| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước

Thứ Ba 15/09/2020 , 06:30 (GMT+7)

Hệ thống thủy lợi Việt Nam được đầu tư, xây dựng qua nhiều thời kỳ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội, nhưng vẫn chưa đồng bộ, và đang xuống cấp.

Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống

Theo Tổng cục Thủy lợi, đến nay, số lượng đập dâng, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, mất an toàn công trình chưa có kinh phí để sửa chữa còn khá lớn gây nguy hiểm cho đập và vùng hạ du. Sơn La có 43/105 công trình hồ chứa cần sửa chữa; Thanh Hóa có 78/169 hồ chứa bị hư hỏng, mất an toàn; Hà Tĩnh có 90 công trình đập, hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp... làm suy giảm năng lực trữ nước, phân phối, điều hòa nguồn nước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Minh Phúc.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Minh Phúc.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đòi hỏi yêu cầu chất lượng phục vụ cao hơn từ hệ thống thủy lợi, như yêu cầu về chất lượng nguồn nước cấp, quy trình/chế độ cấp nước, yêu cầu cấp nước mặn, yêu cầu phục vụ đa mục tiêu (cấp nước, tưới, phát điện, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, giao thông…) trong khi nhiều công trình thủy lợi trước đây thiết kế phục vụ sản xuất lúa, khó thay đổi công năng.

Quá trình phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa đang ngày một gia tăng sức ép lớn lên công tác thủy lợi, ô nhiễm nguồn nước trên sông, suối ngày càng tăng dẫn đến suy giảm chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi, tác động bất lợi đến hoạt động lấy nước của hầu hết các hệ thống công trình thủy lợi, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch qua cơ chế dịch vụ thủy lợi. 

Biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển, điển hình là hoạt động khai thác cát đã làm nhiều công trình thủy lợi không đủ điều kiện vận hành dẫn đến năng suất phục vụ của công trình bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo nhu cầu nước cho sản xuất, dân sinh.

Các quốc gia ở thượng nguồn triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông quốc tế sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng đòi hỏi phải có bước đi và tầm nhìn tổng thể vững chắc để chủ động được nguồn nước cho các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Hoạt động khai thác nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội cũng làm cho tính chất đối tượng bề mặt tiêu thoát thay đổi dẫn tới hệ số tiêu cho các vùng bị thay đổi so với thiết kế ban đầu, cùng với đó do sự thay đổi cực đoan của khí hậu dẫn tới gia tăng hệ số tiêu thực tế nên khi công trình đi vào phục vụ thường không đáp ứng được nhu cầu cần tiêu tronh khu dân cư, đô thị cũng như diện tích canh tác nông nghiệp. Quá trình phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng làm ngăn cản hướng tiêu, khẩu độ tiêu thoát lũ, úng ngập là những thách thức lớn đòi hỏi cần nghiên cứu, có giải pháp ứng phó phù hợp.

Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp, nhiều vùng dân cư nông thôn đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hạn hán, xâm nhập mặn. Hệ thống quản lý về cấp nước sạch nông thôn chưa thống nhất, thiếu quy định pháp luật, khó huy động nguồn lực xã hội tham gia, đầu tư cho cấp nước nông thôn, đặc biệt đối với khu vực người dân sống phân tán, khu vực người dân có thu nhập thấp, khu vực đồng bào dân tộc, miền núi, hải đảo.

Hồ thủy lợi Tả Trạch. Ảnh: Minh Phúc.

Hồ thủy lợi Tả Trạch. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn nước

Cần rà soát, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách lĩnh vực thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đảm bảo khả thi, minh bạch, huy động được các nguồn lực của các tổ chức kinh tế - xã hội và người dân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành công trình cung cấp nước cho sản xuất và đời sống của người dân.

Rà soát, lập quy hoạch thủy lợi phạm vi quốc gia, các lưu vực sông, các hệ thống công trình thủy lợi làm cơ sở đầu tư công trình thủy lợi, trong đó tập trung xây dựng tầm nhìn, giải pháp thủy lợi phù hợp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; giải pháp chuyển nước lớn; khắc phục hạ thấp lòng dẫn đáy sông, hạ thấp mực nước tại vùng hạ lưu các lưu vực sông; cải thiện chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

Hoàn thành đầu tư công trình lớn, trọng điểm tại vùng Tây Nguyên, miền Trung, ĐBSCL; hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi từ đầu mối đến mặt ruộng; triển khai đầu tư công trình kết nối nguồn nước phạm vi liên vùng làm cơ sở ban đầu hình thành mạng lưới chuyển nước quốc gia; hoàn thành đầu tư công trình điều tiết, công trình kiểm soát lũ, nạo vét các trục kênh để chủ động trữ nước, công trình chuyển nước ngọt ra vùng ven biển đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng phó chủ động với thiên tai tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt đối với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lũ, ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất…

Hoàn thành xây dựng và triển khai giá dịch vụ thủy lợi để tạo điều kiện cho phát triển hệ thống thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm.

Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước, đập dâng đang xuống cấp, hư hỏng đảm bảo an toàn công trình; nâng cao năng lực dự báo (mưa, lũ), cảnh báo sớm theo thời gian thực để chủ động trong quản lý, vận hành;

Thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia đầu tư, quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi, nước sạch nông thôn; rà soát cơ chế chính sách, áp dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng, tính bền vững trong cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình – lồng ghép nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn vào xây dựng nông thôn mới.

Giải pháp đảm bảo nguồn nước

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường thực thi pháp luật về thủy lợi: Nâng cao nhận thức của xã hội về hoạt động thủy lợi, tăng cường thực thi pháp luật, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thuỷ lợi bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý thủy lợi từ trung ương đến địa phương bảo đảm đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với quản lý khai thác; sắp xếp tổ chức đơn vị sự nghiệp thủy lợi, tổ chức thủy lợi cơ sở tinh gọn, theo hướng cung cấp dịch vụ đa dạng, tự chủ tài chính, phát huy vai trò chủ thể của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Đào tạo nâng cao năng lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia hoạt động thủy lợi, hình thành đội ngũ chuyên gia chuyên sâu trong công tác thủy lợi ở trung ương và địa phương.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch: Xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển trên cơ sở xem xét tác động từ biến đổi khí hậu, phát triển ở thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế, phát triển nội tại vùng quy hoạch, giải quyết các tác động cực đoan như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Chuyển giao, ứng dụng công nghệ, phương pháp tiên tiến trong quy hoạch.

Hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải góp phần quan trọng ổn định và phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Minh Phúc.

Hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải góp phần quan trọng ổn định và phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Minh Phúc.

Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới, trong đó tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi lớn, sửa chữa nâng cấp các công trình hiện có để đáp ứng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công trình gắn với Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tăng cường thu hút các nguồn lực của xã hội để xây dựng công trình thủy lợi.

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi, tổ chức thủy lợi cơ sở; phát huy nội lực và vai trò chủ thể của người dân trong công tác thủy lợi; nâng cao chất lượng dịch vụ thủy lợi, mức bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, đảm bảo chất lượng nước,.. trong hoạt động thủy lợi...

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.