| Hotline: 0983.970.780

3 năm thực hiện Luật Trồng trọt

Sớm điều chỉnh để Luật Trồng trọt được vận hành hiệu quả, hiệu lực, hợp lý...

Thứ Tư 14/12/2022 , 07:05 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... đã góp ý nhằm sớm điều chỉnh để việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Trồng trọt được thuận lợi, khả thi, hợp lý.

Ông Bùi Ngọc Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Việt Nam:

"Luật Trồng trọt có nhiều điểm đáng hoan nghênh"

Bài liên quan

Quy định mới của Luật Trồng trọt về việc gia hạn công nhận lưu hành có những điểm rất đáng hoan nghênh. Bởi hiện nay, những doanh nghiệp tạo ra giống được sở hữu độc quyền, nhưng những doanh nghiệp, đơn vị trước đây tạo ra một giống nhưng do khi đó chưa có Luật Sở hữu trí tuệ, nên nhiều giống lúa đã được xã hội hóa quá lâu. Bây giờ đăng ký lại thì những đơn vị, doanh nghiệp đó sẽ có cơ hội được lấy lại một phần quyền lợi, bù đắp những đóng góp trước đây của họ.

Bên cạnh đó, hiện nay trên cùng một giống nhưng mỗi đơn vị lại chọn tạo khác nhau, ví dụ như Khang dân 18. Khi có chủ sở hữu, việc chọn tạo sẽ được đồng nhất. Vì thế có thể nói, việc "trả" các giống đã được xã hội hóa về đúng chủ sở hữu của nó thì cũng nên vui cho họ!

Empty

Ông Bùi Ngọc Cường cho rằng, việc "trả về chủ cũ" đối với các giống lúa đã được xã hội hóa là điều hợp tình, hợp lý.

Bài liên quan

Việc gia hạn công nhận lưu hành cũng có cái hay, đó là có những giống hiện nay vẫn có trong danh mục nhưng trên thực tế sản xuất còn rất ít, thậm chí không còn sản xuất như Xi 23, X21…, vì vậy việc công nhận lại cũng sẽ thu gọn được danh mục giống.

Hiện nay, những giống lúa chủ lực hầu hết đều đã được các đơn vị đăng ký công nhận lưu hành, vì vậy đối với những giống không có đăng ký gia hạn công nhận lưu hành hoặc "không có chủ" mà địa phương vẫn có nhu cầu sản xuất thì sẽ xây dựng phương án công nhận đặc cách cho giống đó (coi như giống địa phương), đây cũng là một phương án rất hay.

Tôi cho rằng, khó khăn nhất hiện nay khi thực hiện theo Luật Trồng trọt, đó là chi phí để công nhận lưu hành đối với một giống mới là quá cao. Những doanh nghiệp lớn có nguồn lực tài chính lớn có thể đáp ứng, nhưng với những doanh nghiệp nhỏ thì quả thực sẽ rất khó khăn.

Bên cạnh đó, theo TCVN 13381-1:2021, điểm sâu bệnh với 3 đối tượng là rầy nâu, đạo ôn và bạc lá phải đạt điểm (lần lượt) là 5; 5 và 7 trở xuống, đây là mức cao quá, các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng.

Minh chứng là vừa qua, một số giống mới đưa vào khảo nghiệm kiểm soát đều không đạt. Điều này có thể khiến việc tạo ra giống mới sẽ trở ngại, số lượng giống mới sẽ ít đi. Xa hơn, điều này có thể sẽ là bất lợi cho sản xuất vì điều kiện thời tiết, chủng bệnh… qua thời gian sẽ ngày càng biến đổi, nếu không có giống mới thích ứng để đưa nhanh vào sử dụng thì các bộ giống cũ sẽ không thể đáp ứng.

                          ....................................................................................................

Ông Ngô Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Nam Dương:

"Không nên trao 'đặc quyền, đặc lợi' giống đã xã hội hóa về cho doanh nghiệp"

Hiện nay, các giống mới được công nhận đều gắn với bản quyền. Trước đây, khi chưa có Luật Sở hữu trí tuệ, một số giống được công nhận đã được xã hội sử dụng chung. Bởi, hầu hết các giống được công nhận là của các viện nghiên cứu, trung tâm khảo kiểm nghiệm, doanh nghiệp nhà nước... thực hiện. Chi phí công nhận giống lấy từ nguồn ngân sách nhà nước thì giống đấy phải thuộc về nhà nước, không thuộc về riêng ai nên toàn xã hội được phép khai thác, sử dụng.

Empty

Theo ông Ngô Văn Dương, không nên "tìm chủ mới" cho những giống đã được công nhận và xã hội hóa, bởi điều này tạo "đặc quyền đặc lợi" cho doanh nghiệp.

Bài liên quan

Đến nay, vẫn có một số giống được người dân rất tin dùng vì cho hiệu quả sản xuất cao như Khang dân, Q5, Bắc thơm số 7, Nếp 97, Nhị ưu 838... Từ Bình  Định trở ra, nhu cầu những giống này vẫn còn rất lớn.

Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Trồng trọt, những giống đó phải tiến hành công nhận lưu hành lại, giao cho một chủ sở hữu. Nếu trường hợp có một doanh nghiệp đứng ra làm thủ tục công nhận lưu hành lại giống đó, đồng nghĩa với việc chỉ có họ mới được phép sản xuất, kinh doanh. Điều này vô hình cơ quan quản lý đã trao cho họ "đặc quyền đặc lợi", cấp bản quyền về giống cho doanh nghiệp đó, trong khi việc công nhận lại chi phí không nhiều.

Câu hỏi đặt ra là trước đây, chúng ta dùng nguồn lực của xã hội để công nhận giống, nhưng bây giờ lại giao lại cho một chủ thể nhất định làm chủ, ai muốn khai thác phải xin phép, điều này là không hợp lý.

Theo tôi, nếu giống đó vẫn mang lại hiệu quả sản xuất, nhu cầu còn nhiều thì tiến hành gia hạn đặc cách, tạo điều kiện cho nông dân tiếp tục được dùng chung. Chúng ta phải thành thật với nhau là những giống không có bản quyền bán giá sẽ thấp, có lợi cho nông dân, vậy cớ gì phải công nhận lại? Giống là giống chung, đơn vị nào muốn khai thác thì đóng chi phí xin khai thác là được.

Empty

Sản xuất hạt lai F1.

Nếu giống không tốt thì chẳng ai sử dụng nữa. Việc đem đi kiểm tra lại, đưa ra lý do là giống có nguy cơ nhiễm sâu bệnh, năng suất giảm... là không hợp lý vì nếu không tốt thì không địa phương, hộ sản xuất nào lại trồng với diện tích lớn như vậy, trong khi đầy rẫy các giống mới để lựa chọn. Mặt khác, những giống như thế được nhà nước công nhận rồi, chỉ cần tiến hành đặc cách cho nó để toàn dân sử dụng chẳng phải sẽ thuận lợi hơn, có lợi cho nông dân, có lợi cho sản xuất hơn sao?

Về tiêu chuẩn công nhận giống, đơn cử giống BC15 là giống bị nhiễm đạo ôn, nhưng tại sao giống này vẫn được người dân sử dụng với diện tích rất lớn. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận tổng thể hơn, có thể giống nhiễm 1 bệnh nhưng tất cả các ưu điểm khác lại hoàn toàn phù hợp, nổi trội. Nếu mình cứ đóng theo bộ tiêu chuẩn đưa ra thì không sát với thực tiễn sản xuất, nên phải xem xét, điều chỉnh lại.

Về công nhận giống mới, tiêu chuẩn đưa ra quá khắt khe như khảo nghiệm cơ bản ở các vùng sinh thái, khảo nghiệm diện rộng, hẹp... để đưa ra các tiêu chí công nhận giống mới. Điều này sẽ làm giảm lượng giống mới đưa vào sản xuất, sinh ra độc quyền, giá giống sẽ cao, bất lợi cho nông dân, doanh nghiệp nhỏ cũng lao đao vì chi phí khảo nghiệm quá lớn.

                            .......................................................................................................

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam:

"Cần sớm điều chỉnh theo thẩm quyền của Bộ NN-PTNT"

Hiện tại, việc sửa đổi Luật Trồng trọt và Nghị định thi hành chưa thể làm được thì nên nghiên cứu điều chỉnh những quyết định dưới luật mà Bộ NN-PTNT có thể ban hành theo thẩm quyền.

Về những bất cập: Pháp lệnh Giống cây trồng có hiệu lực từ 2004, khi công nhận giống mới phải có khảo nghiệm về giá trị canh tác, tính khác biệt, tính đồng nhất, rồi hội đồng xem xét công nhận tạm thời, rồi công nhận chính thức.

Empty

Theo GS Trần Đình Long, tiêu chuẩn trong khảo nghiệm giống cây trồng chính cần phải sớm được điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Đối với Luật Trồng trọt mới, chỉ còn khâu công nhận chính thức, nhưng khâu khảo nghiệm giống thì lại phức tạp hơn nhiều. Phức tạp ở chỗ, phải khảo nghiệm ở rất nhiều vùng sinh thái, tốn nhiều công sức, chi phí... Tại sao chúng ta không tiến hành khảo nghiệm chỉ ở 3 vùng sinh thái là phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và ĐBSCL?

Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 13381-1:2021) mới rất phức tạp, nên nếu có thay đổi thì thay đổi bộ tiêu chuẩn này, vì vấn đề này Bộ NN-PTNT có thể quyết định được, thiết nghĩ cần phải làm ngay việc này.

Do tiêu chuẩn đưa ra chưa sát, phức tạp nên 2 năm gần đây chưa công nhận được giống lúa, giống ngô nào theo Luật Trồng trọt. Luật ra đời là để mang lại lợi ích cho sản xuất, cho nông dân, doanh nghiệp, viện nghiên cứu..., tại sao khi có luật mới rồi mà không công nhận được giống nào thì phải xem xét lại.

Một vấn đề khác cũng cần điều chỉnh là giống cũ đã công nhận rồi, sau 10, 20 năm phải công nhận lại thì điều này rất vô lý vì giống này đã là giống quốc gia, toàn xã hội sử dụng, bây giờ lại bắt 1 chủ thể đăng ký lại là không hợp lý.

Mặt khác, chúng ta bây giờ mất nhiều thời gian khảo nghiệm giống quốc gia nên sẽ khiến giống chậm đưa vào sản xuất. Đối với các cây trồng chính, trong Luật có ghi cây trồng chính do Bộ NN-PTNT quyết định, văn bản dưới dưới luật không quy định, điều này hoàn toàn có thể sửa được, không cần thiết phải đưa hàng loạt các cây trồng chính vào danh sách.

(Ghi)

Xem thêm
Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.