Song song với lễ hội Lúa gạo và triển lãm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng ĐBSCL lần thứ I, do Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tổ chức vừa diễn ra tại thành phố Tân An, còn có một hoạt động khác về khoa học và tổ chức sản xuất, đó là: Hội thi Nông nghiệp thông minh, chủ đề “Lúa sạch, gạo thơm cơm ngon” do Sở NN-PTNT Long An cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức…
|
Các thành viên ban giám khảo cùng nhau đánh giá, chấm điểm vòng chung kết hội thi nông nghiệp thông minh, chủ đề “Lúa sạch, gạo thơm, cơm ngon” |
Đây là phần diễn ra sôi nổi và hồi hộp nhất, bởi lẽ kết quả của hội thi gắn chặt với hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cả trong tỉnh và trong khu vực. Chỉ sau một thời gian thông báo đã có 8 đơn vị gửi 9 bộ hồ sơ và mẫu sản phẩm đến tham dự hội thi. Nhiều đơn vị rất tự tin nhưng cũng rất lo lắng và hồi hộp. Vì đây là lần đầu được tham dự một hội thi quan trong như vậy.
Hội thi bao gồm 2 phần: Phần một do khán giả tham gia đánh giá ở vòng sơ loại. Nội dung vòng này là các mẫu gạo được trưng bày theo số thứ tự, bên cạnh các nồi cơm được một đơn vị chịu trách nhiệm nấu theo quy trình của thí sinh giới thiệu. Các khán giả lần lượt đánh giá mẫu gạo bên cạnh nồi cơm nấu sẵn theo các tiêu chí do ban tổ chức đặt ra bao gồm: Mùi thơm, độ mềm dẻo, độ trắng và vị ngon. Mỗi chỉ tiêu được chia ra các thang điểm khác nhau. Có 20 thang điểm cho 4 chỉ tiêu. Khán giả lần lượt đánh giá từng mẫu nguyên liệu và chất lượng cơm. Đã có 186 khán giả tham gia đánh giá cảm quan và cho điểm.
Phần hai: Do ban giám khảo chấm. 12 thành viên ban giám khảo bao gồm các nhà khoa học hoạt động lâu năm trong lĩnh vực lúa gạo cùng với các đại diện của cơ quan quản lý và đại diện các nhà báo cùng nhau đánh giá các nội dung về: Tổ chức sản xuất, kỹ năng trình bày của thí sinh và đánh giá cảm quan. Mỗi nội dung cũng được chia ra các tiêu chí khác nhau.
Ví dụ, nội dung đánh giá về tổ chức sản xuất có 3 tiêu chí là: quy trình canh tác tốt, an toàn, đạt chứng nhận các mức: VietGAP, GlobalGAP, Organic và tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Nội dung về kỹ năng trình bày cũng gồm các tiêu chí: Có nội dung đầy đủ, phong cách trình bày và đúng thời gian quy định. Còn nội dung đánh giá cảm quan tuân thủ đúng như phần khán giả đã thực hiện.
Sau cuộc thi chung khảo diễn ra tại khu triển lãm, Ban thư ký hội thi đã tổng hợp điểm từ các phần của ban giám khảo và của 186 khán giả cho thấy toàn bộ phiếu đánh giá đều hợp lệ và khách quan. Việc đánh giá đều dựa trên các mẫu vật cụ thể. Các mẫu gạo đạt được giải, xếp hạng theo thứ tự như sau:
A.Giải Vàng:
1/ Mẫu gạo số 08: Gạo an toàn SaKê VN20 export, đơn vị dự thi: Cơ sở gạo sinh học Tháp Mười, số điểm: 54,1/70 điểm.
2/Mẫu gạo số 06: Gạo Nàng Quỳnh, đơn vị dự thi: Itarice, số điểm: 54,0/70 điểm.
3/Mẫu gạo số 01: Gạo Nàng Hoa, đơn vị dự thi: Công ty Lương thực Long An, số điểm: 52,0/70 điểm.
B. Giải Bạc:
1/ Mẫu gạo số 07: Gạo Bắc Đẩu, đơn vị dự thi: Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, số điểm: 48,4/70 điểm.
2/ Mẫu gạo số 02: Gạo Trắng Nàng Hương, đơn vị dự thi: Công ty gạo Minh Tâm, số điểm: 47,2/70 điểm.
3/ Mẫu gạo số 05: Gạo Tài Nguyên, đơn vị dự thi: Cửa hàng gạo ĐoànThành, số điểm: 45,8/70 điểm.
4/Mẫu gạo số 03: Gạo Nàng Thơ, đơn vị dự thi Mekofood, số điểm: 45,7/70 điểm.
5/Mẫu gạo số 09: Gạo sấy Nàng Hương, đơn vị dự thi: Công ty Gạo Minh Tâm, số điểm: 45,0/70 điểm.
C. Giải Đồng:
Mẫu gạo số 04: Gạo TV39, đơn vị dự thi: Cơ sở sản xuất lúa giống Chín Táo, số điểm: 39,7/70 điểm.
Các mẫu được giải là nền tảng để xây dựng một quy trình trồng lúa đạt chất lượng cao: Lúa sạch, gạo thơm, cơm ngon lan tỏa khắp thị trường lúa gạo trong nước và trên thế giới trong những năm tới.