| Hotline: 0983.970.780

Sông Lô lại dậy sóng khai thác cát, dân khóc ròng vì cá chết hàng loạt

Thứ Ba 23/03/2021 , 09:58 (GMT+7)

Những hộ nuôi cá lồng trên sông Lô ở tỉnh Phú Thọ đang cầu cứu cơ quan chức năng xem xét hoạt động khai thác cát ảnh hưởng đến sản xuất của họ.

Khai thác cát ngoài thời gian quy định tại xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng. Ảnh: Hoàng Anh.

Khai thác cát ngoài thời gian quy định tại xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo phản ánh của người dân thôn Tiền Phong, xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, từ khi được cấp phép khai thác cát trên sông Lô, những chiếc tàu cuốc của Công ty Cổ phần Xây dựng Phú Thịnh Phú Thọ hoạt động rầm rộ ngay cạnh lồng bè nuôi cá khiến nguồn nước ô nhiễm, cá nổi lừ đừ rồi chết hàng loạt.

Cụ thể, từ cuối năm 2020 khi UBND tỉnh Phú Thọ ban hành công văn cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động khai thác cát, sỏi theo giấy phép đã được cấp thì tình trạng máy múc, máy cẩu gầm rú, sục sạo từ sáng tinh mơ đến chiều tối diễn ra liên tục. Việc khai thác cát theo kiểu “đánh nhanh, thắng nhanh” khiến những tảng đất to như cánh phản từ bờ bãi cứ thi nhau đổ ụp xuống dòng sông đục ngầu xen giữa những váng dầu lênh láng.

Ảnh hưởng rõ nhất là những hộ dân nuôi cá lồng bè trên mặt nước sông Lô của huyện Đoan Hùng. Theo bảng kê khai thiệt hại thủy sản ngày 10/3/2021, chỉ trong vòng một tuần, các chủ cơ sở ở xã Hùng Long đều bị thiệt hại nặng nề. Hộ nuôi Nguyễn Văn Nam chết 1.600 kg cá; hộ nuôi Lê Văn Hà chết 3.800kg cá; hộ nuôi Đặng Văn Hải chết 2.250 kg cá; hộ nuôi Trần Ngọc Phong chết 6.290 kg cá; hộ nuôi Quyền Hồng Hà chết 11.500 kg cá; hộ nuôi Quyền Hồng Huy chết 4.240 kg cá… Theo lời người dân, đây đa phần là cá lăng, cá rô phi, cá diêu hồng, cá trắm cỏ... chuẩn bị đến vụ thu hoạch nhưng bị chết hàng loạt, nổi trắng sông do ảnh hưởng của khai thác cát.

Cá lồng chết hàng loạt ở xã Hùng Long. Ảnh: Văn Thẩm. 

Cá lồng chết hàng loạt ở xã Hùng Long. Ảnh: Văn Thẩm. 

Tại tuyến sông này, riêng xã Hùng Long có hơn 20 hộ gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè. Trung bình mỗi hộ có từ 10 đến 20 lồng cá. Với lợi thế về hệ thống sông, hồ phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi thủy sản, những năm gần đây, nuôi cá lồng bè đã giúp rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đoan Hùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhưng cũng vì bị ảnh hưởng nặng nề của việc khai thác cát làm cá chết với số lượng lớn khiến nhiều hộ nuôi lỗ nặng, không thể cầm cự. Nhiều gia đình đứng trước nguy cơ nghèo trở lại nếu phải bỏ lồng kèm theo khoản vay nợ để đầu tư nuôi cá lồng bè chưa trả hết.

Anh Lê Văn Thẩm (thôn Tiền Phong, xã Hùng Long) bức xúc: “Chúng tôi được cấp phép nuôi cá lồng bè trên sông, những chiếc tàu cuốc đang khai thác cát của Công ty Công ty Cổ phần Xây dựng Phú Thịnh Phú Thọ cũng được cấp phép khai thác. Việc này đã gây nên những xung đột rất lớn ảnh hưởng đến cuộc sống và phát triển kinh tế của người dân địa phương. Mặc dù đã có sơ đồ khu vực khai thác nhưng họ vẫn khai thác ngoài chỉ giới, khai thác ngoài thời gian cho phép khiến dòng nước lúc nào cũng đục bẩn và dày váng dầu của những con tàu khai thác. Có những hôm tàu cuốc khai thác cát gần lồng bè nuôi cá chúng tôi phải ra đuổi đi. Tình trạng này kéo dài khiến cá trong lồng bè bị nước ô nhiễm nổi lừ đừ, không chịu ăn rồi cứ thế chết”.

Cá chết hàng loạt, chủ hộ nuôi nguy cơ sạt nghiệp. Ảnh: Văn Thẩm.

Cá chết hàng loạt, chủ hộ nuôi nguy cơ sạt nghiệp. Ảnh: Văn Thẩm.

Cũng theo những hộ dân nuôi cá lồng trên sông Lô, họ đã nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả.

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 7/9/2020, Công ty Cổ phần Xây dựng Phú Thịnh Phú Thọ được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Lô địa bàn xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, nội dung cụ thể như: Diện tích khu vực khai thác 7,19 ha, mức sâu khai thác thấp nhất đến coste + 3,0 m, trữ lượng khoáng sản đưa vào thiết kế khai thác 120.817 m3, thời hạn khai thác 3 năm tính từ ngày được cấp giấy phép khai thác.

Khai thác cát ngoài thời gian quy định, ngay khu vực nuôi cá lồng ở Hùng Long. Ảnh: CT.

Khai thác cát ngoài thời gian quy định, ngay khu vực nuôi cá lồng ở Hùng Long. Ảnh: CT.

Theo giấy phép của UBND tỉnh Phú Thọ, Công ty Cổ phần Xây dựng Phú Thịnh Phú Thọ chỉ được phép hoạt động khai thác từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không khai thác ban đêm. Thực hiện đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, pháp luật có liên quan; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát sỏi…

Người dân xã Hùng Long cầu cứu khắp nơi nhưng chưa có kết quả thỏa đáng. Ảnh: CT.

Người dân xã Hùng Long cầu cứu khắp nơi nhưng chưa có kết quả thỏa đáng. Ảnh: CT.

Mặc dù thời gian khai thác đã quy định rõ ràng, tuy nhiên, Công ty Cổ phần Phú Thịnh Phú Thọ thường xuyên khai thác vượt quá thời gian quy định. Thông tin đến ông Lê Văn Phượng, Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng về việc doanh nghiệp vi phạm và thiệt hại của người dân, ông Phượng nói: Hiện Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Phú Thọ đang vào cuộc xác minh thông tin.

Liên quan đến hoạt động khai thác cát ở huyện Đoan Hùng và tỉnh Phú Thọ, năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thời điểm đó là ông Hoàng Công Thủy đã phải xuống đối thoại và nhận lỗi người dân xã Đông Khê. Sau một thời gian im ắng thì đến nay hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Lô tiếp tục rầm rộ trở lại.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.