| Hotline: 0983.970.780

Suýt mất chồng vì dọa li hôn

Thứ Ba 12/03/2013 , 15:13 (GMT+7)

Các chuyên gia tư vấn về gia đình nhận định, việc dọa ly hôn thường xuất hiện nhiều ở các cặp vợ chồng trẻ khi họ chưa hiểu rõ về nhau hoặc muốn “dọa” để nửa kia sửa thói hư tật xấu hoặc nghe theo ý mình trong việc gì đó.

Hằng lấy chồng khá sớm, ngay sau khi học xong lớp 12. Hồi cưới, vì chưa đủ tuổi kết hôn nên hai bên gia đình chỉ tổ chức ở nhà. Mãi tới khi cần làm giấy khai sinh cho con, hai vợ chồng mới cùng ra xã làm giấy đăng ký kết hôn. 

Hùng (chồng Hằng) hơn cô gần chục tuổi, anh rất yêu và chiều vợ. Vì vợ trẻ con, đỏng đảnh nên không ít lần Hùng (chồng Hằng) phải làm “quan tòa” giữa vợ và gia đình mình. Đôi khi, Hùng phải xuống nước với cả hai bên, một mặt anh mong mọi người đừng “chấp nhặt” vợ, hoặc bỏ qua những cư xử không phải của cô ấy. Mặt khác, anh lại phải dịu giọng, vừa nịnh, vừa đe vợ.

Vợ trẻ, không có việc làm, chồng cũng chỉ là lao động phổ thông, nên Hùng luôn đau đáu tìm việc làm cho hai vợ chồng. Anh bảo vợ là làm gì cũng được, miễn là lao động lương thiện và có tiền nuôi con, anh không ngại khổ, ngại khó. Nhưng Hằng thì khác, mới “nứt mắt” ra đã lấy chồng, cô không quen thức khuya, dậy sớm, lao động nặng nhọc. Nhìn cô bạn hàng xóm chỉ nhỉnh hơn mình hai tuổi mà ăn trắng mặc trơn, hàng ngày ôm con ra vào chơi với hàng xóm mà Hằng phát thèm. Cô giục chồng đi xuất khẩu lao động “như chồng người ta” để có đồng ra đồng vào, để sớm có tiền xây nhà ra ở riêng, chứ ở với bố mẹ chồng “khó tính” mệt mỏi lắm.

Hùng nghe lời vợ cũng tìm hiểu vài nơi, nhưng cơn bão khủng hoảng kinh tế quét qua tất cả các nước, nơi nào cũng thấy đầy rẫy người thất nghiệp thì làm sao mình có cơ hội. Nếu đi lao động xuất khẩu, vợ chồng anh sẽ phải vay gần hai trăm triệu đồng “mua việc”, nhỡ sang đó, tiền mất, việc không có thì tính sao? Tiết kiệm mấy năm cũng không trả hết nợ. Thấy chồng nhụt chí, bàn lùi, Hằng vô cùng tức tối. Cô rất khó chịu và lúc nào cũng “đá thúng đụng nia”, dằn hắt chồng, cáu bẳn với con. Vợ chồng lời qua tiếng lại, Hằng nhất định đòi ly hôn: “Anh không đi thì tôi đi. Tôi chán cảnh này lắm rồi. Tôi đi, chúng ta chia tay”. Hết lời khuyên răn, tìm mọi lý do để thuyết phục vợ, tưởng cô ấy xuôi rồi. Nhưng hễ có chuyện gì không vừa ý với nhà chồng là Hằng lại cắm cảu: “Li hôn, chúng ra li hôn”.

Gần nửa năm nay, điệp khúc “Li hôn” được Hằng sử dụng không biết bao nhiêu lần. Hùng thấy vợ trẻ con, chỉ đùng đùng cáu giận một lúc là thôi, nên anh không để bụng. Nhưng “con giun xéo lắm cũng oằn”, bữa trước, khi Hằng xòe ra tờ giấy li hôn, Hùng giật lấy, ký xoẹt. Mắt anh vằn lên những tia lửa: “Tôi đã rất nhẫn nhịn, nhưng nếu quả thực cô không biết trân trọng gia đình, không yêu chồng thương con nữa thì tôi ký. Cô muốn nhàn hạ, ăn sung mặc sướng thì đi tìm thằng khác làm chồng”. Lúc này, Hằng mới thấy sợ thật sự, thực ra cô chỉ muốn làm uy với chồng, ai ngờ chuyện đã đi quá xa. Hằng phải nhờ bố mẹ chồng can thiệp nhưng Hùng không nghe. Mãi đến lúc gia đình nhà thông gia dắt con gái sang nói chuyện phải – trái và xin lỗi chồng, bố mẹ chồng, Hùng mới nguôi giận. Còn Hằng, cô đã có một bài học nhớ đời. Từ đây, vợ chồng cô có một cam kết: Dù có bất cứ chuyện gì không hài lòng về nhau, cũng phải lắng nghe nhau và tìm cách giải quyết, nhất định không dùng từ “li hôn” trong các cuộc cãi vã.

Các chuyên gia tư vấn về gia đình nhận định, việc dọa ly hôn thường xuất hiện nhiều ở các cặp vợ chồng trẻ khi họ chưa hiểu rõ về nhau hoặc muốn “dọa” để nửa kia sửa thói hư tật xấu hoặc nghe theo ý mình trong việc gì đó. Cũng có không ít phụ nữ muốn thể hiện khả năng “thét ra lửa” của mình trong quản lý chồng về mọi mặt nên đã tìm nhiều cách để doạ chồng từ những việc nhà cửa, đồ đạc bị hư hỏng đến chuyện con cái ốm đau, vấp ngã, tai nạn… Nhưng phổ biến nhất là đòi ly dị hay bỏ nhà ra đi. Đây chính là sai lầm lớn của chị em, bởi tần suất của việc này quá nhiều sẽ khiến các ông bị “miễn dịch”, và không quan tâm tới vợ như ngày nào. Chưa kể, “dọa hóa thật”, đến khi người chồng chấp nhận li hôn, vợ lại tá hỏa vì tình cảm vợ chồng chưa tới mức “đứt dây” như vậy.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đinh Đoàn, chuyên gia tư vấn cho biết: Với đàn ông, sợ nhất là vợ đòi li hôn và cũng khó chịu nhất khi nghe vợ nhắc đến hai chữ đáng ghét ấy. Một lần nghe nhắc đến chuyện chia tay, người làm chồng mất ăn mất ngủ, buồn phiền và rất nặng lòng. Dù vậy, nhưng chị em phải hiểu rằng, đàn ông ghét bị dọa dẫm, nhất là khi người đó lại là vợ mình thì mọi việc lại càng trở nên tồi tệ hơn. Họ sẵn sàng ký vào đơn khi biết thừa vợ mình chỉ đang dọa mà thôi. Dẫu sao, ly hôn là chuyện chẳng đặng đừng, nên đừng gieo mầm tư tưởng ly hôn khi cuộc sống vợ chồng vẫn còn trong tình trạng không quá bi đát.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.