| Hotline: 0983.970.780

Tạm ngưng xuống giống 28.000ha lúa

Thứ Hai 06/01/2020 , 09:25 (GMT+7)

Hiện nay, mặn đã phủ khắp tỉnh Trà Vinh. Ngành nông nghiệp tỉnh này đang thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ diện tích lúa ĐX đã gieo sạ và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Mặn bao trùm toàn tỉnh

Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, mặn đã phủ khắp địa bàn toàn tỉnh dọc theo các tuyến sông Hậu, sông Cổ Chiên, với chiều dài trên 60km tính từ cửa biển. Hiện toàn bộ các cửa cống đầu mối ven sông đều phải đóng để ngăn mặn.

15-03-24_ngnh_nong_nghiep_khuyen_co_nguoi_dn_su_dung_nuoc_tiet_kiem
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Do mực nước nội đồng thấp, nên mặn đã xâm nhập nội đồng các huyện Cầu Kè, Càng Long và Tiểu Cần theo hướng cửa sông Bông Bót và Tân Dinh của huyện Cầu Kè và sông Ngã Hậu - Mây Phốp, cống Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Ông Lê Quang Răng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Trà Vinh cho biết, độ mặn đo được tại bến đò Cầu Kè là 3,6‰ (ngày 10/12/2019), Cầu Trà Mẹt, huyện Cầu Kè là 2,8‰ (ngày 10/12/2019), Cầu Phong Phú, huyện Cầu Kè là 2,0‰ (ngày 11/12/2019), Cầu Ngã Hậu, huyện Cầu Kè là 2,6‰ (ngày 13/12/2019). Đến ngày 24/12/2019 độ mặn trong cống tại một số điểm đã giảm, dao động từ 0,5 - 1‰ nhưng vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Với độ mặn và mực nước như trên là vô cùng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh nhất là vụ sản xuất lúa đông xuân (ĐX) 2019 - 2020. Theo dự báo, mặn sẽ tiếp tục tăng cường trong thời gian tới, cao trình mực nước đệm trong nội đồng tiếp tục hạ thấp, mặn dễ xâm nhập vào nội đồng nhiều hơn, dự báo toàn tỉnh Trà Vinh sẽ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Với diễn biến gay gắt của xâm nhập mặn, diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh sẽ bị rủi ro và ảnh hưởng bởi hạn mặn vào khoảng 37.993ha. Trong đó, diện tích chưa xuống giống 28.122ha, đã xuống 9.871ha. Số hộ xa khu dân cư không kéo tuyến ống được, có khả năng thiếu nước khi bị hạn hán, xâm nhập mặn là 8.662 hộ, chủ yếu thuộc các huyện Càng Long, Châu Thành.
 

Tạm ngưng xuống giống

Vừa qua, Sở NN-PTNT Trà Vinh thực hiện nhiều giải pháp nhằm cường công tác dự báo, tuyên truyền phòng chống hạn, mặn. Trong đó, chú trọng đảm bảo an toàn cho cây lúa vụ ĐX được phát triển tốt, giảm thiểu thiệt hại. 

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết: Để tránh thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trong sản xuất lúa vụ ĐX năm 2019 - 2020 còn khoảng 30.620/66.000ha theo kế hoạch địa phương chưa xuống giống. Dự kiến sẽ xuống giống tiếp 2.498/30.620ha, còn lại 28.122ha tạm ngưng không xuống giống.

Đồng thời, ngành NN-PTNT sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tuyệt đối không xuống giống, cắt vụ, dịch chuyển lịch thời vụ, đợi khi có nước ngọt mới tiếp tục xuống giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường. Bố trí lại mùa vụ sản xuất thích hợp cho từng huyện với từng tiểu vùng sinh thái để né mặn.

Đối với diện tích đã xuống giống 31.268ha và diện tích tiếp tục cho xuống giống 2.498ha thì tập kết máy bơm, đắp đập, bơm chuyền tích trữ nước đảm bảo cung cấp nước tưới, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó, chủ động tích trữ nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa. Phải có đủ nước ngọt cung cấp cho lúa vào giai đoạn cuối, tối thiểu 1.000m3 nước ngọt/ha từ giai đoạn trổ đến chín…

Trên cây rau màu, khuyến cáo người dân xử lý đất kỹ trước khi xuống giống, tăng cường bón đầy đủ các loại phân hữu cơ để cải tạo đất, tăng khả năng giữ ẩm cho cây, đảm bảo cho rau màu phát triển trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.

Chủ động trữ nước ngọt để tưới trong thời gian khô hạn và xâm nhập mặn, xây dựng củng cố bờ bao chắc chắn xung quanh khu vực sản xuất màu, đào sâu ao, khai nước vào các rãnh để trữ nước ngọt. Áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt thay cho các biện pháp tưới tràn truyền thống tốn nhiều nước.

Đối với cây ăn trái, Sở NN-PTNT Trà Vinh khuyến cáo người dân củng cố đê bao xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập. Chủ động dự trữ nước ngọt trong mương, ao để tưới cho cây khi nước ngoài kênh có độ mặn cao. Chủ động đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn trên 1‰ cho cây. Đối với một số loại cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... không tưới nước có độ mặn trên 0,5‰...

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 8.662 hộ dân trong vùng nguy cơ thiếu nước, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cho biết cũng đã phân công nhân viên quản lý trạm cấp nước áp dụng biện pháp theo dõi thủy triều 24/24 giờ khi nước có độ mặn <1‰ bơm nước vào hồ để tích trữ. Kéo dài tuyến ống từ các trạm cấp nước tập trung đến khu vực bị ảnh hưởng hạn, mặn. Bơm nước từ khu vực ngọt cấp cho khu vực bị ảnh hưởng hạn mặn.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm