| Hotline: 0983.970.780

Sai phạm tại hồ Núi Cốc chưa được xử lý triệt để

Thứ Hai 04/10/2021 , 09:01 (GMT+7)

Các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã chỉ ra nhiều sai phạm tại khu vực hồ Núi Cốc xảy ra từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021.

Những sai phạm nào bị chỉ tên?

Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng (gọi tắt là Công ty Anh Thắng) đã lợi dụng thực hiện Dự án Bến thuyền du lịch phía bắc hồ Núi Cốc (gọi tắt là Dự án Bến thuyền) san lấp hàng ngàn mét khối đất và đá hộc xuống lòng hồ Núi Cốc tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Khu vực mặt hồ Núi Cốc bị san lấp kéo dài hơn 100m chạy vòng theo Dự án Bến thuyền, chiều rộng khoảng từ 5 – 10m lấn ra mặt nước.

Theo ý kiến của chuyên gia Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc đổ đất, đá, san ủi lấn chiếm mặt hồ Núi Cốc tự phát là phạm luật, điều này ảnh hưởng tới diện tích mặt hồ. Việc không theo quy hoạch phê duyệt sẽ ảnh hưởng tới kiến trúc vĩ mô, giá trị thiên nhiên tự nhiên, phá vỡ vẻ đẹp vốn có của hồ Núi Cốc. Đó cũng chính là lý do mà các nhà đầu tư và du khách đến với hồ Núi Cốc, là vì vẻ đẹp của nó.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2021 một loạt sai phạm tại khu vực hồ Núi Cốc thuộc địa bàn xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (huyện Đại Từ) cũng đã bị chỉ rõ. Trong đó có 8 công trình có quy mô tương đối lớn, trên dưới 1.000m2 được xây dựng trái phép để đón đền bù trùng vào khu vực được công bố quy hoạch Khu nhà ở kết hợp với Du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc và Khu dân cư nông thôn mới xã Tân Thái.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo xử lý những sai phạm tại hồ Núi Cốc từ tháng 4 và tháng 6/2021. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo xử lý những sai phạm tại hồ Núi Cốc từ tháng 4 và tháng 6/2021. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngay sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin về những sự việc nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND huyện Đại Từ vào cuộc xử lý sai phạm (chỉ đạo xử lý vấn đề xây dựng đón đền bù vào tháng 4/2021 và  vấn đề san lấp trái phép lòng hồ Núi Cốc của Công ty Anh Thắng vào tháng 6/2021). Nhưng đến nay, cả 2 vụ việc này vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.

Doanh nghiệp xử lý theo kiểu đối phó

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã thành lập đoàn kiểm tra và xác định việc sai phạm xảy ra. Sau đó, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn xử lý vụ việc, giao Chi cục Thủy lợi có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc, khắc phục sai phạm và việc xử xý trách nhiệm người để xảy ra sai phạm.

Nhưng đến nay sau gần 4 tháng, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam quay trở lại hiện trường của vi phạm. Có thể thấy doanh nghiệp chỉ khắc phục theo kiểu hình thức, đối phó. Cụ thể, quan sát thực tế có thể thấy Công ty Anh Thắng đã múc lên hàng trăm khối đất đá và gom lại thành đống trên bờ, nhưng phía bên dưới mặt hồ thì vẫn còn khối lượng đất đá rất lớn.

Công ty Anh Thắng mới chỉ cho máy múc 1 phần đá lên bờ, nhưng hình ảnh cho thấy vẫn còn khối lượng đất đá lên tới hơn 700m3 vẫn nằm dưới mặt hồ Núi Cốc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Công ty Anh Thắng mới chỉ cho máy múc 1 phần đá lên bờ, nhưng hình ảnh cho thấy vẫn còn khối lượng đất đá lên tới hơn 700m3 vẫn nằm dưới mặt hồ Núi Cốc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Làm việc với đơn vị quản lỷ, khai thác hồ Núi Cốc là Công ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, lãnh đạo đơn vị này là ông Chủ tịch Nguyễn Công Thịnh thông tin: Đơn vị đã ra rất nhiều văn bản, phối hợp với địa phương là xã Tân Thái và huyện Đại Từ để xử lý hậu quả, doanh nghiệp là Công ty Anh Thắng đã khắc phục xong, đất đá đổ xuống hồ đã được múc lên rồi.

Nhưng sau khi phóng viên cung cấp những thông tin về hiện trạng thực tế, thì ông Thịnh phải thừa nhận là đơn vị vẫn đang phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết, thuyết phục doanh nghiệp thực hiện triệt để việc múc đất đá lên. Theo ông Thịnh thì mặc dù doanh nghiệp này chây ì, không hợp tác, nhưng cũng không muốn đưa ra các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật vì nhiều lý do.

Đại diện của đơn vị được giao trách nhiệm đôn đốc xử lý vụ việc san lấp hồ Núi Cốc trái phép luật là Chi cục Thủy lợi thông tin với phóng viên là đã khắc phục, xử lý. Nhưng khắc phục như nào? Xử lý trách nhiệm những người để xảy ra sai phạm của đơn vị quản lý là Công ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên ra sao? Hay doanh nghiệp san lấp trái phép bị xử phạt bao nhiêu? … thì lãnh đạo đơn vị này cơ bản không cung cấp được thông tin và có né tránh.

Đã có 1 số công trình xây dựng trái phép đón đền bù tại hồ Núi Cốc bị phá dỡ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đã có 1 số công trình xây dựng trái phép đón đền bù tại hồ Núi Cốc bị phá dỡ. Ảnh: Toán Nguyễn.

 

Tương tự,theo thông tin từ Văn phòng UBND – HĐND huyện Đại Từ, huyện đã chỉ đạo UBND xã Tân Thái có trách nhiệm tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép ở xóm Gốc Mít. Huyện kiên quyết xử lý triệt để, tránh ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực hồ Núi Cốc và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư cho du lịch khu vực của tỉnh Thái Nguyên.

Thực tế cho thấy, ngoài những công trình trái phép nằm giáp với mặt hồ Núi Cốc, dễ nhìn thấy đã được phá dỡ, thì vẫn còn một số công trình tại xóm Gốc Mít vẫn tồn tại, thách thức với các các quy định của pháp luật.

Việc xử lý vấn đề xây dựng trái phép đón đền bù và san lấp hồ Núi Cốc thuộc thẩm quyền của UBND xã Tân Thái, nhưng đơn vị này cũng phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra sai phạm diễn ra trên địa bàn. Ngoài thông tin 2 cán bộ địa chính đã phải luân chuyển đi địa bàn khác, thì chưa có bất cứ lãnh đạo và cán bộ nào của địa phương này phải chịu các hình thức kỷ luật theo quy định.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.