| Hotline: 0983.970.780

Cát loạn Phú Thọ: Cuộc chiến ở Phù Ninh

Thứ Tư 03/04/2019 , 10:50 (GMT+7)

Việc chính quyền cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản bất chấp phản đối của người dân khiến Phú Thọ xuất hiện ngày càng nhiều điểm nóng, không khác gì những cuộc chiến.

"Dân không biết kêu ai nữa"

Vĩnh Phú, Bình Bộ, Tử Đà, An Đạo, Trị Quận, Tiên Du, Hạ Giáp là những xã thuần nông chạy dọc sông Lô, một vùng đất bãi ven sông màu mỡ, bạt ngàn của hàng nghìn hộ dân huyện Phù Ninh.

Từ nhiều năm trước, cuộc chiến chống nạn khai thác cát sỏi để bảo vệ đất đai, mồ mả tổ tiên, bảo vệ sinh kế của người dân đã vô cùng cam go, quyết liệt. Dân đốt tàu khai thác cát, dân tổ chức vây bắt tàu khai thác vi phạm, dân cầu cứu khắp các cơ quan chức năng…

Nhưng tất cả đều vô vọng. Đất đai vẫn cứ sạt lở, mồ mả vẫn cứ trôi sông và lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ vẫn cứ liên tục ký cấp giấy phép mở đường cho doanh nghiệp tàn phá đất đai sản xuất của nhân dân.

14-01-25_ptn2
Người dân xã Hạ Giáp lo ngại nạn khai thác cát tiếp tục “ăn” hết đất đai sản xuất của họ

Mới đây nhất, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp phép trở lại cho 3 doanh nghiệp (DN) khai thác gồm: Cty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn tại xã Tử Đà, Cty CP Xây lắp và cơ khí Phương Nam tại xã Hạ Giáp và Tiên Du, Cty TNHH Gia Thịnh Phú Thọ tại xã An Đạo và Bình Bộ… Đó đều là những điểm nóng, những nơi người dân chống chọi giữ đất suốt bao nhiêu năm qua.

Đi dọc sông Lô qua những vị trí các DN được cấp mỏ, hàng loạt điểm sạt lở cao từ 3 - 4m, dài hàng trăm mét và ngày càng lan rộng, “ăn” dần vào những cánh đồng sản xuất của người dân. Một số trạm bơm tiêu phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân đứng trước nguy cơ đổ xuống sông cũng vì nạn khai thác cát.

Tại xã Tử Đà, nơi bao nhiêu năm nay người dân chống chọi với nạn khai thác cát sỏi, thực trạng sạt lở không chỉ cuốn hàng nghìn m2 đất nông nghiệp xuống sông, người dân còn phát hiện 4 quả mìn tự chế, với 7 kíp nổ được cài đặt tại khu vực gây sạt lở. Tình trạng báo động đến mức Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có văn bản gửi trực tiếp ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ (hiện là Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ) đề nghị kiểm tra, xử lý về phản ánh khai thác cát rầm rộ gây sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Phú thọ tiếp tục cấp phép cho Cty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn.

Tương tự, ở xã Bình Bộ, nơi những năm qua người dân phải cắt cử thay phiên nhau ra bờ sông canh đất, ban đêm phải mang chăn chiếu ra túc trực, góp tiền sắm phương tiện truy đuổi, vây bắt tàu khai thác cát gây sạt lở đất. Vậy mà, cũng chính tại khu vực này, UBND tỉnh Phú Thọ lại vừa cấp phép cho Cty TNHH Gia Thịnh Phú Thọ khai thác khoáng sản tại 2 xã Bình Bộ và An Đạo.

14-01-25_ptn3
Thực trạng khai thác khoáng sản ở Phú Thọ ngày càng báo động

Theo phản ánh của người dân, nạn khai thác cát từng khiến họ mất gần 20ha đất phù sa màu mỡ xuống sông Lô. Chỉ một vài năm trước, khoảng cách từ chân đê ra mép nước dài khoảng 300m, trong đó diện tích giao cho dân canh tác 270m nhưng bây giờ chỉ còn lại chưa đầy 50m…

Không ít gia đình dù sổ đỏ vẫn trong tay nhưng đất canh tác đã trôi xuống sông theo tàu cát. Chính vì vậy, việc UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Cty TNHH Gia Thịnh Phú Thọ, không biết rồi đây người dân Bình Bộ có còn đất sản xuất nữa hay không?

“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lắm rồi, nhưng họ vẫn bất chấp. Dân giờ không biết kêu ai nữa”, cử tri xã Bình Bộ phản ánh.
 

Coi thường pháp luật

Cty CP Xây lắp và cơ khí Phương Nam được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên sông Lô tại địa phận xã Trị Quận, Hạ Giáp và Tiên Du, huyện Phù Ninh với diện tích mỏ 34,5ha. 

Báo cáo của chính quyền sở tại cho biết, kể từ năm 2017, thời điểm sau khi được cấp phép, Cty CP Xây lắp và cơ khí Phương Nam liên tục có những hành vi vi phạm pháp luật. Khai thác ngoài mốc giới, có dấu hiệu mua bán đất canh tác của các hộ dân không đúng quy định để khai thác cát, khai thác cả trong mùa mưa lũ… Những vi phạm của Cty Phương Nam là một nguyên nhân quan trọng gây sạt lở hơn 1.700m2 đất canh tác tại khu Đồng Phát, xã Hạ Giáp, gây bức xúc cho nhân dân.

Về việc Cty CP Xây lắp và cơ khí Phương Nam vi phạm pháp luật, giữa năm 2018, cơ quan chức năng phát hiện DN này tổ chức khai thác cát cách vị trí mỏ tới 33m. Huyện Phù Ninh yêu cầu công ty dừng khai thác ở các vị trí vượt độ sâu được cấp phép khai thác, tuy nhiên hoạt động khai thác cát sỏi sau đó lại tiếp diễn, thậm chí còn ngang nhiên, thách thức hơn.

Có mặt tại cánh đồng ở khu 6 xã Hạ Giáp, PV NNVN chứng kiến tàu khai thác cát múc thẳng vào ruộng ngô của người dân địa phương. Theo phản ánh của người dân sở tại, hoạt động thách thức pháp luật này đã diễn ra từ hơn nửa tháng nay, dân đã báo cáo lên các ngành chức năng rất nhiều lần nhưng không thấy cơ quan nào xử lý.

Ông Nguyễn Quang Thịnh, chủ ruộng ngô đang bị tàu khai thác cát múc sạt lở xuống lòng sông khẳng định: “Người của Công ty Phương Nam đến thỏa thuận với chúng tôi về mức giá bồi thường để cho họ khai thác cát, tuy nhiên, khi dân chúng tôi chưa đồng ý thì họ đã cho tàu vào cuốc rồi. Ruộng ngô nhà tôi bị tàu cuốc rỗng ruột, đổ hết xuống sông thế này, bây giờ cũng chẳng biết kêu ai. Báo lên xã bao nhiêu lần rồi mà không có kết quả”.

14-01-25_ptn1
Ông Nguyễn Quang Thịnh tố cáo tàu Cty Phương Nam đánh sập ruộng ngô

Trong lúc người dân nghi ngờ chính quyền xã bảo kê cho hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn, thì điều khá bất ngờ là ông Trần Ngọc Khanh, Chủ tịch UBND xã Hạ Giáp cũng bức xúc không kém: Theo hồ sơ thủ tục chúng tôi nắm được thì Cty Phương Nam được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát sỏi từ tháng 3/2017. Đến bây giờ, chúng tôi chỉ mong họ nghỉ đi, nếu tỉnh Phú Thọ rút được giấy phép thì tốt, bởi vì hoạt động khai thác cát ngoài lòng sông hết rồi, chỉ có lấn vào đất bãi sản xuất của người dân thôi.

Cũng theo Chủ tịch xã Hạ Giáp, việc UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho DN khai thác cát đã gây ra quá nhiều hệ lụy đối với địa phương. “Khi chuẩn bị khai thác, xã chúng tôi được hứa hỗ trợ làm một con đường trị giá 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động khai thác diễn ra 2 - 3 năm nay, đất đai thì mất, anh ninh trật tự cũng mất, đường chưa thấy đâu. Huyện cũng hứa cho xã An Đạo 15 tỷ, Tiên Du 1,5 tỷ… từ nguồn của Cty Phương Nam, nhưng cát thì vẫn khai thác mà đường thì không làm.

Vấn đề Cty CP Xây lắp và cơ khí Phương Nam bị tố cáo dùng tàu múc vào ruộng, đất bãi của người dân, ông Trần Ngọc Khanh cũng khẳng định: Đó là vùng giáp ranh giữa xã Hạ Giáp và Trị Quận. Chúng tôi đã cho anh em công an, địa chính xã kiểm tra, đến thời điểm hiện tại mới xác định được khu vực sạt lở khoảng 1.700m2. Cán bộ xã lúc nào cũng phải túc trực, nếu phát hiện ra vi phạm sẽ báo cáo với công an, phòng TN-MT huyện Phù Ninh để mang máy ra đo đạc và lập biên bản. Cách đây 2 tuần chúng tôi có lập 2 biên bản, tuy nhiên họ lại cãi rằng tàu là của Cty Phương Nam nhưng chỉ làm thuê cho một anh nào đó không biết.

Kiểm tra tình trạng sạt lở trên sông Chảy

Trước thực trạng người dân tụ tập phản đối nạn khai thác cát nhiều ngày liền tại trụ sở xã Đông Khê (huyện Đoan Hùng), UBND tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản số 1264/UBND-KTN về việc dừng khai thác cát sỏi lòng sông Chảy đoạn qua địa bàn xã này. Giao Sở TN-MT thông báo cho Cty CP Vật tư và xây dựng Đô thị Phú Thọ tạm dừng khai thác cát sỏi; giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với huyện Đoan Hùng, cơ quan liên quan kiểm tra tình hình sạt lở bờ, vở sông, đề xuất báo cáo tỉnh phương án xử lý bảo đảm an toàn bờ, vở sông Chảy địa bàn xã Đông Khê. Đây là lần thứ hai cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ yêu cầu dừng khai thác cát, sỏi trên sông Chảy sau khi người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát gây sạt lở đất sản xuất.

 

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.