| Hotline: 0983.970.780

Tai họa đớn đau

Thứ Ba 12/06/2012 , 11:49 (GMT+7)

Vốn đã một nắng hai sương, vất vả trăm bề. Giờ đây, người nông dân lại phải đối diện với hiểm nguy ngay trên đồng ruộng, đó là nguy cơ từ sét đánh.

Người nông dân làm nên hạt lúa, củ khoai vốn đã một nắng hai sương, vất vả trăm bề. Giờ đây, họ lại phải đối diện với hiểm nguy ngay trên chính đồng ruộng của quê hương mình, đó là nguy cơ từ sét đánh.

1. Vụ đông xuân vừa kết thúc, giọt mồ hôi của bà con nông dân xã Điền Môn (huyện Phong Điền, TT- Huế) vẫn chưa cạn lại phải lao vào đốt rơm, cày ải, gieo… để chuẩn bị cho vụ hè thu trước ngày bão lũ. Những ngày này, từ sáng sớm tinh mơ, cánh đồng ở thôn 1, Kế Môn đã tấp nập bà con ra với đồng ruộng. Nhưng mặt trời chưa khuất sau hàng dương cuối làng, bà con lại vác cày cuốc trở về. Thấy lạ, hỏi ra mới biết, bà con trở về nhà sớm để tránh… sét.

Đang lúi húi gom nông cụ ra chiều gấp gáp, lão nông Trần Ngũ (76 tuổi, thôn Vĩnh Xương) nói qua tiếng giông của trời chiều: “Cả tháng nay không biết răng mà sét nhiều quá. Cứ chiều là ông trời lại trở chứng, sét liên hồi. Tui có cả sáu mươi năm làm ruộng rồi, chưa năm nào sét nhiều như ri. Mấy hôm trước xã tui có 1 người chết và 1 người bị thương do sét nên bà con giờ sợ lắm, phải rời khỏi ruộng trước khi trời chiều”.

Bà con Kế Môn vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết tức tưởi của anh Nguyễn Xuân Trai (44 tuổi, xóm 1, thôn Kế Môn) khi cùng vợ và con trai đang làm đồng vào chiều 26/5 vừa qua. Gặp chúng tôi, chị Lê Thị Lan, vợ anh Trai, vẫn đang chít vành khăn trắng tang tóc. Không ngăn được dòng nước mắt, chị kể lại phút giây kinh hoàng: “Chiều 26/5 trời êm lắm, không có mưa giông gì cả. Như mọi hôm tui cùng chồng và con trai ra làm ruộng ở đồng Kế Môn. Ảnh bảo trời đã im, gắng cày thêm ít ruộng vì năm nay vụ trái làm không kịp sợ lũ về. Tự nhiên trời nổi gió chướng, hàng dương bên đường quăng quật như muốn ngã. Rồi một tiếng nổ rõ to, như phản xạ tui ngồi xuống ôm đầu. Khi ngước nhìn lên thì không mấy chồng và con đâu cả. Hoảng quá chạy đi tìm, thấy con trai nằm bất tĩnh bên bờ đê, còn chồng thì sét hất văng xuống hói nước gần đó”.


Chị Lan và cháu Lưu vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của chồng, cha mình là anh Nguyễn Xuân Trai

Chị như không tin nổi vào mắt mình, thân hình anh Trai cháy xém, áo quần rách tơi tả. Giữa đồng, tiếng khóc, kêu gào của chị như thấu cả trời xanh! May mắn, đứa con trai bị hất văng ra xa, chỉ bị choáng, đau nửa đỉnh đầu. Bà con lối xóm liền chở cháu Lưu, con chị, đến bệnh xá. Gặp chúng tôi, giây phút bàng hoàng vẫn còn hiển hiện trong đôi mắt non dại của em. Lưu nhớ lại: “Lúc đó em chỉ nghe tiếng nổ lớn, sau đó mơ màng nghe tiếng mẹ khóc rồi không biết gì nữa, khi tỉnh dậy, được đưa về nhà em mới biết ba đã mất”. 

2. Rời vùng đất lúa Điền Môn, đến những vùng đất thuần nông khác, những câu chuyện thương tâm chúng tôi ghi nhận vẫn được người dân kể cho nhau nghe như một ký ức kinh hoàng trên đồng ruộng. Thương tâm nhất là chuyện gia đình anh Lê Phước Phương (48 tuổi, thôn Đông Phú, xã Phong Bình). Sau cái chết đau thương của vợ anh là chị Trần Thị Minh Hương, anh Phước như suy sụp hẳn. Có những lúc tưởng chừng như gục ngã, anh nằm bệnh liệt gường, nhưng nhìn 5 đứa con nheo nhóc, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, anh lại gượng dậy với cái cuốc, cái cày quần quật trên đồng ruộng. Nom anh Phước như già hơn so với cái tuổi 48 của mình, bởi sau ngày vợ mất, một mình anh tần tảo nuôi 5 miệng ăn với chỉ 1 sào ruộng làm mướn của xã bên.

Nhớ lại kỳ ức kinh hoàng, anh Phước kể: “Từ trước đến nay gia đình mình vẫn làm ruộng, hai vợ chồng không có đất cày cấy, đành phải đi làm mướn cho ruộng họ. Ngày 21/4/2011, buổi chiều, mình cùng vợ ra đồng như mọi hôm. Chưa kịp trở về thì có giông lốc, trời chuyển tối. Mình chạy về nhà nói là bắc cơm sớm để lũ nhỏ học về muộn có cơm ăn. Đi nửa chặng đường chợt nhớ là quên chìa khóa nhà nên quay lại. Khi đến nơi thấy mọi người xôn xao, đi tìm không thấy vợ đâu, tưởng đã về nhà trước, ai ngờ…". Không thấy vợ, anh cùng con nháo nhác đi tìm, chị Hương khi nghỉ chân bên triền đê bị sét đánh, vành nón cùng chiếc khăn chị quấn trên đầu bị cháy xém, rách như xơ mướp. Đến nơi anh ôm vợ khóc, bởi không thể nhìn ra hình dạng được nữa rồi. Cái ngày đau thương đó đã hơn một năm trôi qua anh vẫn còn nhớ như in.

Vợ anh đột ngột mất đi, để lại đàn con, đưa út mới có 2 tuổi đầu. Hai đứa lớn mới 14-15 tuổi đã phải rời mái trường, phụ giúp ba nuôi em. Trong căn nhà tuềnh toàng ở thôn Đông Phú, hơn một năm qua, anh Phước bươn chải làm đủ thứ nghề, mong nuôi tiếp giấc mơ đến trường của con cái. Anh Phước tâm sự: “Gia đình mình thuộc hộ nghèo, mỗi tháng được nhận 180.000 đồng, tiền đó mình bỏ vào lo học phí cho lũ nhỏ. Chỉ ước sao sau này lũ nhỏ học hành tấn tới, không phải một nắng hai sương vất vả trên ruộng vườn như bố mẹ nó".

“Sau mỗi vụ sét đánh chết người hoặc gây thương tích, thiệt hại tài sản, qua kênh thông tin báo chí, xã cũng tuyền truyền bằng biện pháp chuyền tay, đưa báo chí về các thôn cho bà con đọc, có biện pháp tự bảo vệ mình. Ngoài ra, xã cũng khuyến cáo người dân tắt nguồn điện thoại khi làm đồng vào buổi chiều, khi trời sét nên về nhà trú, tránh xa các gốc cây, ao nước, nông cụ bằng sắt thép", ông Phạm Do, Chủ tịch UBND xã Điền Môn cho biết.

3. Những tiếng sét vô tình không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều nông dân ở vùng đất lúa mà con mang đi của họ tài sản “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Chỉ trong hai ngày liên tiếp, ở xã Phong Hiền và thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) đã có 15 con trâu thả nuôi bị sét đánh chết. Nhiều bà con như ngất đi trên đồng ruộng khi nhìn khối tài sản “đầu cơ nghiệp” mình tích cóp cả một đời, giờ chỉ còn là đống xác khô!

Gặp húng tôi, chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Triều Dương, xã Phong Hiền) vẫn chưa hết tiếc rẽ vì 3 con trâu nhà mình (trong tổng số 9 con) bị sét đánh chết chiều 28/5 vừa qua. Chị cho biết, số trâu trên được gia đình vay vốn Ngân hàng NN&PTNT huyện mua và nuôi đã 5 năm nay.


Sét đánh trên ruộng đồng khiến nông dân ở TT- Huế phải ra đồng từ sớm, trời bắt đầu chiều đã phải trở về nhà trú

Giờ trâu chết cháy, thịt bán cũng chẳng ai mua, mấy sào ruộng lại bỏ hoang vì không có trâu để cày bừa. Mùa hè năm 2011, trường tiểu học Phò Trạch, xã Phong Bình cũng bị sét đánh cháy hệ thống điện, hỏng dàn máy vi tính của trường làm thiệt hại gần 50 triệu đồng.

Nói về những cái chết thương tâm của bà con trên đồng ruộng, ông Nguyễn Đình Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã Phong Bình, chia sẻ: “Mấy năm trước, thường đến vụ hè thu rất ít khi có sét, mà có sét cũng không gây ra chết người. Không biết vì lý do gì mà thời gian gần đây sét rất nhiều, khiến bà con hoang mang, bỏ bê đồng ruộng. Rất mong các nhà khoa học, các cơ quan chức năng trở về các vùng đất lúa để nghiên cứu, tìm hiểu nhằm có những khuyến cáo hữu ích giúp bà con nông dân".

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm