| Hotline: 0983.970.780

Sức ép 'tứ bề' khiến người dân... phát điên

Thứ Hai 22/05/2017 , 13:15 (GMT+7)

Giấc ngủ của nông dân đang bị cắt xén đến hơn 1/3, đang mỗi ngày một sa sút với những căng thẳng, lo toan nợ nần, học hành hay xin việc cho con cái, trộm cắp nghiện hút tràn lan. NNVN xin giới thiệu loạt bài 'Làng quê trong cơn mất ngủ'.

Bệnh điên khởi đầu từ mất ngủ

Vào mỗi ngày 15 hay 30 hàng tháng, cảnh tượng quen thuộc trước Trạm y tế xã Xuân Trúc (huyện Ân Thi, Hưng Yên) là một dãy dài người đứng chờ để lấy thuốc tâm thần.

Chị Bùi Thị Hạt - Trạm trưởng bảo rằng mỗi lần giao ban ở trên, địa phương đều được nêu như một điển hình bởi số lượng bệnh nhân nhiều không chỉ nhất huyện mà còn thuộc loại tốp đầu của tỉnh, tới 53 người. Cũng có nhiều xã khác đông đối tượng “tay nhặt lá, chân đá ống bơ” nhưng do sàng lọc, thống kê, tuyên truyền kém nên số lượng trên giấy tờ mới ít hơn nhiều Xuân Trúc.

11-56-01_dsc_8083
Chọn mua chiếu mong giấc ngủ ngon

Ân Thi là huyện thuần nông, nghèo thuộc vào hạng nhất nhì tỉnh Hưng Yên. Theo thống kê, số bệnh nhân tâm thần trong diện quản lý của huyện gồm 776 người trong đó tâm thần phân liệt 500, động kinh 239 và cả động kinh lẫn rối loạn tâm thần 32. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Dù số lượng bệnh nhân tâm thần phát hiện mới năm 2014 là 13 ca, 2015 là 11 ca, 2016 là 9 nhưng theo anh Cáp Văn Thụy - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện không mấy khi đơn vị đạt đủ chỉ tiêu trên giao.

Lý do? Bởi vẫn còn nhiều gia đình không dám công khai chuyện người thân mắc tâm thần để đưa đi chữa trị mà chỉ cúng bái cầu may vì sợ dư luận đàm tiếu. Số bệnh nhân thực tế với số được theo dõi trên sổ sách vì thế luôn có một độ chênh. Cũng theo anh Thụy, sở dĩ bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng ở nông thôn bởi sức ép kinh tế, bởi sức ép tâm lý của việc không có con trai nối dõi, của thi cử học hành, của thực phẩm bẩn, của mạng xã hội, của game…

Nhìn vào danh sách cấp thuốc tâm thần của 21 xã thị trấn thuộc Ân Thi tôi thấy nơi có số lượng bệnh nhân nhiều nhất, tỷ lệ cao bất thường nhất thường là những địa phương giỏi buôn bán hay bôn ba làm ăn chứ không thuần nông. Xuân Trúc là một điển hình. Hiện mới chỉ có động kinh, tâm thần phân liệt mới được thống kê, phát sổ, phát thuốc chữa trị còn rối loạn tâm thần thì không (số này đang mỗi lúc một nhiều).

Nếu được chữa trị, uống thuốc đều đặn bệnh nhân vẫn có thể làm ăn, lao động sản xuất bình thường. Bởi thế mà hầu hết đối tượng tâm thần trên địa bàn xã không mấy ai chịu ngồi yên ở nhà mà đều bươn bả làm thợ hay chạy chợ. Nhưng chỉ quên uống thuốc một tí thôi là có thể như ông Chờ Hoàng (đã đổi tên) ở thôn Cù Tu sẵn sàng bỏ bay, bỏ thước trèo lên… mái nhà, chơi trò đuổi bắt ngay.

Chị Hờ Nguyễn bên đống thuốc chữa mất ngủ

Biểu hiện đầu tiên, điển hình của bệnh tâm thần thường là mất ngủ triền miên. Tuy chưa nằm trong danh sách bệnh nhân nhưng chị Hờ Nguyễn (đã đổi tên) ở thôn Tượng Cước có những dấu hiệu của một người rối loạn tâm thần khi liên tục thức trắng hơn một năm ròng.

Từ một người hàng xáo khỏe mạnh có thể vác những bao thóc nặng 50-60 kg như không, ăn khỏe, ngủ khỏe giờ chị hóa thành một bà lão với mái tóc bạc non nửa, mặt phù lên, còn ánh mắt thì thất thần.

Chị kể: “Lúc đầu tôi ngủ chập chờn được chừng 1 tiếng mỗi đêm, sau đó là thức trắng. Tối tối vì không ngủ được tôi thường dạo quanh làng, quanh đồng, đứng chán chê rồi lại về nhà, nhắm mắt mãi mà vẫn không thể chợp tí nào.

Chữa hết lang này đến lang kia, hết viện này đến viện nọ nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm”.

Chị Hờ Nguyễn bên chuồng chăn dê

+ Giờ ở quê cảnh ngủ từ tối đến sáng khi nắng chiếu vào đỉnh màn rồi mới chịu dậy đã trở thành của hiếm. Thời gian ngủ bị rút ngắn đã đành còn chất lượng ngủ cũng kém hơn vì không khí ô nhiễm, vì thiếu vắng cây xanh nhưng lại thừa âu lo, thừa tệ nạn, thừa nhũng nhiễu.

+ Theo chị Hạt, nguyên nhân thần kinh trên địa bàn ước tính 10% do di truyền, 30% do áp lực công việc, học hành hay bẩm sinh (bị sốt cao gây ảnh hưởng não, chất độc da cam, down…) còn lại do các sang chấn tai nạn, áp lực kinh tế, áp lực học hành.

Toàn những chuyện đâu đâu cứ ùn ùn kéo vào đầu.

Chuyện mâu thuẫn gia đình, chuyện thằng con trai đang đi làm bỗng bị sa thải lúc nào cũng tất tả với nghề chăn nuôi mà chẳng mấy khi thành công, chuyện nợ nần đầm đìa do xây nhà…

Tôi theo chị ra đồng, nơi có cái lều trông dê mà đêm đêm khi chán cảnh nằm nhà nhìn lên đỉnh màn và nghe tiếng thạch sùng tắc lưỡi chị lại tìm đến.

Gió đồng lồng lộng thổi ngan ngát hương của đám sen dưới mương.

Nhưng dù đã ăn, uống đủ thứ từ lá sen, hạt sen, tâm sen, đài sen đến lá vông, râu ngô, đinh lăng, tam thất chị vẫn không tài nào ngủ được.

Đôi lúc chán nản, tiêu cực quá chị còn chỉ một mực muốn quyên thân.

Lờ Hoàng (đã đổi tên) - thôn Cù Tu vốn là một hoa khôi của làng. Cuộc sống êm đềm cứ mãi trôi cho đến khi chị xảy ra mâu thuẫn gay gắt với chồng trong lúc đang bụng mang dạ chửa.

Vì suy nghĩ quá mà hóa ra điên dại. Sau li dị, bệnh tình của chị tiến triển nặng đến mức sẵn sàng xé tan quần áo, tồng ngồng chạy khắp làng.

Hoang tưởng và sợ sệt người lạ, chị thường chỉ lẩm bẩm nói chuyện với chính cái bóng của mình.

Những đêm mất ngủ triền miên, đầu óc rỗng rễnh như một cây rơm khô, chỉ cần một tàn lửa là tiếng nói của ai đó đủ khiến bùng lên cơn điên chửi bới.

Chị Hạt (áo trắng) thăm một bệnh nhân

Sống trong căn nhà do mấy người thân thương tình dựng cho, điện chị không dám dùng vì sợ giật, gas chị không dám đun vì sợ nổ, chị chỉ nhặt bã mía về phơi khô để thổi cơm. Thương con, người mẹ già ngoài 80 tuổi đều đặn ngày hai lần ra lấy thuốc cho uống và nhẫn nại chờ đến khi chị nuốt hẳn mới chịu rời đi...
 

Giấc ngủ thời công nghiệp hóa

Nguyễn Thị Hợp - Đặng Văn Triệu ở làng Xuân Nguyên xã Xuân Trúc là điển hình của một cặp vợ chồng nông dân thời công nghiệp hóa. 1 suất ruộng không đủ nuôi 5 miệng ăn khiến chị phải đi làm công nhân may còn anh đi làm công nhân điện tử. Thu nhập tổng cộng của cả hai khoảng 6-7 triệu/tháng.

Giờ giấc của chị như sau: Nếu làm ca 1 thì 4h30 phút đã phải dậy, nếu làm ca 2 thì 1h chiều đi, 10 đêm về trên một quãng đường dài đến 13 km. Khác với chị, người chồng phải làm cả 3 ca, mỗi tuần lại đổi ca 1 lần. Trung bình tối tối họ ngủ được 5-6 tiếng nhưng không mấy khi tròn giấc, luôn thấp thỏm không yên vì sợ hẹn đồng hồ lại không kêu, vì giờ giấc bị đảo lộn khiến nhịp sinh học không bắt kịp, vì xe cộ cứ rầm rập trên đường làng. Luôn trong tình trạng thiếu ngủ, mỏi mắt, đau đầu nên thứ không thể thiếu trong túi của chị Hợp là những viên thuốc Paradon Extra.

11-56-01_dsc_8051
Chất lượng giấc ngủ ở làng quê đang bị đe dọa (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Ông Vũ Công Cự - Trưởng thôn Xuân Nguyên ước tính 30% lao động trong làng ngủ mỗi tối chỉ được 5-6 tiếng và chỉ 50% là còn duy trì được giấc ngủ trưa. Số đi công ty, số đi chợ đều bỏ giấc ngủ trưa chỉ những ai ở nhà làm nông nghiệp hay thợ xây, thợ mộc là còn có thể tiếp tục thói quen.

Xưa với nhà nông, một cót thóc đầy, một vại cà nén đã là thỏa mãn thì giờ phải phấn đấu nhà cao cửa rộng cho người sống, phải mồ to, mả đẹp cho người chết. Khái niệm một năm có mấy tháng nông nhàn gần như biến mất. Ngoài thời gian làm nông nghiệp, nông dân giờ đều phải bươn bả đi thợ xây, thợ mộc, đi chạy chợ, công ty. Đến cả nhiều người già ở làng cũng không còn duy trì được giấc ngủ trưa vì vừa phải trông cháu vừa nấu ăn rồi lại tất tả đưa chúng đi học ca chiều.

11-56-01_dsc_8060
Một góc chợ quê (Ảnh minh họa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm