| Hotline: 0983.970.780

Sống khỏe nhờ trồng rừng, làm ván ép

Thứ Ba 06/02/2018 , 15:40 (GMT+7)

Dựa vào thế mạnh vườn rừng, những năm qua, hàng nghìn hộ dân ở huyện Bảo Yên, Lào Cai đã có thể phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.

07-47-49_1
Người dân tiếp nhận cây giống từ Cty Lâm nghiệp Bảo Yên

Nhiều mô hình liên kết, nhà máy chế biến gỗ cũng ra đời, tạo mức thu nhập ổn định cho người lao động. Đồng thời, diện tích rừng che phủ ngày một nâng lên, giữ vững lá phổi xanh cho mảnh đất này.

Là huyện đi đầu về SXNN của tỉnh Lào Cai, thế mạnh của Bảo Yên phải kể đến là cây chè, quế và nhiều loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, kinh tế rừng ngày càng được chú trọng. Chính quyền địa phương cũng như người dân ngày một ý thức hơn trong việc trồng, giữ rừng để phát triển kinh tế.

Ông Đỗ Văn Dũng, GĐ Cty Lâm nghiệp Bảo Yên cho biết, diện tích đất rừng đơn vị đang quản lý là 24.000ha. Trừ thị trấn và một số điểm du lịch, 15/18 xã của huyện Bảo Yên đều là vùng nguyên liệu dồi dào cung cấp cho ngành công nghiệp gỗ.

Cty đang liên kết với hơn 100 hộ dân, trồng và chăm sóc trên 10.000ha rừng. Người dân được cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Điều này được cả hai bên cam kết trong một bản hợp đồng trồng rừng. Không bên nào được phá vỡ hợp đồng. Lợi nhuận sau khi cân đối, người dân và doanh nghiệp chia nhau với tỉ lệ 50:50. Mỗi ha rừng, doanh nghiệp chỉ khống chế lấy 70m3 gỗ. Diện tích nào năng suất vượt quá, người trồng được hưởng toàn bộ giá trị dôi dư.

07-47-49_2
Công đoạn bóc tách gỗ tại Cty CP MDF Bảo Yên

Cũng theo ông Dũng, tại các cụm xã, sẽ có một đầu mối thu gom toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng của người dân. Từ đây, gỗ được đưa thẳng tới nhà máy sản xuất của Cty CP MDF Bảo Yên. Đây là đơn vị chế biến gỗ, sản xuất ra các loại ván có quy mô, công suất lớn nhất huyện Bảo Yên đặt tại xã Long Phúc.

Ông Vũ Văn Dũng, PGĐ Cty CP MDF Bảo Yên cho biết, đơn vị được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013. Nhà máy chế biến gỗ của Cty được đầu tư trên diện tích 26ha, nằm tiếp giáp sông Chảy. Quy mô bao gồm 4 nhà máy nhỏ với tổng số vốn đầu tư là 751 tỷ đồng, tổng công suất theo thiết kế là 210.000 m3/năm. Sản phẩm cuối cùng của nhà máy là ván tre, ván MDF, ván thanh, ván dán. Công suất từng nhà máy từ 20.000 - 100.000 m3/năm.

Năm 2018, huyện Bảo Yên đã đề ra mục tiêu trồng rừng sản xuất thêm 1.860ha, diện tích rừng được khoán và bảo vệ 18.801ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 57,1%.

Theo ông Dũng, nhà máy ra đời giải quyết gần như triệt để nguồn nguyên liệu tre, vầu, gỗ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và khu vực lân cận. Từ đó góp phần phát triển nghề trồng rừng. Trên hết là tạo việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động tại địa phương.

Doanh nghiệp này hiện đang có lượng nhân công ổn định là 300 người với mức lương trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng. Chị Đỗ Thị Mụi, người xã Xuân Thượng cho biết, chị và hai con trai đã vào làm ở nhà máy được hơn một năm. Công việc của chị là 8 tiếng một ngày, hoàn thiện các sản phẩm ván ép. Dù thu nhập không được cao, nhưng bù lại, công việc này nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe. Không kể tăng ca, mức lương trung bình của chị Mụi là 3 - 4 triệu đồng/tháng.

“Mức lương hơi thấp, nhưng so với trước đây ở quê trồng ngô, lúa thì cao hơn nhiều. Cả nhà một năm cũng chỉ làm ra được 15 bao thóc, vẫn phải đi mua thêm gạo mới đủ ăn. Từ ngày làm ở đây, mỗi tháng 3 mẹ con cũng bỏ ra được một khoản. Ngày lễ, Tết cũng có thưởng, ít thì một trăm, lần nhiều thì được năm trăm nghìn”, chị Mụi tâm sự.

07-47-49_3
Nhờ trồng rừng làm ván ép, cuộc sống của người dân được cải thiện

Cũng như chị Mụi, làm việc ở đây có rất nhiều công nhân thuộc diện hộ nghèo. Như chị Bàn Thị Eo, cùng xã Xuân Thượng, chị Nguyễn Thị Văn, quê mãi xã Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái). Chị Văn bảo, cả nhà có 4 sào ruộng nằm ven suối. Nhà 5 khẩu, năm nào được mùa thì đủ gạo ăn. Năm nào mưa bão, lũ lụt thì chạy vạy khắp nơi kiếm gạo, cực khổ vô cùng. Nhà xa, chị Văn ở lại nhà tập thể của nhà máy, cuối tuần được nghỉ thì về thăm chồng con. Với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng, ăn ở tại nhà máy nên mỗi tháng cũng để ra được một ít.

Hiện 80% sản phẩm của Cty CP MDF Bảo Yên đang được xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Canada. Tuy nhiên, nhà máy mới hoạt động được 50% công suất do thiếu nguyên liệu đầu vào. Thời gian tới, doanh nghiệp này cho biết sẽ mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh như Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang…

 

Xem thêm
Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.