Bộ NN-PTNT phối hợp với Đại sứ quán Pháp đồng tổ chức Hội thảo kỹ thuật "Hướng tới chấm dứt hoàn toàn sử dụng kháng sinh nhằm mục đích kích thích tăng trưởng và phòng bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam năm 2025: Thách thức và giải pháp trong dinh dưỡng vật nuôi từ kinh nghiệm của chuyên gia Pháp". Hội thảo cũng được xem như cơ hội tăng cường trao đổi hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Tại hội thảo, lấy dẫn chứng cho xu hướng giảm mạnh sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Hoàng Hải, Chuyên gia Phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) cho biết, mức giảm tại các thị trường chính đều rất lớn, như Hoa Kỳ 38%, Anh 55%, EU 47%, Đức 65%.
Ở Việt Nam, trước năm 2016, có khoảng 40 loại kháng sinh dạng premix (dạng hỗn hợp đậm đặc) được nhập khẩu dùng trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng. Năm 2016, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BNNPTNT quy định danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng tại Việt Nam, trong đó có 15 loại kháng sinh được phép sử dụng.
Trước giai đoạn 2018, hằng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 7.000 - 9.000 tấn kháng sinh ở dạng premix, ngoài ra còn có nguyên liệu sản xuất thuốc thú y. Nhưng kể từ năm 2018 đến nay, Việt Nam cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng. Hiện tại, kháng sinh dùng trong thức ăn chăn nuôi chỉ với mục đích để phòng bệnh, trị bệnh.
Tuy nhiên, trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh, dự kiến đến ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và chỉ sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để điều trị bệnh.
"Giai đoạn 2016 - 2026 không phải là thời gian quá dài nhưng Bộ NN-PTNT đã có nỗ lực xây dựng quy định quản lý sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, thể hiện sự quyết tâm của ngành nông nghiệp trong giảm thiểu kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi", ông Hải chia sẻ.
Để ngành chăn nuôi đi theo hướng chấm dứt dùng kháng sinh để kích thích tăng trưởng và phòng bệnh dịch, đại diện Cục Chăn nuôi đề xuất, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng các giải pháp để thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi như: probiotics, axit hữu cơ, thảo dược,... Đồng thời, sử dụng nguyên liệu có chất lượng tốt và kiểm soát tốt quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông Hải cho rằng, việc sử dụng kháng sinh cần theo đúng đơn thuốc, khuyến cáo của nhà sản xuất thuốc thú y trong hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các cơ sở phải thực hiện tốt quy trình vệ sinh và kiểm soát và hạn chế việc nhiễm chéo kháng sinh giữa các loại thức ăn chăn nuôi.
Ở chiều ngược lại, các cơ sở chăn nuôi cần sử dụng vacxin để phòng bệnh cho vật nuôi, thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của kháng kháng sinh. Ngoài ra, cần sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất.
Giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi từ kinh nghiệm của Pháp
Bà Cécile Vigneau, Tham tán thứ nhất, Đại sứ quán Pháp đánh giá, vấn đề giảm sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực chăn nuôi là một thách thức lớn đối với hai quốc gia và cũng là một trong những ưu tiên trong khuôn khổ cách tiếp cận Một sức khỏe, phù hợp với mối quan hệ hợp tác lâu dài và hợp tác nông nghiệp giữa hai quốc gia.
Kháng kháng sinh được cân nhắc là một trong những mối đe dọa toàn cầu hàng đầu đối với sức khỏe con người, là thách thức nghiêm trọng nhất ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, con người, động vật, vật nuôi, hệ sinh thái. Cách tiếp cận Một sức khỏe giúp giải quyết những vấn đề này bằng các biện pháp khác nhau gồm y tế, thú y, bảo vệ môi trường.
Liên minh châu Âu (EU) đã cấm sử dụng kháng sinh trong thúc đẩy tăng trưởng và phòng ngừa bệnh trong thức ăn chăn nuôi từ năm 2006. Việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh phải thực hiện theo quy định kê đơn và sử dụng thuốc.
Từ năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp cam kết giảm sử dụng kháng sinh trong thú y bằng việc thí điểm các kế hoạch Écoantibio 1 (2011-2017) và Écoantibio 2 (2017-2022). Nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các bên liên quan, các mục tiêu của kế hoạch Écoantibio 1 và 2 phần lớn đã đạt được. Từ năm 2011 đến năm 2022, tỷ lệ tiếp xúc của động vật với kháng sinh tại Pháp đã giảm 52% và tỷ lệ tiếp xúc của động vật với một số loại kháng sinh thú y nghiêm trọng đối với sức khỏe con người đã giảm hơn 90%.
Kế hoạch “Écoantibio 3” (2023-2028) sẽ tiếp tục đà phát triển tích cực và phát huy những kết quả tốt đẹp đạt được trong 10 năm qua.
Việc hạn chế sử dụng kháng sinh một cách tự nhiên yêu cầu thực hiện các biện pháp an ninh sinh học tại các cơ sở chăn nuôi, tạo điều kiện chăn nuôi tốt thông qua tiêm phòng kháng sinh, quản lý nông trại.
Bà Cécile Vigneau nhấn mạnh, việc sử dụng kháng sinh tùy thuộc vào khả năng cải thiện điều kiện chăn nuôi, và thông qua nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi, phúc lợi động vật, đồng thời nghiên cứu các biện pháp xử lý thay thế đối với các dịch bệnh do vi khuẩn gây ra, giảm tác động đến sức khỏe con người thông qua việc giảm kháng kháng sinh, giảm hoặc sử dụng hợp lý kháng sinh trong chăn nuôi. Nhờ đó, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng cường hiệu suất chăn nuôi trong dài hạn và thúc đẩy thương mại tự do.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, Pháp là quốc gia đi đầu trên thế giới về sản xuất nông nghiệp, thực phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, chính sách nông nghiệp, khoa học chăn nuôi cũng vô cùng phát triển, quy trình sản xuất chăn nuôi từ lâu đã được công nhận về chất lượng cũng như quy trình theo dõi sát sao về chế độ ăn uống của vật nuôi trong suốt chu kỳ của sản xuất.
Theo ông Liêm, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi khá phổ biến tại Việt Nam, trong khi đó, khó có thể áp dụng toàn bộ quy trình chăn nuôi của Pháp vào tại Việt Nam do điều kiện thời tiết, khí hậu, môi trường chuồng, trại khác nhau...
Chính vì vậy, ngành nông nghiệp và người làm nông Việt Nam mong muốn có thể học hỏi các giải pháp nâng cao thể trạng, sức khỏe vật nuôi để phòng bệnh, sử dụng các loại thuốc, thức ăn hỗ trợ tăng cường sức khỏe của đàn vật nuôi thay vì sử dụng kháng sinh. Đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững.