| Hotline: 0983.970.780

Người Đại Từ biến nguồn nước thành tiền

Thứ Hai 01/11/2021 , 10:55 (GMT+7)

Thái Nguyên - Với vị thế nằm ở sườn phía đông của dãy núi Tam Đảo, huyện Đại Từ có nhiều con suối, sông, hồ có cảnh quan đẹp, thu hút đông đảo du khách.

Du lịch sinh thái

Huyện Đại Từ, Thái Nguyên hiện nay có một số khu du lịch cộng đồng nổi tiếng, như suối Kẹp (xã La Bằng), Cửa Tử (xã Hoàng Nông), hồ Vai Miếu (xã Ký Phú),… Cứ mỗi dịp cuối tuần, các địa điểm nói trên lại đón hàng ngàn du khách đến thăm quan, trải nghiệm và thưởng thức những món ăn đậm chất núi rừng. Tất cả những điểm du lịch này đều dựa vào những con suối bắt nguồn từ dãy Tam Đảo, chảy uốn lượn qua các sườn núi và thi thoảng tạo thành những đoạn thác nước tung bọt trắng xóa. Tất cả đã tạo nên cảnh đẹp thơ mộng như tiên cảnh, mê mẩn du khách.

Một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách đến với Đại Từ trong những năm gần đây đó là suối Kẹm, xã La Bằng, để được thỏa thích hòa mình vào thiên nhiên, được bước chân lội trong những dòng suối trong vắt, được tắm dưới chân những thác nước. Cảnh đẹp dọc theo những dòng suối nằm trong những cánh rừng không còn từ nào có thể diễn tả hết được, còn phía ngoài rừng thì du khách được trải nghiệm, nhìn ngắm và chụp ảnh trên những đồi chè xanh mướt.

Kẹm La Bằng thu hút đông đảo du khách mỗi dịp cuối tuần. Ảnh: LT

Kẹm La Bằng thu hút đông đảo du khách mỗi dịp cuối tuần. Ảnh: LT

Giống như suối Kẹm (xã La Bằng), khu vực có tên Cửa Tử thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, cũng có khí hậu trong lành và dòng suối mát lạnh, là điểm đến dã ngoại hấp dẫn du khách vào dịp cuối tuần. Nơi đây nổi bật với dòng nước có nhiều đoạn len lỏi qua các khe đá và tạo thành những con thác lớn, nhỏ. Nhiều tảng đá bị bào mòn tạo thành những hình thù kì dị, trông rất lạ mắt, thỏa sức cho du khách tưởng tượng. Hành trình chinh phục những thác nước tại Cửa Tử thực sự là những trải nghiệm bất ngờ và lý thú với du khách. 

Ngoài ra còn có một số điểm nổi bật khác như suối Đát Đắng (xã Phú Xuyên), Ghềnh ổ chim (xã Mỹ Yên), hồ Vai Miếu (xã Ký Phú),… nhưng có một điểm chung là từ nhiều năm nay đều trở thành những điểm du lịch cộng hút khách. Những khu vực trên đã được người dân đầu tư xây dựng một số nhà hàng, nhà nghỉ homestay, với các dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách về ăn uống. Cũng chính vì vậy, một số người dân bản địa, hoặc nơi khác đến đã chớp cơ hội nuôi cá tầm, cá lồng, nuôi gà thả đồi,… để cung cấp cho chính những nhà hàng của gia đình và ở địa phương.

Một thác nước tại suối Cửa Tử. Ảnh: TL.

Một thác nước tại suối Cửa Tử. Ảnh: TL.

Xây dựng vùng du lịch tầm cỡ Quốc gia

Không chỉ làm du lịch cộng đồng, huyện Đại Từ được coi là trung tâm phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên. Khu du lịch nổi tiếng, được nhiều người trên cả nước biết đến, đó chính là khu du lịch hồ Núi Cốc. Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 15 km, rất thuận tiện về giao thông nên đã thu hút được đông đảo người từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến chơi, nghỉ mát. Du lịch Hồ Núi Cốc không đơn thuần là nghỉ ngơi, tĩnh tâm mà còn là cơ hội để du khách đắm mình trong không gian huyền thoại về tình yêu tuyệt đẹp của Nàng Công và Chàng Cốc.

Hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước lên tới 25km2, với 89 hòn đảo lớn, nhỏ ẩn hiện kề bên dãy núi Tam Đảo. Nhưng ít người biết rằng, hồ Núi Cốc là một hồ nước nhân tạo được hình thành do ngăn dòng sông Công.  Khu du lịch hồ Núi Cốc như một khu nghỉ dưỡng, có không gian thơ mộng, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, du thuyền khám phá lòng hồ, thưởng thức ẩm thực độc đáo... Hồ Núi Cốc đã, đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách mọi nơi, đặc biệt lý tưởng cho những kỳ nghỉ của gia đình.

Một góc hồ Núi Cốc. Ảnh: TL.

Một góc hồ Núi Cốc. Ảnh: TL.

Hồ Núi Cốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi cốc đến năm 2025. Định hướng đến năm 2030, khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Tỉnh Thái Nguyên cũng nỗ lực đầu tư về hạ tầng giao thông tăng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển du lịch hồ Núi Cốc. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng đã phê duyệt hàng chục dự án có giá trị lên tới cả ngàn tỷ đồng để kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký đầu tư.

Huyện Đại Từ có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng về hệ sinh thái động thực vật, nhiều khu vực khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiều con suối bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo. Đặc biệt có sản phẩm chè ngon nổi tiếng trong nước và Quốc tế. Với 169 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Huyện Đại Từ có lợi thế về phát triển du lịch nổi trội trên nền tảng phát triển du lịch tại khu vực hồ Núi Cốc và các điểm sinh thái dọc sườn Đông dãy Tam Đảo. Ngoài ra còn có lợi thế phát triển du lịch văn hóa tâm linh như Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc và nhiều hệ thống đình, đền, chùa…; du lịch cộng đồng với nhiều nét bản sắc văn hóa các dân tộc cùng chung sống với nền nông nghiệp, lâm nghiệp lâu đời.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi vào năm 2025

Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành gần 170 km các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh vào năm 2025, nhằm cơ bản nối thông tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau.