| Hotline: 0983.970.780

Tâm sự của thầy Nguyễn Xuân Khang giữa 'bão' dịch Covid-19

Thứ Tư 19/02/2020 , 14:43 (GMT+7)

“Covid-19 đã làm xáo trộn cuộc sống của mọi người. Việc giữ được nếp sống bình thường là một cách chiến thắng dịch bệnh”, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội, nói.

Phun thuốc khử trùng tại trường Marie Curie. Ảnh: mariecuriehanoischool.com.

Phun thuốc khử trùng tại trường Marie Curie. Ảnh: mariecuriehanoischool.com.

“Lương tháng trước như nào, tháng này lương vẫn vậy”

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều tuần nay các trường học trên cả nước phải đóng cửa, thầy cô không được đi dạy, học sinh không được đi học. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam chưa bao giờ các trường học trên cả nước phải tạm dừng hoạt động ngay giữa năm học nhiều tuần như thế này.

Như năm 2002, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS bùng nổ. Khi ấy điểm nóng dịch bệnh nằm ở khu vực xung quanh Bệnh viện Việt Pháp (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội). Thế nhưng các trường học xung quanh khu vực ấy như THCS Đống Đa, Tiểu học Trung Tự, THPT Kim Liên đều không phải đóng cửa đến 1 ngày. Thế mới thấy được diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 lần này.

Trong tình hình ấy, có không ít ý kiến thắc mắc rằng người giáo viên nghỉ dạy như thế có được hưởng lương hay không. Đó cũng là nỗi băn khoăn của các thầy cô giáo vì chưa có một trường hợp tiền lệ nào như này cả.

Chia sẻ với báo NNVN về vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội, chia sẻ: “Theo tôi việc phòng chống dịch bao gồm nhiều hoạt động trên nhiều phương diện. Bệnh dịch xảy ra làm xáo trộn cuộc sống của mọi người, ta càng giữ được nếp sống bình thường thì càng tốt. Việc giữ ổn định đời sống ấy bao gồm cả yếu tố tiền lương".

“Đối với ngôi trường của tôi, tôi đã quyết định, căn cứ theo kế hoạch phân công công việc, lương y nguyên. Tháng trước lương thế nào, tháng này lương vẫn vậy. Coi như không có sự tồn tại của dịch bệnh này, không có việc giáo viên cũng như học sinh phải nghỉ dạy, nghỉ học".

“Những người đến trường cũng phải làm những công tác vệ sinh, phòng chống dịch, các thầy cô ở nhà cũng phải lo bài vở, dạy học qua mạng cho học sinh. Tất cả điều đó đều là bất thường, là bất đắc dĩ. Điều mà tôi giữ được bình thường cho mọi người chính là tiền lương. Đó là bổn phận của tôi, làm được điều đó tôi thấy hạnh phúc", thầy Nguyễn Xuân Khang bày tỏ.

Nguyện làm 'lão nông' cần mẫn

Theo quan niệm của thầy Khang, đã là một người lãnh đạo thì phải biết chăm lo, vun vén cho đội ngũ của mình. Chăm sóc ở đây nghĩa là mình lo về mặt vật chất và tinh thần cho họ. Mà nhiều khi lo về mặt vật chất cũng có thông điệp về tinh thần trong đó. Đối với thầy, yếu tố tinh thần luôn được đặt lên hàng đầu.

Trong ngôi trường Marie Curie, mục đích cuối cùng mà người hiệu trưởng muốn hướng đến chính là học sinh. Người thầy cần mẫn chăm lo cho đội ngũ nhân viên, giáo viên, để rồi họ lại dành sự quan tâm, chăm sóc cho các em học sinh.

Thầy Khang kể rằng: “Tại Marie Curie, nhiều giáo viên cũng là cựu học sinh của trường. Khi họ quay lại giảng dạy thì tôi chỉ nói với họ 1 câu đơn giản: Trước đây các thầy cô đã dạy dỗ, chăm sóc, dành những tình cảm cho em như nào thì bây giờ em chỉ cần làm được theo như thế là đã thành công. Chỉ cần như thế là thầy toại nguyện rồi".

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội. (Ảnh: mariecuriehanoischool.com).

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội. (Ảnh: mariecuriehanoischool.com).

Trong suy nghĩ của người đàn ông đã đi qua nửa cuộc đời luôn trăn trở hình ảnh một lão nông dân miền Tây hàng ngày cần mẫn cày cuốc, chăm bẵm cho khu vườn của mình.

“Sự chăm chỉ, cần mẫn của ông đã nhiều lần làm tôi ứa nước mắt. Mục đích cuối cùng mà ông muốn hướng đến là một ngày khu vườn sẽ đơm hoa kết quả".

“Đối với tôi, mái trường Marie Curie cũng như khu vườn ấy. Các thầy cô giáo chính là những tán cây và những bông hoa, quả ngọt chính là các em học sinh. Còn tôi, tôi nguyện làm lão nông hàng ngày chăm bẵm cho cây, cho hoa, cho quả. Cũng như lão nông già, điều tôi luôn mong mỏi là khu vườn của tôi được khỏe mạnh, đơm hoa thơm, kết trái ngọt”, vị hiệu trưởng trường Marie Curie bày tỏ.

Trường Marie Curie thành lập từ năm 1992. Năm 2015, trường chuyển trụ sở khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội).Trên website của trường giới thiệu: Nhà trường đào tạo học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 theo chương trình hiện hành của Bộ GD-ĐT. Trường cũng chú trọng đặc biệt về giáo dục nhân cách, bồi dưỡng năng lực trí tuệ, rèn luyện kỹ năng sống và chăm sóc sức khoẻ học sinh.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.