| Hotline: 0983.970.780

Sống khốn khó bên chân núi Khe Xanh

Thứ Hai 23/10/2023 , 16:37 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Bản tái định cư Bãi Dinh chênh vênh bên sườn núi Khe Xanh, bản này 20 hộ đồng bào dân tộc Khùa đang sống thấp thỏm lo sạt lở và thiếu đói.

Ông Cao Tiến Quê, Phó bản Bãi Dinh (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), đi trước dẫn đường đưa chúng tôi lên với bản. Từ con đường quốc lộ 12A chạy lên Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, phía bên trái đường là dãy đồi thoải khá cao dãy núi hùng vĩ Trường Sơn, nơi nhô ra sau đường là vùng núi Khe Xanh.

Con đường đi lên bản nhỏ vừa một người đi cứ vắt ngược lên ngoằn nghoèo như một con rắn thân hình bị loét lở. Chỗ men theo gờ đá thì bị mưa xói khoét sâu, chỗ đường rộng hơn thì lổn nhổn đất đá.

Con đường nhỏ đi lên bản tái đinh cư Bãi Dinh. Ảnh: Tâm Đức.

Con đường nhỏ đi lên bản tái đinh cư Bãi Dinh. Ảnh: Tâm Đức.

Ông Quê bảo: “Trên này bà con ở cũng được 7-8 năm rồi đó. Chăn nuôi cũng không được, vườn cũng không có. Mấy năm gần đây lại bị sạt lở sau nhà, trong nhà, trước nhà nên bà con cứ thấy mưa lớn là thức đêm để nghe lở đất mà kịp chạy”.

Bản nhiều… không

Trèo hết con dốc lên trước sân một ngôi nhà thưng vách gỗ, ông Cao Tiến Quê cho hay, trước đây, bản Bãi Dinh  có nhiều cụm dân cư nằm trên địa bàn khá rộng. Cụm dân cư nằm bên suối cách đây chừng 2 cây số. Năm 2018, bản bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người dân nên được chính quyền xã chọn vùng bên sườn núi Khe Xanh, sát đường quốc lộ lên cửa khẩu để bà con tiện sinh hoạt, làm ăn. Vậy là khu tái định cư của bản lên cắm nhà ở đây từ đó đến bây chừ.

Khi chúng tôi lên đến sân nhà bà Đinh Thị Hải thì mồ hôi cũng mướt mát lưng áo. Ngôi nhà ba gian được thưng bằng ván, trong nhà trống hơ trống hoác với nền xi măng nứt xuôi ngược. Thấy khách lên lại mang vác máy móc quay phim, chụp hình, bà Hải đoán ngay là ai nên nói luôn: “Mấy chú coi, con đường lên xuống như vầy mà đứa con gái út nhà tôi năm nay học lớp 3 nên tôi phải bỏ việc đưa đón con đi và về mỗi ngày. Nhà chẳng có phương tiện gì nên đi bộ. Có hôm mưa gió, tôi phải cõng con bé, đi lên đường dốc trơn trượt, bước trên đá trượt chân ngã cả hai mẹ con lăn xuống tận lề đường quốc lộ”.

Một góc bản tái định cư Bãi Dinh. Ảnh: Tâm Đức.

Một góc bản tái định cư Bãi Dinh. Ảnh: Tâm Đức.

Nghe bà Hải than vãn, chúng tôi mới ớ người ra vì cứ nghĩ đây là lối đi tắt lên bản. Ông Quê thấy vậy giải thích: “Đúng là bản này có hai con đường lên xuống. Con đường này ở hướng tây cho những nhà phía bên này. Ngoài ra còn có con đường bên hướng đông rộng hơn dành cho mấy nhà phía trên cao đó”.

Chúng tôi lại đi ngược dốc, không có đường đi lối lại đâu cả mà chỉ có đi băng qua vườn nhà này, nhà khác hay men theo triền núi. Đi một lúc thì gặp con đường hướng đông. Con đường chính này quả thật rộng hơn, nhưng nó như phim trường của những bộ phim đề tài chiến tranh bởi con đường gồ ghề, uốn lượn qua mấy mỏm núi nhô ra. Từ nhà anh Quỳnh ở cao nhất bản, mặt tiền là con đường đổ dốc cao để xuống quốc lộ 12 A.

