| Hotline: 0983.970.780

Tạm dừng đầu tư 2 dự án điện mặt trời trị giá gần 2.000 tỷ đồng

Thứ Tư 27/04/2022 , 11:54 (GMT+7)

Xét thấy các dự án điện mặt trời chưa phù hợp với quy hoạch, có nguy cơ ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu tạm dừng.

Đầm An Khê là đầm nước lớn nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: N.H.

Đầm An Khê là đầm nước lớn nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: N.H.

Trao đổi với PV, ông Võ Minh Vương, Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất chủ trương, đề nghị Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện đối với 2 dự án điện mặt trời tại khu vực đầm An Khê (thị xã Đức Phổ) với tổng mức đầu tư 1.962 tỷ đồng.

2 dự án này bao gồm: Dự án nhà máy điện mặt trời đầm An Khê, do Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Hệ thống đề xuất. Dự án này có quy mô gần 34ha, công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng; thời gian hoàn thành giai đoạn 1 là quý IV/2023, giai đoạn 2 là Quý IV/2024.

Dự án tiếp theo là Nhà máy điện mặt trời Đầm Nước Mặn (An Khê 2), do Công ty Cổ phần Systech Đà Nẵng đề xuất, với quy mô gần 33ha, công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng, thời gian hoàn thành đến Quý IV/2024.

Sau khi thống nhất, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các dự án phải kết hợp chặt chẽ với phát triển du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của khu vực này. Tuy nhiên, đến nay, các nhà đầu tư mới có ý kiến xin chủ trương để đầu tư thực hiện.

Trước vấn đề này, mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với các cấp ngành trực thuộc để tiến hành lấy ý kiến. Nhiều thành viên tham dự nhìn nhận khả năng khai thác nguồn năng lượng mặt trời, trên vùng mặt nước đầm An Khê để phát điện là cần thiết; góp phần bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một dự án điện mặt trời được đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Một dự án điện mặt trời được đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Tuy nhiên, qua xem xét thực tế, khu vực đề xuất đầu tư 2 dự án chưa phù hợp với đồ án Quy hoạch chung đô thị Đức Phổ đến năm 2035, chưa được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch chung phát triển điện lực quốc gia.

Bên cạnh đó, khu vực đề xuất dự án còn có nguy cơ phá vỡ không gian sinh tồn và ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh. Trong khi đầm An Khê đã được đưa vào khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt. Dự án có thể gây cản trở trong việc xếp hạng di tích này.

Với những tác động này, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo tạm dừng đầu tư cả 2 dự án trên cho đến khi được Chính phủ duyệt bổ dung vào Quy hoạch chung phát triển điện lực quốc gia. Đồng thời, để có cơ sở triển khai dự án (khi đã được cấp thẩm quyền Trung ương bổ sung vào quy hoạch), cần xác định hiệu quả kinh tế của dự án đối với nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

“Khi được bổ sung quy hoạch, dự án cũng cần xác định hiệu quả kinh tế đối với Nhà nước, người dân và nhà đầu tư mới được triển khai. Trong thời gian chờ bổ sung quy hoạch, địa phương và sở, ngành liên quan rà soát lại nhiệm vụ cắm mốc bảo vệ khu vực di tích tại đầm An Khê. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần xác định rõ giá trị văn hóa cần bảo tồn của khu vực đầm An Khê nếu làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn cần đánh giá tác động kinh tế, xã hội; mức độ tác động của dự án đến đời sống của các hộ dân (xung quanh khu vực đầm An Khê) và môi trường, để có thông tin rõ ràng, lấy ý kiến đầy đủ của người dân nếu tiếp tục triển khai dự án…

Được biết, đầm An Khê là đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347ha, chiều dài nhất đo được 3,5km, chiều rộng nhất chừng 1km. Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4m. Đầm An Khê là một trong những điều kiện môi sinh quan trọng hình thành văn hóa Sa Huỳnh.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.