| Hotline: 0983.970.780

'Tam nông' Thanh Hóa - 1 năm nhìn lại [Bài 1]: Chuyện ông Giới làm đường, ông Hòa phá nhà làm nông thôn mới

Chủ Nhật 10/12/2023 , 10:30 (GMT+7)

Tôi chưa tin vào câu chuyện được kể lại cho đến khi được gặp họ... Họ là những người nông dân chân trần một nắng hai sương với tình làng nghĩa nước vẹn toàn.

Anh Văn Hùng nhắn với tôi rằng, một năm nhìn lại, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa có những điểm sáng bên cạnh những nốt trầm của bối cảnh chung. Trong bức tranh ấy, hiện lên những mô hình quả ngọt thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của những dấu chân trần người nông dân, chủ doanh nghiệp và sự sự chỉ đạo quyết liệt đầy trách nhiệm của những người đứng mũi chịu sào. PV theo dõi địa bàn xem chọn vài lát cắt ghi nhận nỗ lực lớn ấy trong bức tranh chung của ngành nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Thanh nhé!

Suy nghĩ về lời nhắn ấy, ngẫm nghĩ một đêm, sáng hôm sau tôi lên đường tìm đến những con người, những địa phương với những cách làm sáng tạo để có 1 năm (năm 2023) ngành nông nghiệp Thanh Hóa đạt mức tăng trưởng cao nhất, toàn diện nhất từ trước đến nay, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. 

Phá cả nhà để hiến đất

Ngày ông Lê Quang Hòa hiến đất làm đường cho thôn Thạch Khê Tiên (xã Đông Khê, Đông Sơn, Thanh Hóa), cụ bà thân sinh ra ông gàn mãi, bởi đó là đất Tổ tiên để lại cho vợ chồng ông nên không được phép bán hay cho.

“Người ta đang muốn mở rộng nhà cửa không được, đằng này nhà mình lại đi cho thiên hạ”, ông Hòa thuật lại lời cụ cố khuyên can, khi ông hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường của xã, thôn.

Ông Hòa (trái), bà Hượng (phải) hiến hàng trăm m2 đất cho chính quyền mở rộng đường. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Hòa (trái), bà Hượng (phải) hiến hàng trăm m2 đất cho chính quyền mở rộng đường. Ảnh: Quốc Toản.

Nhà ông Lê Quang Hòa nằm ở ngã ba thôn Thạch Khê Tiên, xã Đông Khê (Đông Sơn, Thanh Hóa), điểm nối giữa ngõ và tuyến chính chạy dọc các thôn. Nếu không gỡ được “nút thắt” này thì cả hai tuyến đường sẽ không thể mở rộng, đồng thời thôn, xã khó hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Ngày ông bà quyết định hiến đất, có người rỉ vào tai ông Hòa rằng: Đất đó ông bà mà bán, đem tiền gửi ngân hàng thì sống rủng rỉnh cả đời. Có người còn mách nước: Người ta lấy đất phải trả tiền, nhà ông hiến hàng trăm mét vuông đất sao mà dễ dàng thế…

Bà Hượng (vợ ông Hòa) ban đầu có vẻ tiếc, nhưng sau cùng quyết theo ý chồng: “Ông nhà tôi đã quyết việc gì thì khó ai lay chuyển được". 

Ông Hòa khi đó đưa ra lý lẽ thuyết phục khiến bà Hượng phải nhượng bộ: “Sống có làng, có nước. Mình cứ ôm khư khư tí đất để làm gì. Đất nhà mình, đường mình đi, có mất đi đâu mà sợ. 

Làng xóm láng giềng người ta hiến hết, mình không hiến thì mặt mũi nào nhìn bà con lối xóm. Làm đường rộng thì mình hưởng chứ ai hưởng vào đây. Tuổi già không hưởng hết thì đời con đời cháu mình hưởng. Gia đình sống ở đây mấy đời rồi chứ có phải di chuyển chỗ ở đâu mà lo thiệt”, ông Hòa quả quyết. 

Ông Hòa bảo, ở xóm này, hộ dân nào không hiến đất thì ra đường chả ai thèm nhìn mặt và bắt chuyện. Giờ ông bà hiến xong đất, nên cảm thấy thanh thản, khỏe ra vì đã làm tròn trách nhiệm với cộng đồng. Con cái đi xa khi trở về cũng tự hào vì bố mẹ có đóng góp một phần nhỏ cho quê hương.

