Vào mùa hè, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhiều nơi lại thường xuyên mất điện, nên nhiều gia đình đã trang bị máy phát điện. Tuy nhiên, sử dụng máy phát điện trong môi trường kín, chật hẹp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, trong đó có ngạt khí CO.
Đừng để máy phát điện trở thành “kẻ giết người thầm lặng”
Đầu tháng 6/2021, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ 67 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng. Điều tra thông tin qua người nhà, được biết người phụ nữ này đã sử dụng máy phát điện khi nhà bị mất điện và đóng cửa đi ngủ.
Sáng hôm sau, con trai gọi không thấy mẹ dậy nên vào phòng và phát hiện mẹ bất tỉnh trên giường. Gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Sau khi khai thác thông tin và dựa trên các kết quả xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán ngạt khí CO. Để điều trị chuyên sâu, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Y học biển Việt Nam.
Những năm trước, đã từng có nhiều vụ việc tương tự xảy ra, gây những cái chết thương tâm, báo động người dân phải có kiến thức trong việc sử dụng máy phát điện tại hộ gia đình.
Năm 2020, tại thị trấn Me, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã xảy ra một vụ tai nạn do ngạt khí CO thương tâm làm người mẹ trẻ và con trai 1 tuổi tử vong. Theo đó, do mất điện nên gia đình chạy máy phát điện trong nhà rồi đóng kín cửa đi ngủ dẫn tới hai mẹ con bị ngạt khí.
Tháng 10/2020, tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra một vụ ngạt khí do sử dụng máy phát điện trong phòng kín. Do trời bão, mất điện nên người đàn ông 41 tuổi đóng kín cửa, chạy máy phát điện cả đêm.
Trong nhà, ngoài anh còn có con trai 7 tuổi và con gái 13 tuổi. Sáng hôm sau, hàng xóm không thấy nhà anh dậy, gõ cửa không ai trả lời nên tìm cách vào nhà. Mọi người phát hiện 3 cha con đã bất tỉnh nên nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cấp cứu.
Trước đó, năm 2019, tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM, 7 bà cháu trong cùng một gia đình bị ngạt khí và 1 bé gái đã tử vong cũng do sử dụng máy phát điện trong phòng kín.
Sử dụng máy phát điện an toàn
Nổ máy phát điện trong môi trường kín vô cùng nguy hiểm, tương tự đốt than trong phòng kín, sinh ra khí độc CO. Khí CO sản sinh ra trong quá trình vận hành máy nổ (máy phát điện, các loại động cơ xe máy, ôtô...). Đây là loại khí không màu, không mùi, không gây đau đớn nhưng sẽ nhanh chóng gây ngạt. Theo các bác sĩ, ngạt khí CO được gọi là "cái chết không báo trước" vì nạn nhân không có phản xạ cảm thấy ngạt để tự chạy ra ngoài.
Trong môi trường kín thiếu không khí, khí CO ngăn cản quá trình vận chuyển oxy lên não, gây tổn hại hệ thần kinh, tim mạch của con người. Trong trường hợp này, nếu nạn nhân không được cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy lâu có thể ảnh hưởng đến tri giác, nặng hơn sẽ dẫn đến hôn mê và có thể tử vong.
Biểu hiện của ngạt khí CO lúc đầu nạn nhân đau đầu, sau đó buồn nôn, choáng váng, khó thở, mệt mỏi, ngất, cuối cùng là mất ý thức. Nếu ngộ độc CO xảy ra khi đang ngủ say hoặc uống rượu say thì nạn nhân sẽ hôn mê từ từ, ngưng thở và tử vong.
Hiện tại, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhiều nơi lại thường xuyên mất điện, nên nhiều gia đình đã trang bị máy phát điện. Tuy nhiên, nếu máy phát điện cũ, kém chất lượng thì lượng khí xả rất lớn, vì nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn và chỗ còn thừa sẽ trở thành khí độc. Vì vậy, khi mua máy phát điện, các gia đình nên chọn loại có hiệu suất biến đổi năng lượng cao để tiêu thụ tốt số xăng, dầu đưa vào, biến nó thành điện thay vì khí thải độc hại.
Các gia đình cần chú ý, khi sử dụng máy phát điện cần phải đặt ở nơi thoáng khí. Không nên sử dụng máy phát điện chạy dầu và chạy xăng, đốt khí gas trong các khu vực khép kín, phòng nhỏ, chật hẹp. Máy phát điện khi sử dụng bắt buộc phải để ở ngoài sân, chỗ thoáng khí sau đó dẫn dây vào nhà. Nếu nhà không có sân, thì phải chọn nơi rộng, thoáng để đặt máy.
Sơ cấp cứu kịp thời người bị ngạt khí CO
Khi phát hiện nạn nhân ngộ độc khí CO, cần khẩn trương sơ cấp cứu theo trình tự: Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt (tuy nhiên lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu). Nhanh chóng gọi người hỗ trợ để sơ cứu cho nạn nhân, đồng thời gọi cấp cứu 115. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay.
Cách hô hấp, hà hơi thổi ngạt: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu nạn nhân ngừng tim phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, ép tim ngoài lồng ngực.
Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2 - 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 - 15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và nạn nhân thở trở lại. Sau đó, khẩn trương chuyển nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.