| Hotline: 0983.970.780

Sống ở... đáy sông

Thứ Sáu 17/12/2010 , 09:15 (GMT+7)

Tiếp tục lòng vòng xe máy ra vùng ngoại thành Sài Gòn, chúng tôi bắt gặp thêm rất nhiều mảnh đời cơ cực ở Xóm Gò, thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Bao nhiêu năm qua, cuộc sống của họ vẫn chỉ biết quẩn quanh bươn chải nơi đáy sông, con rạch…

Tiếp tục lòng vòng xe máy ra vùng ngoại thành Sài Gòn, chúng tôi bắt gặp thêm rất nhiều mảnh đời cơ cực ở  Xóm Gò, thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Bao nhiêu năm qua, cuộc sống của họ vẫn chỉ biết quẩn quanh bươn chải nơi đáy sông, con rạch… 

KHU ĐẦM LẦY BIỆT LẬP 

Theo chân ông Phạm Ngọc Thành, cán bộ MTTQ ấp 1 vào khu Xóm Gò - nơi có hàng trăm hộ gia đình đang sinh sống biệt lập bởi một con rạch trong “bãi đầm lầy” ở phía Tây thành phốMuốn vào Xóm Gò chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, thế nhưng nhiều khi còn phải “căn” con nước mới chèo đò qua được.   . Chạy thêm khoảng hơn 2km đường trơn trượt sình lầy mới tới chân cầu Cống Lớn, nhưng do lúc này con nước đang lên nhấn chìm cả cây cầu mỏng manh khiến chúng tôi đành phải gửi xe máy để leo lên đò chèo qua rạch.

Chúng tôi đi bộ khoảng 2 km vào sâu trong Xóm Gò, có những đoạn đường lầy lội khiến người dân phải dùng tàu lá dừa nước rải xuống mới lội qua được. Những ngôi nhà ở khu đầm này giống nhau ở chỗ đều nằm sát rạch nước, người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ở rạch, nuôi vịt và trồng bồn bồn.   

Chúng tôi ghé thăm nhà anh Trần Ngọc Định, ở A16/493, tổ 16, ấp 1. Lúc này anh Định đang hì hục vác bó bồn bồn ở dưới vũng nước lên bờ rồi tước ra để chuẩn bị sáng mai đưa ra bến đò bán cho thương lái. Còn chị Huỳnh Thị Kim Tươi, vợ anh thì đang rửa những chiếc lu để chuẩn bị lấy nước ngọt đã cạn khô từ chiều qua.   

Cũng giống như bao người dân Xóm Gò, thu nhập chính của gia đình anh Định chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá ở dưới rạch và trồng bồn bồn. Tiền ăn hàng ngày của cả gia đình, tiền lo cho con ăn học cứ “xoay” vợ chồng anh quần quật, hiếm có giờ nào được ngồi yên. Quanh năm suốt tháng cặm cụi ở cái vùng đầm lầy này nhưng lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, vợ chồng anh bòn mót mãi mà chẳng đủ tiền để “nâng cấp” lại căn nhá lá từ lâu đã quá rách nát. Nói về nỗi khó khăn của gia đình, Định than thở: “Sinh ra số phận đã ban cho kiếp nghèo nên giờ cũng chẳng biết trách ai. Chỉ mong ước đến đời con mình hết cảnh bần cùng".

Là người con thứ 10 (giáp út) trong gia đình, ngay từ nhỏ Định đã phải đằm mình dưới đáy sông, rạch để mò cua, bắt ốc chỉ vì cuộc sống. Khi lớn lên cả chục người con trong gia đình anh đều chia nhau đi làm thuê mướn tứ xứ khắp nơi, nhưng cũng chẳng có dư để gửi về cho gia đình. Cha mẹ mất sớm, người con út ở cũng bị căn nhà lá do quá cũ nát sập xuống đè chết. Nay mảnh đất của cha mẹ được nhường cho ba anh em trai có hoàn cảnh “rách nát” nhất ở để lo việc cúng giỗ ông bà, cha mẹ.  

Đến nay ba anh em Định sống trong ba căn nhà lá kề nhau nhưng đều chung hoàn cảnh nghèo xơ xác, trong nhà chẳng có thứ gì có giá trị ngoài những chiếc xe đạp cà tàng để hàng ngày thồ bồn bồn ra chợ bán. Anh Trần Trung Dũng (con thứ 6) chỉ tay ra phía ruộng bồn bồn sau nhà nói: “Cuộc sống của gia đình mấy anh em tui chỉ nhờ vào đám ruộng này, nhưng thu nhập cũng bấp bênh. Mỗi đợt thu bồn bồn cũng chỉ được vài trăm ngàn cùng chia nhau, còn lại phải đi đánh bắt hay làm mướn để lo cho bữa cơm hàng ngày”. Theo anh Dũng, không chỉ đói miếng ăn mà ở Xóm Gò này mọi gia đình còn thiếu cả nước, cứ khoảng vài ngày các gia đình lại phải vác thùng ra tận bến đò để đổi từng can nước về xài.  

Về đây chúng tôi còn được gặp vợ chồng anh Cao Anh Đức và chị Huỳnh Thị Bích (tổ 16), bán quán tạp hóa ngay đầu Xóm Gò nên vợ chồng anh càng thấu hiểu hết bao nỗi khó khăn của người dân nơi đây. Anh Đức cho biết, trong xóm toàn dân nghèo nên chẳng có tiền mua sắm gì nhiều. Mỗi ngày giỏi lắm anh chị bán được khoảng trăm ngàn tiền hàng, cũng chỉ lời được khoảng 10.000 đồng, nhưng phân nửa số tiền vốn bị các gia đình khất nợ. Thậm chí có người mua hàng chỉ có vài chục ngàn mà mấy năm chưa trả hết nợ.     

MONG ƯỚC MỘT CÂY CẦU

Anh Phạm Ngọc Thành cho biết: “Xóm Gò có 259 hộ gia đình sinh sống thuộc 3 tổ (tổ 16, 17, 18) của ấp 1, xã Phong Phú. Do đất thấp triều cường cao nên hầu như Xóm Gò không thể canh tác lúa, nay người dân Xóm Gò sống chủ yếu bằng nghề trồng bồn bồn, nuôi cá, làm thuê, làm mướn, phụ hồ…nhưng kinh tế rất khó khăn, điều kiện lại cách trở nên sau giải phóng đã gần 30 năm mà mới đây Xóm Gò mới có được lưới điện quốc gia”. Theo anh Thành, do nguồn nước bị ô nhiễm nên người dân nuôi cá đều bị chết, cây bồn bồn cũng bị ảnh hưởng nên thu nhập bấp bênh.

Toàn xã có 1.868 ha đất tự nhiên, gồm 5 ấp, với 5.521 hộ dân, trong đó có 510 hộ nghèo. Riêng ấp 1 có 259 hộ dân thì có khoảng 50% số hộ thuộc diện XĐGN trong xã

Do đời sống của người dân quá nghèo không có khả năng tự xây hay nâng cấp sửa chữa lại nhà ở nên hàng năm chính quyền xã Phong Phú đều có chương trình sửa nhà, chống dột cho dân. Nhất là với những hộ dân ở Xóm Gò chủ yếu ở nhà lá và nhiều căn nhà đã xuống cấp trầm trọng khiến việc triển khai giúp dân sửa nhà không xuể. Đặc biệt, cây cầu Cống Lớn là điểm giao thông rất quan trọng và cần thiết của người dân Xóm Gò. Tuy nhiên, đến nay cũng mới chỉ dựng tạm và mỗi khi nước triều lên là ngập hết khiến bà con trong xóm phải đi đò rất khó khăn.

Trao đổi với PV NNVN, ông Phan Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch HĐND xã Phong Phú, kiêm Bí thư Chi bộ ấp 1 cho biết: Trước đây người dân ở khu Xóm Gò phải chịu “3 không” (không đường, không điện, không nước). Sau này các đoàn thể phải đứng ra vận động người dân hiến đất, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ các hộ dân nghèo mới đỡ hơn. Tuy nhiên, đến nay nguồn nước sạch sinh hoạt vẫn chỉ mới giải quyết được phần nào “cơn khát” của các hộ dân.

Ông Điệp cho biết những điều chính quyền xã còn đang trăn trở: “Chỉ mong sớm xây được cây cầu cho dân Xóm Gò và đem được các mô hình sản xuất về tập huấn cho người dân sản xuất, chăn nuôi hiệu quả...Tuy nhiên, thực tế còn chưa biết đến bao giờ người dân nghèo Phong Phú mới thoát nghèo thực sự”. (Hết)

Công bố kết quả khảo sát nghèo ở Hà Nội và TP HCM

Cùng lúc với việc NNVN đăng loạt phóng sự “Phận nghèo giữa chốn phồn hoa”, phản ánh về sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn ở hai thành phố Hà Nội và TP HCM thì ngày 15/12, dự án "Hỗ trợ đánh giá sâu về nghèo đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh" do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tài trợ đã công bố kết quả khảo sát nghèo. Bên cạnh phương pháp thống kê, phân tích về nghèo dựa trên khía cạnh thu nhập và chi tiêu, cuộc khảo sát còn lấy những thang điểm, thước đo khác như giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở…Trong quá trình khảo sát, có 3.349 gia đình, cá nhân được phỏng vấn trực tiếp, trong đó có 17,4% những người được phỏng vấn là người dân di cư.

Theo đó, năm 2009, thu nhập bình quân của hai thành phố là 2,404 triệu đồng/người/tháng theo giá hiện hành (Hà Nội: 2,321 triệu đồng; Hồ Chí Minh: 2,445 triệu đồng). Mặc dù có tỷ lệ nghèo thu nhập thấp hơn Hà Nội nhưng thành phố Hồ Chí Minh lại có tỷ lệ nghèo cao hơn đối với các chiều thiếu hụt khác về an sinh xã hội, nhà ở. Cả hai nơi này, ba lĩnh vực thiếu hụt nhiều nhất là tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ nhà ở phù hợp (bao gồm dịch vụ điện, nước, nước và rác thải), tiếp cận nhà ở có chất lượng và diện tích phù hợp. Khảo sát cũng chỉ rõ dân ở khu vực nông thôn và dân di cư chịu thiếu hụt ở tất cả các chiều nhiều hơn dân thành thị và dân có hộ khẩu.  Khảo sát là một tài liệu quý để các nhà hoạch định, cải cách việc xóa đói giảm nghèo vốn được hô hào nhiều nhưng thực hiện không được bao nhiêu.

VÂN ĐÌNH

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm