| Hotline: 0983.970.780

Sông Gianh liên kết sản xuất lúa cho nông dân, lãi 30 triệu đồng/ha

Chủ Nhật 18/06/2023 , 16:10 (GMT+7)

Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao Hương Bình theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu lúa vụ đông - xuân.

Vụ đông - xuân năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình phối hợp cùng Tổng Công ty Sông Gianh xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Hương Bình theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu lúa vụ đông - xuân.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi triển khai nhiệm vụ với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Qua đó, tạo sự hứng khởi gắn bó với đồng ruộng cho bà con nông dân và thực hiện tốt liên kết 4 nhà”.

Trên cánh đồng liên kết sản xuất hữu cơ của Tổng Công ty Sông Gianh với nông dân. Ảnh: N.Tâm.

Trên cánh đồng liên kết sản xuất hữu cơ của Tổng Công ty Sông Gianh với nông dân. Ảnh: N.Tâm.

Theo đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Hương Bình theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, chế biến và tiêu thụ sản phẩm được triển khai trên diện tích 65ha tại HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Hạ (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) với 124 hộ tham gia.

Để triển khai mô hình này, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với nhà máy sản xuất giống cây trồng (thuộc Tổng Công ty Sông Gianh) chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, vừa hỗ trợ 50% giống, 30% phân bón theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư.

“Chúng tôi cùng nhà máy cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn quá trình gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng theo hướng hữu cơ mà mục tiêu ban đầu đã đề ra”, ông Hải nói.

Theo ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy sản xuất giống cây trồng (Tổng Công ty Sông Gianh), trong nhiều năm qua, doanh nghiệp này đã thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Vụ đông xuân năm 2022-2023, Tổng Công ty Sông Gianh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Quảng Bình và đưa giống lúa Hương Bình vào sản xuất theo hướng hữu cơ.

“Đây là giống lúa năng suất và chất lượng cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với một số giống lúa đang sản xuất tại địa phương”, ông Thái cho hay.

Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Theo nhiều bà con nông dân, giống lúa Hương Bình có tầm cây vừa, chống độ ngã tốt hơn so với các giống lúa trước đây. Giống lúa Hương Bình có số hạt/bông lớn, tỷ lệ hạt lép của giống thấp, khả năng kháng sâu bệnh cao. Đây là một trong những yếu tố quyết định năng suất của cây lúa.

Ông Bùi Văn Phúc, Giám đốc HTX sản suất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Hạ nhìn nhận: “Qua thực tế cho thấy lúa Hương Bình có tỷ lệ thành gạo cao, gạo thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh nên mang lại sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trưởng và sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng”.

Tham gia sản xuất trong mô hình này, ông Nguyễn Văn Hùng rất phấn khởi. Gia đình ông có 6 sào ruộng đều sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông bảo mới ban đầu nghe sản xuất hữu cơ cũng lo. Nhưng quá trình sản xuất thấy cũng dễ làm mà an toàn nên thích lắm. Hiện tại, các hộ tham gia mô hình đang tích cực thu hoạch lúa với năng suất ước đạt từ 75 - 78 tạ/ha. Về phía nhà máy đã thu mua tại ruộng cho bà con với giá cao hơn giá thị trường. Ngoài ra, nhà máy còn hỗ trợ bà con bao bì đựng lúa, công vận chuyển từ ruộng lên điểm tập kết thu mua.

“Theo hoạch toán của nông dân chúng tôi thì 1ha lúa Hương Bình sản xuất theo hướng hữu cơ, sau khi trừ đi chi phí và công lao động cho lãi gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 12-15%”, ông Hùng hồ hởi nói.

Niềm vui của người nông dân khi có lãi lớn trong liên kết sản xuất. Ảnh: N.Tâm.

Niềm vui của người nông dân khi có lãi lớn trong liên kết sản xuất. Ảnh: N.Tâm.

Với giống lúa Hương Bình đạt hiệu quả cao trên vựa lúa Lệ Thủy, người dân càng yên tâm hơn khi thu hoạch vụ mùa sẽ được nhà máy sản xuất giống cây trồng thuộc Tổng Công ty Sông Gianh bao tiêu lúa tươi ngay tại đồng ruộng. Qua đó, đầu ra của sản phẩm rất thuận lợi, giúp nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Ông Bùi Văn Phúc, Giám đốc HTX sản suất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Hạ chia sẻ: “Thương hiệu chất lượng gạo của Hương Bình đạt tương đương và tốt hơn P6, bà con ở đây rất ưa chuộng. UBND huyện, Khuyến nông tỉnh, sự hỗ trợ của Tổng Công ty Sông Gianh đã hỗ trợ giúp bà con tăng cường chăm sóc, thâm canh lúa theo hướng hữu cơ để có được hiệu quả cao hơn trên đồng ruộng. Sự hỗ trợ đó là một trong những động tác để bà con chúng ta tiếp tục phát huy tốt mô hình này.”

Ngoài mô hình lúa Hương Bình tại huyện Lệ Thủy, vụ đông - xuân này, Tổng Công ty Sông Gianh còn thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên diện tích gần 1.000 ha tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, với các giống lúa chất lượng cao như Nếp Hương, ADI 28…

Ông Nguyễn Đình Lực, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Sông Gianh, chia sẻ: “Định hướng tới của Tổng Công ty Sông Gianh là tiếp tục mở rộng, nhân rộng diện tích sản xuất lúa Hương Bình để thu mua, chế biến gạo xuất khẩu. Ngoài ra, các giống khác sẽ chế biến thành sản phẩm cao cấp cung cấp cho thị trường trong nước”.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Cho gà ăn bột chè xanh giúp hạn chế kháng sinh

Thái Nguyên Nhận thức tác hại của kháng kháng sinh, ông Phương ứng dụng nhiều giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhờ vậy mà lứa gà vừa qua gần như không phải dùng kháng sinh.

Phú Yên phát triển các vùng trồng dừa tập trung

Tỉnh Phú Yên sẽ hình thành các vùng dừa sản xuất tập trung ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, kết hợp phát triển cảnh quan, du lịch cộng đồng.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.