| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng men vi sinh nuôi lợn thịt

Thứ Năm 17/01/2019 , 14:50 (GMT+7)

Kết quả sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ lợn sống đạt 100%, khối lượng trung bình toàn đàn đạt 82,4kg/con. Các hộ chăn nuôi thu được trên 35 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 6 triệu đồng/hộ.

Năm 2018, Trạm Khuyến nông Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) phối hợp với xã Hà Yên triển khai mô hình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi lợn thịt theo hướng đảm bảo VSATTP" với quy mô 48 con, 6 hộ tham gia, mỗi hộ 8 con lợn nuôi trong 3 tháng.

Sau khi triển khai mô hình, các hộ được tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt an toàn trong nông hộ; kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sử dụng thức ăn ủ men vi sinh; công tác thú y trên lợn thịt...; được cấp 100% giống, 30% vật tư chăn nuôi thiết yếu.

Các hộ đối ứng về chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thùng ủ thức ăn, đầu tư tiền điện và bố trí nhân công. Bên cạnh đó, mô hình luôn được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi tình hình phát triển và phòng bệnh cho đàn lợn.

Kết quả sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ lợn sống đạt 100%, khối lượng trung bình toàn đàn đạt 82,4kg/con, tăng trọng bình quân 21,5kg/con/tháng. Bình quân một hộ nuôi 8 con lợn chi phí hết gần 29,5 triệu đồng, với giá bán 55.000 đồng/kg lợn hơi, các hộ chăn nuôi thu được trên 35 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 6 triệu đồng/hộ.

Mô hình chăn nuôi lợn áp dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng men vi sinh đã giúp lợn tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, tăng sức đề kháng, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Do đó, hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh, thuốc thú y trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tại hội nghị nhân rộng và tổng kết mô hình, các đại biểu, bà con nông dân  đánh giá cao hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.

Ông Lại Văn Can, thôn 4, xã Hà Yên cho biết: “Mô hình hết sức thiết thực. Chúng tôi đã biết áp dụng các kỹ thuật mới vào chăn nuôi như kỹ thuật lên men thức ăn, sử dụng thức ăn lên men vi sinh, phòng và trị bệnh cho lợn... Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ khác thực hiện để mô hình đạt hiệu quả cao hơn nữa”.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.