| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp - mô hình tiêu biểu

Tận dụng vỏ cà phê để làm trà cascara cao cấp

Thứ Ba 16/11/2021 , 07:42 (GMT+7)

Khác với đại đa số người dân Tây Nguyên ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ, anh Nguyễn Song Vũ đã chế biến thành trà cascara hảo hạng, có giá bán cao.

Những năm gần đây, anh Nguyễn Song Vũ tận dụng vỏ cà phê làm trà cascara có giá trị kinh tế cao. Ảnh: M.H. 

Những năm gần đây, anh Nguyễn Song Vũ tận dụng vỏ cà phê làm trà cascara có giá trị kinh tế cao. Ảnh: M.H. 

Tận dụng vỏ cà phê làm trà

Anh Nguyễn Song Vũ (40 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) được biết đến là một trong những người đi tiên phong trong việc tận dụng vỏ cà phê để chế biến trà cascara hảo hạng.

Anh cho biết, anh sinh ra, lớn lên ở vùng Cầu Đất - Đà Lạt, nơi có truyền thống sản xuất cà phê nổi tiếng ở Lâm Đồng. Cuộc đời gắn bó với nghề sản xuất cà phê nên anh luôn muốn góp sức mình vào cải thiện sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và chế biến để nâng tầm giá trị cho cà phê quê hương.  

Nguyễn Song Vũ chia sẻ, những năm gần đây, giá cà phê liên tục sụt giảm khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc nghiên cứu, làm ra các sản phẩm mới để nâng cao giá trị cho cà phê là rất cần thiết.

Về việc tận dụng vỏ cà phê để làm trà cascara hảo hạng, anh cho hay, trước đây, vỏ cà phê là phụ phẩm và chỉ dùng để ủ phân bón hoặc vứt bỏ như đồ vô giá trị. Năm 2016, trong cuộc gặp gỡ với một kỹ sư nông nghiệp người Nhật Bản, anh được biết vỏ cà phê có thể tận dụng chế biến trà cascara để uống, giúp tinh thần sảng khoái, nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Từ gợi mở của kỹ sư Nhật Bản, anh Nguyễn Song Vũ bắt đầu tò mò, tìm hiểu, nghiên cứu về loại trà kỳ lạ

“Tôi lên mạng tìm hiểu và sau đó biết rằng thứ trà làm bằng vỏ cà phê này thịnh hành ở nhiều quốc gia và đó là thức uống nổi tiếng được thương hiệu cà phê Starbucks ở Mỹ đưa vào kinh doanh”, anh Vũ chia sẻ và cho biết thêm, đến năm 2017, khi có vốn kiến thức về chế biến trà cascara, anh bắt tay vào làm thử nghiệm.

Lúc đó, anh tự xuống vườn, chọn những trái cà phê to nhất, chín mọng, vỏ căng bóng rồi mang về thực hiện các biện pháp bóc tách vỏ và nhân. Nguồn nguyên liệu trong vườn không đủ, anh lại tìm đến các vườn cà phê của người thân, bạn bè, vườn của người dân trong vùng để tuyển chọn, thu mua. Nông dân 40 tuổi cho biết, việc thu mua cà phê phải tuyển lựa kỹ, chỉ lấy những trái chín mọng ở các đốt thứ 3 đến thứ 5 của cành. Do vậy, giá mua cà phê tươi loại này cũng đắt hơn so với cà phê đại trà.

Vùng cà phê Cầu Đất (Đà Lạt) có độ cao 1.600m so với mực nước biển và có khí hậu ôn đới, thổ nhưỡng bazan màu mỡ, phù hợp để phát triển cà phê Arabica. Chính vì lẽ đó, nơi này trở thành một trong những vùng cà phê Arabica nguyên liệu ngon nhất của Việt Nam và thế giới. Hiện nay, vùng Cầu Đất có khoảng 3.000ha cà phê với tổng sản lượng nhân hàng năm khoảng 9.000 tấn.

Để bóc tách vỏ khỏi nhân, anh Vũ rửa sạch quả chín sau đó ủ men rồi xát để lấy nguyên liệu. Vỏ trái cà phê sau đó được chuyển qua công đoạn phơi ráo nước rồi tiếp tục cho vào ủ men. Khi nguyên liệu lên men đến độ chín sẽ được đưa ra phơi dưới ánh nắng mặt trời trong điều kiện nhà kính để hoàn thiện khâu chế biến.

Các quá trình sản xuất trà cascara phải tỉ mỉ, công đoạn ủ men không được thiếu cũng không được thừa, việc phơi nắng phải đảm bảo trong thời gian từ 4 - 5 ngày. “Nếu sơ suất ở khâu lên men, vỏ cà phê sẽ bị thối lụn hoặc quá chua. Quá trình phơi nắng mà gặp mưa cũng bị hỏng và phải đổ bỏ. Do vậy, việc sản xuất trà rất công phu, đòi hỏi người làm phải nắm bắt kỹ thuật mới có thể tạo ra sản phẩm ngon”, anh Nguyễn Song Vũ thổ lộ.

 Hiện nay, anh Nguyễn Song Vũ liên kết với nhiều hộ dân khác để sản xuất cà phê, sản xuất trà cascara. Anh cũng phổ biến kỹ thuật làm trà cascara cho người dân địa phương. Ảnh: Quang Yên.

 Hiện nay, anh Nguyễn Song Vũ liên kết với nhiều hộ dân khác để sản xuất cà phê, sản xuất trà cascara. Anh cũng phổ biến kỹ thuật làm trà cascara cho người dân địa phương. Ảnh: Quang Yên.

Lan tỏa cách làm trà cascara với cộng đồng

Với sự cần cù, tỉ mẩn, việc sản xuất trà cascara của anh Song Vũ đạt kết quả tốt. Riêng mùa vụ cà phê năm 2017, anh đã sản xuất được 100kg trà cascara. Lượng sản phầm này sau đó được anh Nguyễn Song Vũ dùng làm sản phẩm gửi, biếu cho mọi người dùng thử. Anh cũng chuyển sản phẩm đến các chuyên gia để họ dùng thử và đánh giá về chất lượng. Trà được làm từ vỏ cà phê có chọn lọc của vùng cà phê nổi tiếng nên trong năm đó, anh nhận được sự phản hồi, đánh giá tích cực từ người dùng cũng như giới chuyên gia.

Từ những phản hồi tốt từ người dùng, anh Nguyễn Song Vũ có thêm động lực để bắt tay vào sản xuất vụ trà cascara vào năm 2018. Anh cho biết, sau năm đầu thử nghiệm, anh đã nhận được các đơn đặt hàng. Tuy chưa nhiều nhưng đó là nền tảng để anh tập trung phát triển theo quy mô hàng hóa, chuyên nghiệp.

Mùa vụ năm 2018, anh đã cùng vợ con tuyển chọn, sản xuất được nửa tấn trà cascara để bán cho đối tác. Tiếng lành đồn xa, đến năm 2019, anh đã có những mối hàng lớn là doanh nghiệp ở Hà Nội, và một số khách hàng ở các quốc gia khác trên thế giới. Mùa vụ năm 2019 và năm 2020, dù thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng anh Vũ cũng bán được trà cho các đối tác với lượng sản phẩm đều đặn mỗi năm 1 tấn.

Theo anh Vũ, hiện nay, anh bán trà cascara thô cho đối tác với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Sản phẩm này sau đó được đối tác chế biến cùng các loại thảo dược, hương liệu và đóng gói, bán ra thị trường từ 300.000 - 800.000 đồng/kg theo loại.

Trà cascara Cầu Đất do anh Nguyễn Song Vũ sản xuất đã được thị trường đón nhận. Ảnh: M.H.

Trà cascara Cầu Đất do anh Nguyễn Song Vũ sản xuất đã được thị trường đón nhận. Ảnh: M.H.

Hiện nay, để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất trà cascara, anh Nguyễn Song Vũ đã tuyển chọn và liên kết với 12 hộ dân sản xuất cà phê trong vùng với tổng diện tích khoảng 30ha. Việc tận dụng vỏ cà phê làm trà cascara mang lại giá trị kinh tế cao nên hiện nay, anh đã hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ gia đình trong vùng sản xuất để làm giàu.

Trong mùa vụ năm 2021, năng suất cà phê ở các vườn liên kết không cao như những năm trước nên giá nguyên liệu dự kiến cao hơn thường lệ. Hơn nữa, thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc sản xuất và phân phối sản phẩm trà cascara của anh Nguyễn Song Vũ sẽ phải đối diện khó khăn, thử thách.

Anh Vũ chia sẻ, hiện nay, anh tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trà cascara để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Sau đại dịch covid-19, gia đình anh sẽ đầu tư, mở rộng nhà xưởng, các máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất, thực hiện tốt khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Lãnh đạo UBND xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cho biết, trà cascara mà anh Nguyễn Song Vũ làm là một sản phẩm mới, góp phần nâng giá trị của cà phê Arabica Cầu Đất. Đây là mô hình mới hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng. Ông cho biết, địa phương mong muốn UBND tỉnh Lâm Đồng có chương trình xúc tiến, giới thiệu sản phẩm để trà cascara Cầu Đất đến gần hơn với người tiêu dùng, doanh nghiệp, giúp vùng cà phê Cầu Đất phát triển.

Sản phẩm trà cascara cho vào nước sôi pha uống như một loại trà hoa quả. Nước trà cascara có màu vàng hổ phách, khi uống có vị chua nhẹ, ngọt thanh. Trà cascara có công dụng cải thiện tâm trạng và trí nhớ, tăng cường năng lượng cho ngày dài. Loại trà này cũng giúp người dùng cải thiện, giảm các nguy cơ mắc bệnh như tiểu đường, Parkinson và Alzheimer. Loại thức uống này cũng được sử dụng hàng ngày để giảm cân và bảo vệ gan.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.