| Hotline: 0983.970.780

Tận dụng phụ phẩm trồng nấm, tạo việc làm cho hàng chục hộ dân

Thứ Bảy 19/02/2022 , 16:34 (GMT+7)

HÀ TĨNH Chịu khó tìm tòi kỹ thuật trồng nấm, Tổ hợp tác Trồng nấm Bình Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã tận dụng nguồn phụ phẩm tại chỗ, tạo việc làm cho hàng chục hộ dân.

Nấm ăn và nấm dược liệu là một trong 14 sản phẩm chủ lực của tỉnh Hà Tĩnh. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã thành công trong việc vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng nấm, một nghề khá nhàn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Điển hình trong số đó Tổ hợp tác (THT) Trồng nấm Bình Hải (thôn Bình Hải, xã Hương Bình, huyện Hương Khê). THT vừa tự sản xuất phôi nấm, vừa trồng nấm mang lại thu nhập cao.

Mô hình trồng nấm của Tổ hợp tác Trồng nấm Bình Hải ở xã Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh). Ảnh: Hoàng Thanh.

Mô hình trồng nấm của Tổ hợp tác Trồng nấm Bình Hải ở xã Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh). Ảnh: Hoàng Thanh.

Mô hình trồng nấm của THT Trồng nấm Bình Hải đã được duy trì và phát triển khá lâu. Cách đây 7 năm, chị Trần Thị Hậu, Tổ trưởng THT Trồng nấm Bình Hải là người đã tiên phong vận động 11 hộ dân trong thôn thành lập THT Trồng nấm Bình Hải. Lúc ấy, trồng nấm đang là nghề hoàn toàn mới đối với người dân xã Hương Bình nên THT gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật cũng như nguồn vốn.

Bằng sự tâm huyết, chị Hậu đã tự mày mò, học hỏi, rồi huy động các thành viên, mỗi hộ góp 3 – 5 triệu đồng xây dựng nhà trồng nấm, mua nguyên liệu và giống. Được sự đồng lòng của các thành viên, nhà trồng nấm được hình thành những hạng mục cơ bản để THT bước vào sản xuất. Tuy nhiên, do kỹ thuật và cơ sở vật chất còn sơ sài nên hiệu quả kinh tế mang lại không đáng kể.

May mắn là sau đó, THT được nhà tài trợ từ một dự án của Vương quốc Bỉ đầu tư xây dựng một nhà trồng nấm cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt trị giá gần 90 triệu đồng nên cơ sở vật chất gần như được hoàn thiện. Hạ tầng được đầu tư, THT Trồng nấm Bình Hải mạnh dạn mở rộng sản xuất. Kết hợp với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu Hà Tĩnh về nguyên, vật liệu trồng nấm nên mô hình trồng nấm của THT Bình Hải đang ngày càng khẳng định chất lượng, uy tín và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Làm bịch nấm. Ảnh: Hoàng Thanh.

Làm bịch nấm. Ảnh: Hoàng Thanh.

Sản phẩm nấm sò, mộc nhĩ và nấm linh chi được người tiêu dùng trên địa bàn huyện Hương Khê tin tưởng lựa chọn. Nấm khi thu hoạch được nhập cho các hộ kinh doanh tại các chợ trong huyện hoặc bán lẻ cho người dân trong vùng. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Với 7.000 bịch nấm sò, 600 bịch nấm mộc nhĩ và 300 phôi nấm linh chi, trung bình mỗi ngày, THT thu hoạch được khoảng 20 đến 30 kg nấm sò, bán với giá 30.000 – 35.000 đồng/kg. Riêng nấm mộc nhĩ và nấm linh chi thì thời gian dài hơn nhưng giá bán cao hơn, trên 100.000 đồng/kg nấm sấy khô.

Không dừng lại đó, với sự năng động và mạnh dạn đầu tư, THT còn tranh thủ nguồn lực đầu tư công nghệ, tự sản xuất phôi nấm giống phục vụ sản xuất và cung ứng cho thị trường. Nguyên liệu dùng làm phôi nấm chủ yếu là rơm, bột cưa. Đến hay, THT còn tận dụng cả bã mía để làm nguyên liệu ủ nấm.

Chị Trần Thị Hậu, Tổ trưởng THT cho biết: THT Trồng nấm Bình Hải là THT đầu tiên được hưởng chính sách để theo nghề trồng nấm ở Hương Khê nên được hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật. Ngoài việc trồng nấm cho hiệu quả kinh tế ổn định, THT đã mạnh dạn đầu tư lò hấp và nhà xưởng để sản xuất nấm giống, tăng thu nhập cho các thành viên. Sản phẩm làm ra của THT được khách hàng tin tưởng và tiêu thụ khá mạnh. Hiện nay, THT đang làm hồ sơ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tạo thêm thương hiệu mạnh cho sản phẩm nấm của THT.

Nghề làm nấm đã mang lại cho THT Trồng nấm Bình Hải thu nhập tốt. Ảnh: Hoàng Thanh.

Nghề làm nấm đã mang lại cho THT Trồng nấm Bình Hải thu nhập tốt. Ảnh: Hoàng Thanh.

Hiện nay, mỗi năm, THT sản xuất khoảng 60.000 bịch nấm, trong đó 30.000 bịch được bán ra thị trường. Mỗi bịch phôi có giá từ 5.000 – 10.000 đồng/bịch (tùy loại nấm). Doanh thu từ việc sản xuất phôi nấm mang về cho THT trên 150 triệu đồng/năm.

Chị Lê Thị Hoa, thành viên THT Trồng nấm Bình Hải chia sẻ: Nghề trồng nấm không quá khó, không chỉ có thêm thu nhập ổn định, bà con còn có thể tận dụng được thời gian rỗi sau khi mùa vụ nông nghiệp kết thúc để nâng cao thu nhập. Hiện hàng tháng, chị có thu nhập thêm 3 – 4 triệu đồng/tháng từ nghề trồng nấm.

Ông Đặng Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết: Mô hình trồng và sản xuất phôi nấm của THT trồng nấm Bình Hải là mô hình tiêu biểu của xã trong việc sản xuất có tổ chức, tính cộng đồng và nâng cao thu nhập. Từ mô hình này, đến nay trên địa bàn xã Hương Bình đã có thêm 2 mô hình trồng nấm hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương, cung cấp sản phẩm nấm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng.

Với sự mạnh dạn, năng động của người tổ trưởng kết hợp cùng sự đoàn kết, siêng năng của các thành viên trong tổ đã xây dựng THT Trồng nấm Bình Hải, thôn Bình Hải, xã Hương Bình là một trong những mô hình điển hình trong công nghệ trồng nấm của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nhân tố điển hình có tác động tích cực đến với người dân trong xã Hương Bình nói chung, huyện Hương Khê nói riêng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tăng thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Ông Trần Đức Hậu, Giám đốc Trung tâm nấm Hà Tĩnh cho hay: Hà Tĩnh có 9 loại nấm ăn và nấm dược liệu được đưa vào sản xuất gồm: Nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm, nấm mỡ, linh chi, nấm đùi gà, kim châm, ngọc châm, đầu khỉ. Trong đó, phổ biến nhất là nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm và nấm linh chi. Nấm mộc nhĩ được sản xuất nhiều nhất với 50,6%, nấm sò 44,8%.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.