Mấy trận mưa lớn đã biến con đường bị chia cắt, chúng tôi phải vừa đi vừa nhảy mới xuôi xuống được, nếu ai đó trong bản có xe đạp thì phải vác lên vai mà đi xuống. Còn  nếu sắm được cái xe máy thì chắc phải “gửi” lại bên vệ đường quốc lộ 12 A chứ không thể đi về nhà.

Con đường chính đi lên bản chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy khó có thể đi được. Ảnh: Tâm Đức

Con đường chính đi lên bản chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy khó có thể đi được. Ảnh: Tâm Đức

Đoạn cuối con đường phía đông nơi tiếp giáp với quốc lộ 12 A đã bị xói lở nặng. Mặt đường được chia làm hai phần, phần còn nguyên dạng thì lầy lội, phần bị xói lở thì tạo nên một đường giao thông hào sâu. Tôi nhảy xuống hào để xem thử, hào sâu đến gần vai, trong khi tôi cao hơn mét bảy.

Đa phần các hộ dân ở đây không có điện sáng. Nghe bà con bảo, những gia đình ở sát đường quốc lộ 12 A muốn có điện thì phải bỏ ra khoảng 10 triệu đồng để kéo đường dây về nhà. Tôi hỏi thằng Đinh Ku (học lớp 7, con bà Hải): “Không có điện cháu học bài bằng gì”. Thằng Đinh Ku nói luôn: “Năm ngoái nhà cháu cùng kéo được điện, nhưng không có tiền trả nên họ cắt mất. Bữa nay cháu học bằng cây đèn xạc. Ngày cháu mang ra nhà dưới đường nhờ cắm xạc, tối cháu lấy về bật lên học bài với em cháu. Mỗi tháng tiền xạc đèn họ cũng lấy mấy chục ngàn thôi”.

Sạt lở đe dọa, đói nghèo đè nặng…

Ông Cao Tiến Quê, Phó bản Bãi Dinh nói, bà con ở đây được mấy năm đầu là yên ổn. Những ba năm gần đây là lo sợ vì  đất có dấu hiệu sạt lở lớn. Bà Hải kéo tay tôi vào nhà, ngồi xuống trên nền chỉ tay vào những vết nứt mà nói: “Nó xảy ra từ năm trước. Khi đó vết nứt đút lọt bàn tay và sâu đến vài gang tay. Nay thì co sít lại”.

Bà  Đinh Thị Hải: 'Mùa mưa năm ngoái làm nền nhà bị nứt sâu lắm'. Ảnh: Tâm Đức.

Bà  Đinh Thị Hải: “Mùa mưa năm ngoái làm nền nhà bị nứt sâu lắm”. Ảnh: Tâm Đức.

Cũng theo ông Quê, nhiều nhà đang bị các vết nứt đe dọa. Mấy nhà ở lưng chừng thì bị nứt, nhà ở cao thì bị sạt lở núi chưa biết lúc nào. Nhà anh Đinh Mạnh Quỳnh ở  cao nhất, vị thế sát con đường, không đi xe đạp được. Sau lưng nhà là ngọn núi đã bị trọc nham nhở để trồng keo. Anh Quỳnh cho hay: “Từ chân núi đi lên khoảng vài chục mét là một đường nứt chạy bao quanh dài đến hết vạt cây keo. Năm ngoái, khi phát hiện vết nứt, tôi có lên xem thì nó rộng và sâu lắm. Từ hôm đó không dám lên đó nữa. Mùa mưa năm nay đến rồi, cứ thấy mưa lớn là gia đình cũng chuẩn bị mà chạy thôi, chứ ở như vậy làm sao yên”.

Ngọn đồi sau nhà anh Đinh Mạnh Quỳnh đã xảy ra hiện tượng nứt dài đe dọa an toàn cho dân bản. Ảnh: Tâm Đức.

Ngọn đồi sau nhà anh Đinh Mạnh Quỳnh đã xảy ra hiện tượng nứt dài đe dọa an toàn cho dân bản. Ảnh: Tâm Đức.

Anh Quỳnh và nhiều bà con mong muốn được nhà nước hỗ trợ cho ở khu tái định cư nào đó cho an toàn. “Bà con ở đây khi di dời lên đây là cố hết sức rồi. Nay nếu không có sự hỗ trợ thì chắc phải dằn bụng mà ở đây thôi”- anh Quỳnh giọng buồn.

Hỏi về gia cảnh bà Hải cũng thật buồn. Bà bảo, nhà có ba đứa con. Đứa đầu vào tuổi thanh niên có thể nhờ được, phụ cho cha mẹ nuôi em. Một bữa đi rừng về, từ nhà băng xuống đường gặp tai nạn ô tô không qua khỏi. Bây giờ gánh nặng lại tiếp tục đè lên đôi vai ông Đinh Song (chồng bà Hải).

Trong nhà cũng không có bàn ghế để ngồi. Sát vách chỉ kê cái ghế gỗ nhỏ đủ cho hai người lớn ngồi. Một chiếc giường tự đóng và một chiếc võng cho Đinh Ku ngủ. Ngoài vườn cũng không có chuồng lợn, gà hay chuồng bò gì. Hỏi bà Hải, ông Đinh Song đi đâu. Thằng Đinh Ku nhanh miệng: “Ba cháu đi vào rừng bắt ốc núi. Ba đi một mình quen rồi nên không sợ chi cả. Hôm đi, ba cháu nói là phải mười ngày nữa mới về”.

Những ngôi nhà ở bản tái định cư Bãi Dinh đang mất an toàn vì dấu hiệu sạt lở. Ảnh: Tâm Đức.

Những ngôi nhà ở bản tái định cư Bãi Dinh đang mất an toàn vì dấu hiệu sạt lở. Ảnh: Tâm Đức.

Sau  khi anh trai mất, thằng Đinh Ku cũng được bố nó cho đi theo vào rừng mấy bận. Nó lại kể, mỗi chuyến như vậy là bới gạo và muối đi theo thôi. Ngày đầu tiên vào rừng là phải bắt được con chuột núi để làm thức ăn chấm với muối cheo mang theo. Mỗi ngày lại đi vào sâu hơn trong rừng. Những chuyến có Đinh Ku đi theo là hai cha con chỉ đi khoảng tuần lễ là về. Mỗi ngày, hai cha con trèo lên núi tìm bắt con ốc sống trên lèn đá. “Ốc ở dưới suối người ta bắt nhiều qúa nên nó cũng hết cả rồi bác ạ”, Đinh Ku bảo vậy.

Ốc khe cũng cạn dần, ốc núi cũng không còn nhiều. Mỗi chuyến đi như vậy nếu may mắn, hai cha con ông Song cũng kiếm được 5-7 trăm ngàn đồng. Nhưng có chuyến không may thì cũng chỉ bán được hai trăm rưỡi ngàn thôi.

Một ngôi nhà ở bản tái định cư Bãi Dinh xập xệ, nơi có những đứa trẻ đang sinh sống. Ảnh: Tâm Đức.

Một ngôi nhà ở bản tái định cư Bãi Dinh xập xệ, nơi có những đứa trẻ đang sinh sống. Ảnh: Tâm Đức.

Chếch phải nhà bà Hải là một căn nhà nhỏ dáng xiêu xiêu, cánh cửa bị xô lệch như sắp rơi ra. Đây là nhà của anh Đinh Hiến, có 4 nhân khẩu. Một đứa trẻ đứng bên cửa phía bếp khép nép nhìn người lạ. Nhà không có hàng rào cũng chẳng có cổng, đi vào nhà chỉ cần băng qua khoảng sân đầy đất đá lổm nhổm. Ông Quê quay lại nhìn chúng tôi không nói gì, nhưng qua ánh mắt như muốn nói: “Đây là nhà của một hộ gia đình nghèo nhất bản này”.

Người dân huyện miền núi Minh Hóa có thứ đặc sản từ lâu đời. Bà con vẫn thường hát ví: “Trong sao cho đến mùa bồi. Để con ốc đực nó ngồi lên mâm”. Hơn hai chục năm trước, cứ mỗi phiên chợ Quy Đật (trung tâm huyện lỵ Minh Hóa), thì gần nửa chợ bán con ốc đực này. Ai mua về cũng hấp sả cho chín rồi dùng gai bưởi, gai cam… khêu ốc thịt bên trong chấm với nước mắm ớt cay xé, ngon khó cưỡng lại nên cứ ngồi hàng giờ cho đến cái mâm tròn đựng ốc đực luộc hết thì thôi. Vậy mà, bây giờ đi mấy ngày đường vào tận khe suối trong rừng thẳm mà con ốc đực cũng khó kiếm mất rồi.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.