Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết mùa đông xuân năm 2022 - 2023 diễn biến rất phức tạp, khó lường. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm, nhiệt độ các tháng 11, 12/2022 ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5 đến 1 độ C.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại gia súc do rét đậm, rét hại, Sở NN-PTNT Lào Cai vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan chuyên môn chỉ đạo rà soát, thống kê tổng đàn gia súc lớn; diện tích trồng cây thức ăn hiện có; tình hình dự trữ thức ăn; chuồng trại chăn nuôi gia súc.
Xây dựng phương án phòng chống đói, rét cho đàn gia súc vụ đông xuân 2022 - 2023 trên địa bàn; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp xuống các xã, thôn kiểm tra, hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc trong mùa đông.
Khẩn trương cải tạo hoặc làm chuồng mới, chuẩn bị vật liệu che chắn đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa đông. Những hộ chăn thả gia súc trong rừng, trước tháng 11/2022 phải thực hiện xong việc di chuyển đàn gia súc về chăn thả và nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét.
Thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ; tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh; gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi trâu, bò tối thiểu từ 200kg/con trở lên; thức ăn tinh dự trữ để bổ sung cho gia súc trưởng thành bình quân 1,0 kg/con/ngày, gia súc non 0,3 - 0,5kg/con/ngày.
Tẩy ký sinh trùng cho đàn gia súc trước mùa đông; vỗ béo gia súc gầy, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét và hạn chế thiệt hại trong mùa đông; thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh gia súc, gia cầm thường mắc trong mùa đông như cước chân, bệnh đường hô hấp…
Dọn vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày, đảm bảo luôn khô ráo; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi 01 lần/tuần; làm hố chứa phân, nước tiểu gia súc riêng; xử lý phân gia súc bằng phương pháp ủ nhiệt hoặc ủ men vi sinh; không tích trữ phân gia súc trong chuồng đang nuôi nhốt gia súc...
Trường hợp di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét, phải có giấy chứng nhận tiêm phòng của UBND xã nơi di chuyển đi; thực hiện khai báo với UBND xã nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh; làm lán trại tạm để giữ ấm cho gia súc, định kỳ tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi nhốt gia súc; thường xuyên thu gom phân, rác đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nghiên cứu, bố trí nguồn kinh phí xây dựng mô hình điểm sử dụng máy ép rơm, cỏ khô hỗ trợ cho nhóm hộ, tổ hợp tác chăn nuôi để nâng cao chất lượng và số lượng thức ăn khô dự trữ, đồng thời phòng ngừa hoả hoạn do gác nhiều rơm trên mái nhà, mái bếp.
Khi có rét đậm, rét hại xảy ra, hàng ngày cập nhật, tổng hợp thiệt hại về gia súc, báo cáo Sở NN-PTNT trước 15h hàng ngày.