| Hotline: 0983.970.780

Sri Lanka 'xuống nước' trong thương vụ tranh cãi phân bón với Trung Quốc

Thứ Tư 12/01/2022 , 14:52 (GMT+7)

Seawin Biotech, công ty bán lô phân bón hữu cơ trị giá 49,7 triệu USD cho Sri Lanka đã đạt được tiến triển trong vụ việc gây tranh cãi kéo dài thời gian qua.

Vụ tranh cãi thương mại tốn khá nhiều giấy mực giữa Bắc Kinh và Colombo cuối cùng đã tìm được lối thoát theo chiều hướng có lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Vụ tranh cãi thương mại tốn khá nhiều giấy mực giữa Bắc Kinh và Colombo cuối cùng đã tìm được lối thoát theo chiều hướng có lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka cho biết, tranh chấp giữa đôi bên bắt đầu nổ ra từ tháng 10 năm ngoái, do các quan chức Sri Lanka từ chối cho nhập khẩu lô phân bón hữu cơ của doanh nghiệp Trung Quốc, với lý do có vấn đề chất lượng đe dọa nền nông nghiệp quốc gia Nam Á.

Theo nguồn tin mới nhất từ nhà sản xuất phân bón làm từ rong biển Trung Quốc Seawin Biotech, họ đã đạt được một thỏa thuận bên ngoài tòa án về vụ việc theo chiều hướng có lợi cho cả hai bên nguyên lẫn bên bị cũng như không ảnh hưởng đến thương mại và quan hệ song phương.

Cụ thể vào ngày 5 tháng 1, công ty Seawin Biotech có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông và đại diện bên mua lô phân bón của Sri Lanka đã đạt được thỏa thuận về việc giới chức Colombo phải thanh toán 75% giá trị hợp đồng cho lô hàng hóa đầu tiên.

"Bên mua đã rút đơn kiện và chấp nhận thực hiện thanh toán ... Phía Sri Lanka cũng thừa nhận lô hàng đầu tiên bị trả về Trung Quốc là do bên mua không đủ thủ tục, giấy phép nhập khẩu cần thiết chứ không phải do chất lượng sản phẩm phân bón của chúng tôi”, nguồn tin công ty cho biết.

Đại diện Seawin Biotech cũng cho biết, họ đã vượt qua sự kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm của bên thứ ba do phía người mua chỉ định trước khi tiến hành giao hàng lại. Đồng thời, yêu cầu bổ sung xác nhận chất lượng của cơ quan kiểm nghiệm có chứng chỉ quốc tế SGS có trụ sở chính tại Thụy Sĩ trước khi xuất xưởng.

Vị này cho hay, chiến lược phát triển nông nghiệp xanh ở Sri Lanka không thay đổi, và với tư cách là công ty hàng đầu của Trung Quốc về nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ mới, công ty sẽ tiếp tục hợp tác với phía Sri Lanka để đáp ứng những yêu cầu phát triển nông nghiệp.

“Sản phẩm của chúng tôi đã được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận hữu cơ ECOCERT và Viện Tiêu chuẩn vật liệu hữu cơ nên rất phù hợp với nền nông nghiệp xanh ở Sri Lanka”, vị này nói.

Động thái mới khiến một số phương tiện truyền thông nước ngoài cho rằng Sri Lanka đã phải cúi đầu trước áp lực của Trung Quốc. Đáp lại, ông Xu Liping, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói hôm 11/1: "Vấn đề thương mại quốc tế nên được giải quyết trong khuôn khổ và quy chế của thương mại quốc tế và không nên bị chính trị hóa".

Năm 2022 này là năm đánh dấu kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Cao su- Lúa gạo, một thỏa thuận mở ra cánh cửa giao lưu hữu nghị giữa hai nước.

Trước đó, trong chuyến công du Colombo của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào hôm Chủ nhật, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đề nghị Bắc Kinh tái cơ cấu lại các khoản trả nợ như một phần trong nỗ lực giúp quốc gia Nam Á điều chỉnh tình hình tài chính ngày càng tồi tệ của mình.

Theo các nhà quan sát, Sri Lanka đã phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong những tháng gần đây, và hiện vẫn đang vật lộn trên bờ vực vỡ nợ do khủng hoảng ngoại hối. Vì vậy, việc yêu cầu giúp đỡ tái cơ cấu nợ của Colombo chắc chắn đã chuyển trọng tâm của sự chú ý của dư luận quốc tế, cũng như sự can dự của Bắc Kinh, được coi là một phép thử “đa mục tiêu”.

Người dân Sri Lanka xuống đường phản đối tàu chở lô phân bón hữu cơ của Trung Quốc cập cảng nước này hồi trung tuần tháng 11/2021. Ảnh: Worldakkam

Người dân Sri Lanka xuống đường phản đối tàu chở lô phân bón hữu cơ của Trung Quốc cập cảng nước này hồi trung tuần tháng 11/2021. Ảnh: Worldakkam

Bất chấp sự gián đoạn quan hệ song phương do các thế lực bên ngoài như Ấn Độ và phương Tây gây ra, Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ hữu nghị đối với Sri Lanka và hai nước đã tiến hành hợp tác kinh tế và thương mại sâu rộng trong những năm qua. Đặc biệt là trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chương trình luôn bị phương Tây thổi phồng cái gọi là lý thuyết bẫy nợ về các dự án của Trung Quốc tại quốc gia Nam Á...

“Việc phương Tây bôi nhọ vai trò của Trung Quốc đối với các khoản nợ của Sri Lanka thực sự phản ánh một sự hiểu biết hạn hẹp của phương Tây trong việc cung cấp tài chính của Bắc Kinh cho các quốc gia đang phát triển. Trên thực tế, Trung Quốc đang làm ngược lại những gì phương Tây đã làm với Sri Lanka. Với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Sri Lanka đã bắt tay vào một chương trình tái thiết cơ sở hạ tầng khổng lồ, điều mà phương Tây chưa bao giờ ủng hộ. Không có gì bí mật khi cơ sở hạ tầng yếu kém từ lâu đã trở thành một trong những trở ngại chính đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của Sri Lanka. Và BRI nhằm mục đích cải thiện khả năng kết nối của đất nước, điều này sẽ rất quan trọng để đất nước hội nhập vào thương mại toàn cầu”, theo tờ Thời báo Hoàn cầu- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

(Global Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.