Tuyến đường chính dẫn vào xã Đông Khê khang trang sạch đẹp. Ảnh: Quốc Toản.

Tuyến đường chính dẫn vào xã Đông Khê khang trang sạch đẹp. Ảnh: Quốc Toản.

Để góp phần xây dựng nông thôn mới tại xã Đông Khê, ông Hòa đã hiến 150m2 đất ở, cùng các công trình khác (nhà cấp 4 diện tích 50m2, nhà máy xay xát gạo diện tích 40m2, nhà bếp, thường rào) với tổng trị giá 300 triệu đồng để mở rộng đường giao thông thôn xóm. Ở thôn Thạch Khê Tiên, gia đình ông là hộ dân tiên phong, hiến nhiều đất nhất để mở mang đường xá.

Chưa hết, vợ chồng ông Hòa có 4 ô ruộng chừng vài sào cũng đem hiến một phần diện tích nằm trong 3 ô ruộng để chính quyền làm hệ thống kênh mương nội đồng. Lần này bà Hượng có ý không đồng tình vì mấy mảnh ruộng là kế sinh nhai của ông bà và cũng bởi hiến đi thì lấy gì ăn. Ông Hòa lại xuống giọng thuyết phục vợ, trong khi vẫn nhất quyết hiến ruộng cho chính quyền: “Tuổi già ăn có hết mấy đâu, nên cần gì phải làm lụng nhiều cho vất vả ra. Người ta cần thì cứ hiến chứ giữ làm gì”.

Ông Hòa hiến xong đất cho chính quyền, nhưng khổ nỗi nhà không còn đồng nào để xây tường rào. Ông Hòa khi đó bàn với vợ vay Hội cựu chiến binh xã 15 triệu đồng, nhưng tiền công, vật liệu xây dựng đội lên 40 triệu đồng. Khoản nợ đó đến nay ông bà vẫn chưa thể trả, nhưng ông Hòa tự tin sẽ lo ổn thỏa mọi việc. 

Lũ trẻ trong làng tùm năm tụm bảy nô đùa đùa trên con đường làng thẳng tắp sau mỗi giờ tan trường. Ảnh: Quốc Toản.

Lũ trẻ trong làng tùm năm tụm bảy nô đùa đùa trên con đường làng thẳng tắp sau mỗi giờ tan trường. Ảnh: Quốc Toản.

Ngày khởi công tuyến đường qua phần đất gia đình, ông Hòa, bà Hượng ra “nghị quyết” với tổ thợ thi công: “Nhà tôi đã phá, đất đã hiến, dây đã căng một mạch từ đầu nhà đến cuối vườn, nên thợ thuyền phải làm cho nghiêm chỉnh, gọn gàng. Đường mà ngoằn ngoèo như rắn ăn no là tôi bắt làm lại đấy”, bà Hượng kể lại.

Con đường ngõ Thạch Khê Tiên trước đây rộng hơn 2m, nay được mở rộng lên hơn 5m. Nhà ông Hòa có vẻ khá “khiêm nhường” nếu so sánh với con đường khang trang vừa được thảm nhựa. Ấy vậy nhưng ông vui khi nhìn thấy lũ trẻ trong làng tùm năm tụm bảy nô đùa đùa trên con đường làng rộng rãi, thẳng tắp sau mỗi giờ tan trường...

Bỏ tiền túi làm đường cho dân đi

Ông Phạm Sỹ Giới tuổi đã cao nhưng rít hơi thuốc lào rất có lực. Ông cụ ngửa mặt lên trời, chậm rãi nhả ra làn khói trắng, trông có vẻ sảng khoái. Ông nửa thật, nửa đùa, như thể thanh minh cho thói quen không tốt của mình: “Được cái nghiện thuốc lào rồi nhưng phổi vẫn tốt. Có cụ hút thuốc lào thọ tới gần trăm tuổi…”.

Bài liên quan

Ông Giới dạo gần đây có vẻ khỏe khoắn hơn so với trước. Từ khi có con đường mới chạy dọc thôn Hiền Đông (xã Quảng Lưu, Quảng Xương), ông siêng đi bộ hơn để rèn luyện sức khỏe. Người dân trong làng thường gọi đường thôn với cái tên “đường ông Giới” hoặc "đường ông Giáp" (Giáp là tên con trai ông Giới). Nhắc đến đây, ông vội xua tay: “Mình làm đường là làm cho gia đình và cho xã hội chứ có phải làm để kể công đâu”.

Còn ngõ đi vào nhà ông Giới trước đây chỉ rộng hơn sải tay người lớn nên việc di chuyển rất bất tiện. Khi xã Quảng Lưu có chủ trương vận động các hộ dân hiến đất làm đường, ông Giới hưởng ứng ngay. Ông Giới bàn với gia đình vừa ủng hộ địa phương làm đường, vừa trực tiếp xắn tay vào làm việc. Ý tưởng của ông Giới được gia đình đồng thuận, đặc biệt là sự giúp sức về tài chính của người con trai ông (anh Giáp).

Sau khi gia đình thống nhất, ông Giới đề xuất với chính quyền địa phương tự bỏ tiền ra làm đường cho dân với lý do: Người dân trong thôn còn vất vả, nên khó huy động đóng góp. Sau khi được chính quyền địa phương đồng ý, ông Giới cùng lãnh đạo xã vận động người dân trong thôn hiến đất mở rộng đường. “Bà con chỉ việc hiến đất, còn chuyện tiền nong, thi công cứ để gia đình lo. Nhiều hộ dân cũng muốn mở rộng đường xá để lưu thông thuận tiện nên đồng ý hiến đất cho chính quyền để làm đường”, ông Giới kể.

Ông Giới (áo đen, bên trái) đi trên con đường thôn Hiền Đông do chính gia đình ông bỏ tiền xây dựng. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Giới (áo đen, bên trái) đi trên con đường thôn Hiền Đông do chính gia đình ông bỏ tiền xây dựng. Ảnh: Quốc Toản.

Thấy ông Giới tuổi cao nhưng nhiệt huyết với công tác xã hội, nhiều hộ dân sau khi hiến đất cũng xắn tay vào làm cùng. Ngày khởi công tuyến đường, thôn Hiền Đông không khác gì mở hội. Bà con trong thôn chẳng ai bảo ai, tụ tập hàng trăm người, mỗi người làm mỗi việc, cùng tổ thợ khuân vác đá, trộn bê tông, xây tường rào... Để đảm bảo chất lượng công trình, ông Giới cùng con rể trực tiếp chỉ đạo, tham gia giám sát tổ thợ thi công cả ngày lẫn đêm, làm việc quên ngày nghỉ. Sau hàng trăm ngày công, tuyến đường thôn và đường xã có tổng chiều dài hơn 1,5km với tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng cuối cùng cũng hoàn thành trong sự náo nức, vui sướng của người dân trong thôn.

Nói về sự đóng góp của gia đình trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Giới khiêm tốn: “Mình làm đẹp cho quê hương làng xóm, chứ có mất đi đâu mà lo thiệt thòi. Nếu không có người dân, chính quyền địa phương ủng hộ, chắc gia đình tôi không thể thực hiện được mong muốn bấy lâu”. 

Ngoài chuyện bỏ tiền túi làm đường cho các hộ dân, gia đình ông Giới còn hỗ trợ địa phương triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh; hỗ trợ phong trào thể dục thể thao của địa phương lắp đặt đường điện chiếu sáng; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ cơ sở vật chất trường học trong xã... với kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Con đường thảm nhựa được gia đình ông Giới và bà con chung tay làm. Ảnh: Quốc Toản.

Con đường thảm nhựa được gia đình ông Giới và bà con chung tay làm. Ảnh: Quốc Toản.

Đặc biệt, ông Giới đã xây dựng mô hình Dòng họ tự quản về an ninh trật tự, đồng thời kêu gọi con cháu luôn ý thức và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để bà con hàng xóm láng giềng noi theo.

Với những đóng góp cho cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, ông Hòa, ông Giới cùng nhiều cá nhân khác trong tỉnh đã được cấp có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023.

Tính chung trên địa bản tỉnh Thanh Hóa, hơn 10 năm qua, người dân đã tự nguyện hiến 1.200ha đất để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng đường giao thông, khuôn viên nhà văn hóa; người dân đóng góp hàng nghìn ngày công, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các mức độ (nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu) thuộc cấp huyện, xã, thôn, bản trên địa bàn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.