| Hotline: 0983.970.780

Tác nghiệp bên ngoài Tổ quốc

Thứ Tư 21/06/2023 , 10:34 (GMT+7)

Chúng tôi tác nghiệp báo chí bên ngoài Tổ quốc nhưng chưa có ai tiền trạm. Sự vô tư có chút liều lĩnh cũng có cái hay.

Cầu Kampong Kdei, một di tích ở Campuchia.

Cầu Kampong Kdei, một di tích ở Campuchia.

Đối với một cơ quan truyền thông chuyên về báo giấy, mà lại đi làm phóng sự truyền hình ở nước ngoài thì hơi phiêu lưu. Ra khỏi biên giới quốc gia để viết phóng sự thì nhiều đồng nghiệp đã tung hoành ấn tượng lắm, nhưng đi làm phóng sự truyền hình lại là một thử thách mà không phải đơn vị nào cũng mạnh dạn đầu tư. Bởi lẽ, trên lộ trình nỗ lực đa phương tiện thì một tòa soạn quen nghề báo giấy cũng không thể một sớm một chiều có thể ngạo nghễ vác máy quay lên đường tự tin như một đài truyền hình.

Vì vậy, khi Ban Biên tập NNVN lên kế hoạch làm phóng sự truyền hình đặc biệt “Chuyện hạ nguồn Mekong”, tôi cũng có chút do dự khi được phân công đi tuyến Campuchia. Xuất ngoại mà đến Campuchia chẳng mấy hấp dẫn hơn du ngoạn miền Tây Nam bộ. Sẵn cơ hội của nghề báo và tính tò mò của bản thân, tôi đã đến Campuchia nhiều lần, mà nhiều nhất là tranh thủ nhảy sang các tỉnh Campuchia giáp ranh Việt Nam. Tôi từng qua tỉnh Mondikiri từ hướng Đắk Lắk, qua tỉnh Karatie từ hướng Bình Phước, qua tỉnh Pvey Veng từ hướng Đồng Tháp, qua tỉnh Tà Keo từ hướng An Giang, qua tỉnh Kam Pot từ hướng Kiên Giang...

Thế nhưng, cái đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm dường như giúp tôi dự trữ đủ hứng thú để thấy chuyến đi Campuchia cũng là một hành trình thú vị. Cùng với 6 đồng nghiệp từ Hà Nội bay vào và từ Cần Thơ lên, chúng tôi từ TP.HCM thẳng tiến cửa khẩu Mộc Bài. Bên kia của tỉnh Tây Ninh là tỉnh Svay Rieng vốn nổi tiếng là thiên đường casino. Trước dịch Covid-19, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe buýt di chuyển cung đường TP.HCM -– Mộc Bài để phục vụ những thượng đế hăng máu đỏ đen. Sau dịch Covid-19, khu vực này thưa vắng hẳn. Mặc kệ, chúng tôi đi tác nghiệp chứ đâu phải đi đánh bạc.   

Tác nghiệp bên ngoài Tổ quốc, kiểu của báo NNVN, cũng khá mạo hiểm. Không có ai tiền trạm, chúng tôi trông cậy vào một anh hướng dẫn viên du lịch người Campuchia và “siêu nhân” Google Maps. Chẳng hề gì, cứ an ủi nhau theo phương pháp cổ truyền là đường đi ở miệng mình và lối đi dưới chân mình. Xe qua tỉnh Kampong Cham rồi đến tỉnh Kampong Thom khi trời sập tối. Đêm đầu tiên trên đất bạn Campuchia, chúng tôi được an ủi thân phận nhọc nhằn đường xa bằng những chai bia Angkor rất ngọt vị. Thế nhưng, tự nhiên tôi thấy nhớ những người bạn vong niên của mình từng tham gia đội quân tình nguyện trong đợt nghĩa vụ quốc tế kéo dài hơn 10 năm, từ 1979 đến 1989.

