| Hotline: 0983.970.780

Syngenta Trung Quốc chống lại quyết định của Chính phủ Ý

Thứ Bảy 08/01/2022 , 12:14 (GMT+7)

Tập đoàn hóa chất nông nghiệp khổng lồ Syngenta của Trung Quốc kháng cáo lên tòa án hành chính sau khi Rome chặn nỗ lực thâu tóm nhà sản xuất hạt giống rau Ý -Verisem.

Thủ tướng Ý Draghi đã sử dụng điều luật 'quyền lực vàng' để ngăn chặn việc thâu tóm công ty hạt giống rau Verisem của tập đoàn Syngenta Trung Quốc. Ảnh: RT

Thủ tướng Ý Draghi đã sử dụng điều luật "quyền lực vàng" để ngăn chặn việc thâu tóm công ty hạt giống rau Verisem của tập đoàn Syngenta Trung Quốc. Ảnh: RT

Các nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Reuters cho hay, động thái mới nhất từ Bắc Kinh đang thổi bùng lên nguy cơ tranh chấp pháp lý giữa đôi bên. Sự vụ phát sinh từ quan điểm của Thủ tướng Italia Mario Draghi thúc đẩy các hạn chế nhằm ngăn cản làn sóng các thương vụ thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp trong nước của các công ty Trung Quốc tại quốc gia hình chiếc ủng.

Theo đó, gã khổng lồ hóa chất nông nghiệp Syngenta hiện thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc cáo buộc, Chính phủ Ý đã vận dụng điều khoản luật được gọi là "quyền lực vàng" để bảo vệ các tài sản chiến lược. Để giảm thiểu những tác động rủi ro từ vụ kiện tụng này, Rome đang cân nhắc khả năng bồi thường cho các công ty bị phạt do sử dụng các quy tắc chống tiếp quản.

Trước đó vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Ý Draghi đã ra quyết định ngăn chặn việc thâu tóm công ty hạt giống rau Verisem của tập đoàn Syngenta. Đó là cú đòn thứ hai trong số ba quyết định tương tự của chính quyền 11 tháng tuổi dưới thời ông Draghi, khi ông sử dụng sức mạnh vàng để ngăn chặn các cuộc thâu tóm không mong muốn trong các ngành như viễn thông, năng lượng và nông sản.

Nhà vận động hành lang nông nghiệp Ý Coldiretti cho biết, động thái của Sygenta sẽ chuyển trọng tâm sang châu Á, thành vị trí cân bằng chiến lược của thế giới trong việc kiểm soát nguồn hạt giống phục vụ cho ngành sản xuất rau và thảo mộc.

Các nguồn tin giấu tên cho biết, hiện công ty hạt giống rau Ý Verisem cũng đã vào cuộc. Trước đó, một trong số hai công ty “đồng cảnh ngộ” đã cáo buộc chính phủ can thiệp "một cách vô cớ" các bước đi mà họ đã thực hiện để đảm bảo các điều khoản của việc tiếp quản sẽ bảo toàn lợi ích chiến lược của đất nước.

Trường hợp tương tự vào năm ngoái, LPE, một nhà sản xuất thiết bị bán dẫn có trụ sở tại Milan, cũng đã đệ đơn kháng cáo sau khi chính phủ ngăn cản việc mua lại công ty này bởi công ty Trung Quốc Shenzhen Invenland Holdings Co Ltd.

Tập đoàn Syngenta có trụ sở tại Thụy Sĩ đã được tập đoàn hóa chất nhà nước Trung Quốc ChemChina mua lại vào năm 2017 với giá 43 tỷ USD. Hiện công ty đã được chuyển đổi thành tập đoàn Sinochem Holdings Corp. Theo Reuters, tập đoàn Syngenta Trung Quốc đã chào mức giá khoảng 200 triệu euro (226,1 triệu USD) để thâu tóm công ty hạt giống rau Ý Verisem.

Thương vụ đã được Quỹ Paine Schwarts & Partners của Mỹ rao bán, và Verisem tự mô tả về mình như một nhà sản xuất hạt giống toàn cầu với các nhà máy chế biến ở Ý, Pháp và Bắc Mỹ.

Theo các chuyên gia phân tích, việc Chính phủ Trung Quốc chấp thuận để tập đoàn ChemChina mua lại gã khổng lồ Syngenta mà không đi kèm bất cứ điều kiện nào là một bước đi chiến lược từ Bắc Kinh. Trước đó, thương vụ sáp nhập đình đám này đã được cơ quan cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và cả Mexico chấp thuận nhưng đều kèm theo các điều kiện, bởi nó được đánh giá là một trong số những thương vụ mua bán, sáp nhập quan trọng sẽ làm thay đổi thị trường hạt giống và hoá chất nông nghiệp.

Trung Quốc hiện chiếm khoảng 21% dân số thế giới nhưng lại chỉ sở hữu chưa đầy 10% diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn cầu. Đây chính là điểm mấu chốt để Bắc Kinh cho phép ChemChina đứng ra thâu tóm Syngenta.

Với vị thế là nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất thế giới và nắm trong tay nhiều loại hạt giống biến đổi gen giúp gia tăng sản lượng, gã khổng lồ Syngenta được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng sản lượng lương thực tại Trung Quốc, từ đó cải thiện năng suất cây trồng trong nước, và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu.

Theo AFP, những năm gần đây, rất nhiều công ty Trung Quốc đã mạnh tay thâu tóm hàng loạt tài sản là đất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nhà máy hóa chất từ khắp các châu lục trên toàn cầu, từ các nông trại tới nhà máy sản xuất đường, nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho lực lượng dân số trên 1,4 tỷ người.

(Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.

Bình luận mới nhất