| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng nuôi lợn đen bản địa ở các xã nghèo Lào Cai

Thứ Năm 11/05/2023 , 09:03 (GMT+7)

Với nhiều ưu điểm nổi trội, lợn đen bản địa được Lào Cai lựa chọn là vật nuôi chủ lực để hỗ trợ, tạo sinh kế cho bà con tại các xã nghèo của tỉnh.

Phát triển chăn nuôi các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh; nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn bản địa, an toàn dịch bệnh gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế) đang được tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển. Đặc biệt là góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của 10 xã khó khăn của tỉnh Lào Cai.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương); Lùng Cải, Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chày (huyện Văn Bàn).

Lợn đen nuôi tại mô hình ở xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương phát triển tốt. Ảnh: Lưu Hòa.

Lợn đen nuôi tại mô hình ở xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương phát triển tốt. Ảnh: Lưu Hòa.

Để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các xã nghèo này, tháng 5/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với các xã này. Trong đó, phát triển nông, lâm nghiệp được xác định là hướng đi chủ lực.

Để thực hiện mục tiêu trên, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả bền vững dựa vào quản lý cộng đồng tại 3 xã đặc biệt khó khăn gồm Nậm Chày (huyện Văn Bàn), Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương) và Phìn Ngan (huyện Bát Xát).

Kết quả bước đầu cho thấy mô hình có hiệu quả khả quan, đã tạo công ăn việc làm ngay tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn. Đặc biệt nâng cao ý thức, đẩy mạnh hành động bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Cụ thể mô hình chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả bền vững dựa và vào quản lý cộng đồng được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai triển khai từ tháng 7/2022 đến 4/2023 với mục tiêu giúp người dân vùng cao có được các mô hình sinh kế; chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang an toàn sinh học, hạn chế rủi ro dịch bệnh, đồng thời biết cách tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Lợn đen bản địa là giống có chất lượng tốt nhất so với các giống lợn khác. Với đặc điểm lông dày, ngắn, da thô, tai nhỏ, do được thuần hóa lâu đời nên chúng dễ thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, có sức đề kháng cao, không kén thức ăn.

Các mô hình nuôi lợn đen bản địa cho lợi nhuận cao hơn đại trà trên 70%. Ảnh: Lưu Hòa.

Các mô hình nuôi lợn đen bản địa cho lợi nhuận cao hơn đại trà trên 70%. Ảnh: Lưu Hòa.

Kết quả sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ lợn sống đến khi xuất bán đạt 100%. Cụ thể tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát quy mô 80 con/20 hộ/02 thôn Trung Hồ và Lò Suối Tùng, đàn lợn có trọng lượng bình quân 75kg/con, sản lượng 6.000kg (đạt 107% so với kế hoạch), tổng thu đạt 420 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí lãi gần 85 triệu đồng, tăng thu nhập cho người chăn nuôi 63% so với chăn nuôi lợn đại trà.

Tại xã Nậm Chày (huyện Văn Bàn) quy mô 50 con/16 hộ/4 thôn Pờ Xí Ngài, Lán Bò, Khâm Dưới, Hỏm Dưới, đàn lợn có trọng lượng bình quân 83kg/con (đạt 105% so với kế hoạch), sản lượng đạt 4.150kg (đạt 119% so với kế hoạch), tổng thu hơn 290 triệu đồng; sau khi trừ các chi phí, lãi gần 60 triệu đồng. Tại mô hình này, một lao động có thể nuôi từ 40 - 50 con trở lên.

Tại xã Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương) quy mô 84 con/20 hộ/02 thôn Lùng Khấu Nhin và thôn Sín Lùng Chải, đàn lợn có trọng lượng bình quân 84kg/con (đạt 105% so với kế hoạch), sản lượng đạt 7.056kg (đạt 102% so với kế hoạch), tổng thu gần 494 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 98 triệu đồng, tăng thu nhập cho người chăn nuôi 76% so với chăn nuôi đại trà và tạo công ăn việc làm ổn định, thay đổi nhận thức của nhân dân về chăn nuôi theo hướng đầu tư thâm canh, an toàn trước nguy cơ dịch bệnh.

Ông Lèng Seo Chẻo, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương) mong muốn sau khi tổng kết mô hình, tiếp tục được các ban ngành đoàn thể hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con trên địa bàn toàn xã để phát triển chăn nuôi bền vững theo hình thức chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ - chế biến - thị trường, hạn chế chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ tự phát, chưa bảo đảm vệ sinh thú y. Đặc biệt hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn chủ động sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như nguồn phụ phẩm nông nghiệp… để chế biến các loại thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm. 

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất