, em bị một người bạn bắt cóc khi mới 16 tuổi hồi năm ngoái. Giang đoán mình bị đánh thuốc mê. Khi tỉnh dậy, em đã ở Trung Quốc.

“Chúng tôi đi chơi ở chợ và khi chúng tôi chia tay để về nhà, hắn ta đưa ngay tôi sang Trung Quốc”, Giang nhớ lại. “Lúc biết chuyện gì đang xảy ra, tôi đã ở Trung Quốc”.

Giang từ chối kết hôn và khóc gần như mỗi ngày. “Họ đe dọa sẽ mổ tôi để lấy nội tạng nếu tôi không chịu kết hôn. Tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ được trở về nhà”, Giang cho hay.

Nhưng Giang đã may mắn. Em gặp một người đàn ông Việt Nam thương cảm cho số phận của em. Người này đã bán chiếc xe máy để trả tiền cho bọn bắt cóc và chuộc Giang về.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.