| Hotline: 0983.970.780

Sức dân Quảng Trạch

Thứ Tư 13/06/2012 , 10:18 (GMT+7)

Xây dựng NTM của huyện Quảng Trạch được triển khai thực hiện trên địa bàn 33/34 xã, thị trấn...

Mở rộng đường xây dựng NTM ở Quảng Trạch

Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) Nguyễn Chí Lâm cho biết: "Xây dựng NTM của huyện Quảng Trạch được triển khai thực hiện trên địa bàn 33/34 xã, thị trấn. Với quyết tâm thực hiện thành công chương trình này theo đúng tiến độ, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng của huyện đã thực sự vào cuộc, mang lại những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ".

Xắn tay vào cuộc

Đến nay, Quảng Trạch đã có 24/33 xã hoàn thành Đồ án quy hoạch xây dựng NTM. Trong đó, có 13 xã đã được UBND huyện phê duyệt, 11 xã đang được các ban, ngành liên quan của huyện điều chỉnh, bổ sung đồ án trình UBND huyện phê duyệt. 9 xã còn lại chưa hoàn thành đồ án, chủ yếu là các xã nằm trong quy hoạch chung của Khu kinh tế Hòn La và thị trấn Ba Đồn mở rộng nên đang phải chờ điều chỉnh, thống nhất giữa các bản quy hoạch, nhằm tránh sự chồng chéo.

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh xã, trên những con đường vừa mới được san ủi rộng rãi, ông Hồ Viết Lâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương, phấn khởi: "Hiện tại, xã Quảng Phương đã triển khai giải phóng mặt bằng ở cả 4/4 thôn để mở rộng đường giao thông, trên cơ sở đó, chúng tôi đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ máy móc phương tiện đổ đất san lấp, cấp phối trên các tuyến đường. Nhân dân đồng tình lắm…"

Hiện tại, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Quảng Trạch chưa thống kê hết được số lượng tài sản, đất, công sức mà bà con nông dân Quảng Trạch đã hiến tặng để chung sức cùng xây dựng NTM. Ông Lê Tiến Sỹ, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch, cho hay: “Việc người dân hiến đất để mở rộng đường giao thông và xây dựng các công trình khác, nhằm thực hiện được các tiêu chí trong xây dựng NTM đã tạo ra một nguồn lực rất lớn cho các địa phương. Qua thống kê sơ bộ ở 6 xã Quảng Hải, Quảng Tiên, Quảng Tùng, Quảng Phương, Quảng Trung và Quảng Thuận, tổng giá trị đất hiến lên đến gần 3 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến giá trị của hàng ngàn cây cối và hàng ngàn mét tường rào mà người dân tự nguyện phá bỏ trong quá trình mở rộng đường sá”.

Ở xã Quảng Thạch, một địa phương nằm trong diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn đến 56%, nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn rất quyết tâm trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM và được người dân đồng tình, ủng hộ. Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Sơn cho biết, năm 2011, Quảng Thạch đã đạt 3/19 tiêu chí NTM và năm 2012 xã quyết tâm hoàn thành thêm 3 tiêu chí nữa. Hiện tại, qua chỉ đạo làm điểm ở 2 thôn (thôn 3 và thôn 5), xã đã giải tỏa được một số tuyến đường giao thông với rất nhiều hộ dân tình nguyện hiến đất, hiến cây cối, tài sản…Tiêu biểu như gia ông Nguyễn Văn Phụng hiến 200m2 đất, ông Nguyễn Chính Hữu hiến 50m2 đất và cây cối. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thành, xóm 7, thôn Pháp Kệ nói: “Cả làng cả nước người ta đều hăng hái hiến đất đai, tài sản xây dựng NTM, lẽ nào mình làm khác được. Hơn 50m hàng rào và 2 trụ cổng tui hiến tặng là để giải tỏa mở rộng đường sá cho rộng rãi, mình đi lại cũng thoải mái hơn".

Còn những khó khăn

Bên cạnh những kết quả bước đầu, được coi là những luồng gió mới trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Quảng Trạch cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Nguyễn Chí Lâm thì: “Khó khăn đầu tiên phải kể đến, đó là công tác quy hoạch NTM. Quy hoạch NTM là vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực và quy hoạch mang tính chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội nên trong quá trình triển khai các đơn vị tư vấn và kể cả cán bộ cơ sở còn lúng túng, khó có thể xử lý nhanh được”.

“Để tạo không khí thi đua trong xây dựng NTM, chúng tôi đã thống nhất trích 1 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để làm nguồn kinh phí thưởng nóng, động viên, khuyến khích các xã thực hiện tốt công tác vận động nhân dân giải tỏa mặt bằng, mở rộng đường giao thông cũng như thực hiện tốt các tiêu chí khác", ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch.

Cũng theo ông Lâm, khó khăn thứ hai là vấn đề nguồn lực để xây dựng NTM. Ngoài kinh phí Nhà nước hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu thì nhân dân nhiều nơi không có điều kiện để đóng góp. Nhiều địa phương cũng cho rằng đây là khó khăn tưởng dễ vượt qua, nhưng ngược lại.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiên, cho hay: “Vẫn biết rằng xây dựng NTM phải phát huy nội lực là chủ yếu, nội lực ở đây chính là từ nguồn kinh phí của xã, nguồn lực từ nhân dân, nhưng thực tế thì kinh phí của xã rất khó khăn, người dân thì cũng có nhiều hạn chế.

Như xã chúng tôi đây, vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản để giải phóng mặt bằng mở rộng đường xá xong, thì hiện tại không lấy đâu ra kinh phí để đổ đất san lấp mặt bằng. Các xã được cho chủ trương giữ lại 70% tiền bán đấu giá đất ở để có kinh phí phục vụ xây dựng NTM, nhưng thực tế không phải xã nào cũng có đất, mà có thì chưa chắc đã bán được ngay".

Một khó khăn nữa đó là việc thay đổi nhận thức của người dân. Một cán bộ phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch đã chia sẻ với chúng tôi rằng, nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ cấp xã vẫn cho rằng xây dựng NTM là dự án do Nhà nước đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn chứ chưa nhận thức là chương trình do người dân trực tiếp tham gia và trực tiếp hưởng lợi.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.