Trong những câu chuyện của người lính Việt Nam từng chiến đấu ở Campuchia và may mắn còn được lành lặn trở về nhà, có không ít tự hào xen lẫn không ít nghẹn ngào. Đêm Kampong Thom, giữa giấc ngủ chập chờn, tôi mường tượng khuôn mặt khắc khoải của nhà thơ Đoàn Tuấn khi đọc cho nhau nghe bài thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” tại một góc phố hạnh ngộ tình cờ: “Lâu ngày sống trong rừng sâu đất bạn/ Đồng đội nhớ nhau, ngỡ như đất quê nhà/ Chiều chôn bạn trong nghĩa trang quen thuộc/ Đêm về hầm còn lại mỗi mình tôi/ Tôi mới thấy xót xa thương bạn/ Nằm bên ngoài Tổ quốc dưới mưa rơi/ Tôi không thể sống thiếu người đã mất/ Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi/ Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất/ Đất bên ngoài Tổ quốc, Việt Nam ơi”.

Thời gian có khả năng chữa lành mọi vết thương và thời gian cũng có khả năng làm nên những điều kỳ diệu. Những vùng đất người Việt Nam từng giúp người Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, bây giờ đã khác. Khung cảnh Kampong Thom trong nắng sớm đã phơi bày tất cả sự đổi thay ấy. Bàn tay và ý chí con người đã biến ước mơ trở thành hiện thực đẹp hơn cả ước mơ. Ngoài dự án cao su của tập đoàn tư nhân Trần Thái, tỉnh Kampong Thom được Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư nhiều dự án, mà sự hiện diện của Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom, Công ty Cao su Tân Biên - Kampong Thom, Công ty Cao su Bà Rịa - Kampong Thom, Công ty Cao su Phước Hòa - Kampong Thom... đã kiến tạo một màu xanh cao su ngút ngàn.

Những kẻ tha hương gặp nhau trên đất khách thì có bao nhiêu chuyện để hàn huyên. Thế nhưng, câu chuyện dáng dứng cao su trên xứ sở Chùa tháp thì chúng tôi dù cố giảm thiểu âm lượng xuống mức thấp nhất cũng vẫn phải thốt lên những âm thanh trầm trồ và ngạc nhiên. Những “khum” (tương đương cấp xã ở Việt Nam) vốn hoang vắng của Campuchia nhờ cây cao su mà có được những quần thể quây quần đông vui và no ấm. Chứng kiến nhịp đời mới ở khum Kroyea hay khum Popok, nhóm thực hiện phóng sự truyền hình đặc biệt của báo NNVN bỗng dưng vô tổ chức một cách hồn nhiên. Đoàn 6 người không còn đi chung, mỗi người một ngả để đuổi theo sự háo hức riêng tư. Người thì vội vàng lia camera, người thì hớn hở chụp ảnh, người thì ôm vai bá cổ những công nhân cạo mủ, người thì chui tọt vào nhà dân bản xứ để hỏi han, và người thì chạy ngược chạy xuôi cốt sao thu hết những ấn tượng sinh động đang bày ra trước mắt...

Như đã thú nhận, chúng tôi tác nghiệp báo chí bên ngoài Tổ quốc nhưng chưa có ai tiền trạm. Sự vô tư có chút liều lĩnh cũng có cái hay. Người xưa gọi là thuật “ném đá qua sông”, cứ ném hòn đá xuống sông để biết sâu cạn ra sao mà lần mò lội qua. Ở tỉnh Kampong Thom, chúng tôi gặp Thạch Thông, phóng viên thường trú của Đài Truyền hình Việt Nam. Văn phòng của Thạch Thông đặt ở Phnom Penh, anh xuống đây để ghi hình về thành quả hợp tác kinh tế Việt Nam – Campuchia. Là người gốc Khơ Me, Thạch Thông rất thông thạo tiếng Campuchia. Tôi đã gặp Thạch Thông vài lần ở Việt Nam. Khi biết chúng tôi sang Campuchia để làm phóng sự truyền hình đặc biệt, Thạch Thông khá bất ngờ: “Báo NNVN chơi ngon dữ thần. Báo giấy mà lấn sân báo hình và lấn sang tận Campuchia”.

Cũng chung địa điểm tác nghiệm với Thạch Thông, chúng tôi phỏng vấn công nhân cạo mủ Phạm Văn Ngón đang làm việc cho Công ty Cao su Tân Biên - Kampong Thom. Và anh Phạm Văn Ngón đã giới thiệu anh mình là Phạm Văn Lượm đang sinh sống ở Biển Hồ. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Siêm Riệp để vào Biển Hồ với số điện thoại liên lạc của anh Phạm Văn Lượm khi trời đã sẩm tối.

Một người Việt ở Biển Hồ.

Một người Việt ở Biển Hồ.

Biển Hồ là cách gọi của người Việt Nam dành cho Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Biển Hồ gắn bó mật thiết với sông Mekong chảy qua Campuchia, và Biển Hồ càng gắn bó mật thiết với người Việt Nam ở Campuchia. 20 năm trước, tôi từng theo một đoàn làm phim đến Biển Hồ. Hồi ấy, muốn làm phim phải có giấy phép rất phức tạp, thậm chí mỗi cái máy quay đều được dán ký hiệu của chính quyền sở tại mới cho mang xuống thuyền để ghi hình. Hiện tại, những thủ tục ấy vô hiệu, vì cái điện thoại thông minh đã phủ sóng khắp nơi và hàng trăm Youtuber cũng có thoải mái triển khai những clip theo ý họ.

Tuy nhiên, ngược với tín hiệu khả quan về tự do tác nghiệp, khung cảnh Biển Hồ sau 20 năm khiến tôi bần thần. Không còn cảnh người Việt mua bán cá tôm tấp nập như trước kia nữa. Nguồn lợi thủy sản Biển Hồ đã vơi cạn dần, khiến cuộc sống của người Việt ở Biển Hồ càng thêm bấp bênh trên sóng nước. Chúng tôi được anh Phạm Văn Lượm đưa đi thăm trường Tiểu học dạy chữ Việt cho bà con ở Biển Hồ và trực tiếp tham gia một buổi giăng lưới mưu sinh của anh trên mênh mông Biển Hồ.

Cuộc mưu sinh khốn khó của cha con anh Phạm Văn Lượm.

Cuộc mưu sinh khốn khó của cha con anh Phạm Văn Lượm.

Anh Phạm Văn Lượm chất phác cùng người vợ hiền lành và ba đứa con trai đang sống trên một cái bè nổi, lêu bêu hơn cả khách thương hồ trên sông Cổ Chiên hay sông Vàm Cỏ.

Anh Phạm Văn Lượm không giấu giếm về những khó khăn chật vật của gia đình anh, và anh chỉ mong ước được trở về Việt Nam. Xót xa thay, anh Phạm Văn Lượm ngỏ lời muốn chúng tôi giúp đỡ nhưng chúng tôi lực bất tòng tâm. Cả nhà anh Phạm Văn Lượm đều chỉ có tờ giấy tạm trú được cấp định kỳ, thì làm sao hoàn thiện hồ sơ tư pháp để hồi hương định cư. Chúng tôi nghĩ rằng, sự trớ trêu của gia đình anh Phạm Văn Lượm cũng như bao người Việt Nam đang lênh đênh ở Biển Hồ, rất cần sự chung tay giải quyết giữa chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia.

Công nhân tan ca trên chiếc xe hàng ở Bavet.

Công nhân tan ca trên chiếc xe hàng ở Bavet.

Những ngày tác nghiệp trên đất bạn Campuchia trôi rất nhanh. Trên đường quay lại cửa khẩu Mộc Bài, chúng tôi chứng kiến cảnh kẹt xe khi ngang qua các khu công nghiệp ở Bavet. Công nhân Campuchia được đưa đón bằng những chiếc xe tải chở hàng, nên họ đứng chen chúc mấy chục người trên thùng xe, trông rất tội nghiệp. Anh hướng dẫn viên du lịch người Campuchia tiết lộ: “Trời nắng còn đỡ, chứ trời mưa thì họ ướt như chuột”.

Có điều gì nghe như nhói đau khiến tất cả chúng tôi chùng xuống im lặng. Chúng tôi để lại hình ảnh buồn thương ấy với bụi mù bên kia biên giới, nhưng không ai giấu được tiếng thở dài bùi ngùi. Trên xứ sở Chùa tháp, đặt trong tương quan với sự vĩ đại của kỳ quan thế giới Angko Wat, bỗng thấy thân phận con người sao quá nhỏ bé và mong manh.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

8 con bò bị sét đánh chết sau trận mưa lớn

Quảng Bình Trận mưa lớn kèm sét đã đánh chết 8 con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở thành phố Đồng Hới.