| Hotline: 0983.970.780

Sự gian dối bóp chết 'trái tim' tàu cá vỏ thép 67

Thứ Hai 26/06/2017 , 15:30 (GMT+7)

Đối với ngư dân, chiếc máy thủy chính là “trái tim” của con tàu, nó quyết định cho “sức khỏe” của con tàu khi hoạt động trên biển, và sinh mạng của hàng chục ngư dân đi trên tàu phụ thuộc không ít vào nó.

Vì vậy, những chiếc tàu vỏ thép 67 ở Bình Định được lắp máy bộ thay cho máy thủy được ví như 1 người có trái tim “bệnh hoạn” không có sức sống.

Việc đánh tráo này đã bóp chết “trái tim” các tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định.

08-16-15_1
Kiểm tra máy tàu kém chất lượng các tàu cá vỏ thép 67 ở Bình Định.

Kết quả kiểm định các con tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 được Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định công bố vào cuối tuần qua đã vạch mặt sự gian dối của đơn vị cung ứng máy thủy là Cty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (TP.HCM). Trong 17 con tàu vỏ thép thì có đến 9 máy chính hiệu Mitsubishi MPTA mua của công ty nói trên được lắp các chi tiết không đồng bộ, không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy chính hãng.

Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có Model và công suất như ghi trên decal máy. Hầu hết các máy chính này hoạt động không ổn định. Nhiều máy phụ có nguồn gốc SX từ Trung Quốc cũng vậy, nổ không đều và thường bị tắt khi đang khai thác. Đặc biệt có nhiều máy phụ không có nhãn mác ghi thông số động cơ, chỉ có dòng số đóng chìm.

Ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS, bức xúc: “Tàu của tui được lắp máy Mitsubishi, kết quả kiểm định cho thấy bơm nước lọc mát và bộ phận sơn hàn không đồng bộ với động cơ. Tàu của anh em bọn tui đánh bắt ngoài khơi xa mà được gắn loại máy chất lượng kém kiểu này thì đang đánh bắt ngoài biển mà gặp gió bão thì chạy tránh bão sao kịp”.

Theo ông Trần Song Hải, Tổng GĐ Cty TNHH Greenline (đơn vị đóng tàu), 1 chuyên gia về máy tàu thủy cho biết, máy thủy chính hãng có 4 chế độ hoạt động: Chế độ 1 là chạy rất nhẹ, công suất này dùng để chạy ca nô hoặc tàu cảng vụ với công suất vận hành 500 giờ/năm; chế độ thứ 2 là chế độ khai thác mới mức độ bình thường với thời gian vận hành 2.000 giờ/năm; chế độ thứ 3 là chế độ tương đối nặng, tàu cá vỏ thép của ngư dân hiện nay thuộc chế độ này, công suất từ 4.000 – 5.000 giờ/năm; chế độ thứ 4 là chế độ tàu hoạt động liên tục, vận hành trên biển 24/24 với khoảng 6.000 giờ/năm.

“Chiếc máy chính là “trái tim” của con tàu, chiếc tàu được lắp máy chính hãng, hoạt động ổn định đúng công suất thì ngư dân mới có thể khai thác đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt khi gặp sóng gió bất thường, con tàu có đủ sức để chạy tránh trú, bảo toàn sinh mạng cho hàng chục thuyền viên trên tàu”, chuyên gia Trần Song Hải khẳng định.

Cũng theo chuyên gia Trần Song Hải, do đặc thù hoạt động trên biển thường xuyên phải đối mặt với sóng gió, nên những chiếc tàu thủy xem bộ máy chính là “trái tim” của con tàu, nó quyết định cho sự sinh tồn của của con tàu cũng như những người đi trên ấy. Vì vậy, việc kiểm định máy trước khi lắp vào tàu được diễn ra với quy trình rất chặt chẽ.

“Khi máy còn đang sản xuất trong nhà máy ở nước ngoài, đơn vị đóng tàu thuê hẳn 1 đơn vị đăng kiểm quốc tế làm công tác giám sát quá trình SX. Khi nhận máy, cơ quan đăng kiểm cùng 1 đơn vị giám sát độc lập đến nhà máy SX tiến hành hậu kiểm trước khi nhận máy. Sau khi máy được chạy thử ổn định, được đóng vào thùng và tiến hành lập biên bản để cho vào container. Sau đó, người ta niêm phong chì (seal) container theo thông lệ quốc tế để bảo đảm máy không bị thay đổi.

Sau khi niêm phong chì, người ta còn quay phim chụp hình số hiệu của seal ấy. Sau khi máy được vận chuyển bằng đường thủy về Việt Nam, cùng những hội đồng đăng kiểm như trên đến nhận máy, kiểm tra dấu niêm phong chì xem còn nguyên vẹn không. Sau đó cắt niêm phong, mở container kiểm tra toàn bộ hồ sơ xem có trùng khớp không rồi mới nhận máy”, vị chuyên gia máy tàu thủy này nói.

Ông Hải cho hay, hiện các hãng SX máy tàu thủy lớn đều lắp động cơ điện tử để các đại lý không thể đánh tráo được. Khi kiểm tra chỉ cần kết nối với máy vi tính là màn hình hiện ra máy SX ở nước nào, SX vào thời gian nào, máy đã qua hoạt động chưa. Nếu muốn thay đổi chi tiết trong máy thì chỉ có chính hãng mới thay đổi được. Hiện nay, chỉ những máy thủy còn cơ khí nhiều mới lâm tình trạng bị đánh tráo.

08-16-15_2
Bộ máy chính là “trái tim” của những chiếc tàu cá, nó quyết định cho việc đánh bắt hiệu quả và sự an toàn cho những ngư dân trên tàu.

Trong khi đó, theo ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thì “Khi kiểm tra máy tàu, các đăng kiểm viên chỉ kiểm tra các chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ của máy, đồng thời kiểm tra giấy chứng nhận giám định máy của 1 đơn vị độc lập, trong giấy chứng nhận này ghi rõ là máy thủy 100%. Sau đó đăng kiểm viên kiểm tra thực tế bằng cách cho chạy thử máy, tại thời điểm chạy thử máy hoạt động bình thường nên mới xác nhận cho lắp máy vào tàu. Sở dĩ để xảy ra sự cố những chiếc máy thủy lắp vào các tàu vỏ thép 67 ở Bình Định bị đánh tráo từ máy chính hãng nguyên đai nguyên kiện thành máy không đồng bộ là vì những chiếc máy này được chế tạo, làm giả rất tinh vi, anh em đăng kiểm không phát hiện được”, ông Đức nói.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...