| Hotline: 0983.970.780

Rừng lim đại thụ của cha con già làng

Thứ Ba 13/08/2024 , 09:08 (GMT+7)

QUẢNG NINH Rừng lim đại thụ tại xã Tân Dân (TP Hạ Long) hiện có khoảng 500-600 gốc lim cổ với tuổi đời từ 30-70 năm.

Tiếp nối sứ mệnh bảo vệ rừng lim

Tìm về xã Tân Dân, đoạn quốc lộ 279 nằm dưới chân đèo Hạ My, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến với khu rừng lim đại thụ của già làng Triệu Tài Cao. Dù giờ đây già Cao đã không còn, thế nhưng sứ mệnh gìn giữ, bảo vệ khu rừng vẫn được những thế hệ sau tiếp nối.

Khu rừng lim đại thụ của gia đình anh Triệu Tiến Lộc có khoảng 500-600 gốc lim lâu năm, từ 30-70 năm tuổi. Ảnh: Thanh Phương.

Khu rừng lim đại thụ của gia đình anh Triệu Tiến Lộc có khoảng 500-600 gốc lim lâu năm, từ 30-70 năm tuổi. Ảnh: Thanh Phương.

Theo bước chân của anh Triệu Tiến Lộc (con trai út của già làng Triệu Tài Cao), khu rừng lim cổ thụ dần hiện ra với những gốc lim gần 70 năm tuổi to hơn một vòng tay người trưởng thành cùng tán lá xanh mướt, ôm trọn một khoảng trời. Đắm mình tại nơi đây, có thể lắng nghe những thanh âm dịu nhẹ của thiên nhiên với tiếng suối róc rách, tiếng chim ríu rít trên cành, mang đến cảm giác vô cùng thư thái.

“Vào khoảng năm 1960, sau khi được giao rừng, bố tôi bắt đầu hành trình trồng lim của mình. Ông quan niệm rằng “rừng là máu thịt, là chỗ nương náu của cả con người và muông thú”, vì lẽ đó mà ông đã dành cả đời mình để gìn giữ gần 32ha rừng, dù cho nhiều người có hỏi mua”, anh Lộc nhớ lại.

Đến nay, trong rừng có khoảng 500-600 gốc lim lâu năm, độ tuổi từ 30, 40 hay thậm chí là 70 năm cùng với hàng trăm gốc lim con, cây gỗ quý mới được trồng. Tiếp nối sứ mệnh của bố mình, anh Lộc hiện đang là người gìn giữ và phát triển rừng lim già.

Anh Triệu Tiến Lộc định kỳ đi kiểm tra, chăm sóc từng gốc lim trong rừng. Ảnh: Thanh Phương.

Anh Triệu Tiến Lộc định kỳ đi kiểm tra, chăm sóc từng gốc lim trong rừng. Ảnh: Thanh Phương.

Vừa ngắm nhìn những gốc lim đại thụ, anh Lộc vừa tâm sự: “Sau khi làm đủ nghề, tôi quyết định quay trở lại để gìn giữ và phát triển rừng lim, tiếp nối sứ mệnh mà bố tôi đã dành cả cuộc đời bảo vệ. Nhiều người bảo sao không phá hết đi để trồng keo mang lại kinh tế cao nhưng tôi cho rằng tiền thì bao nhiêu cũng hết, còn rừng mới chính là giá trị, vốn quý cần bảo vệ, lan tỏa để nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái quý của tự nhiên”.

Cùng với việc gìn giữ những gốc lim cổ, anh Lộc còn tiếp tục trồng thêm những loại cây gỗ lớn khác như táu, đinh, vàng tâm… Để có thêm nguồn thu nhập, “người cận vệ” của rừng già đã mạnh dạn tìm hiểu, đầu tư để trồng cây dược liệu, cây lâm sản, tre, măng… dưới tán cây lim.

Đau đáu nỗi niềm phát triển rừng lim

Sau gần 70 năm, khu rừng lim đã phủ xanh cả quả đồi rộng lớn, tạo nên hệ sinh thái đa dạng với đủ mọi thực vật, trở thành nơi cư trú của nhiều loại động vật. Cũng từ rừng lim đại thụ, nguồn không khí xung quanh ngày càng trở nên trong lành, mang đến cảm giác sảng khoái, thư thái đến lạ thường.

Cùng chúng tôi dạo quanh khu rừng, anh Lộc tâm sự: “Rừng lim của gia đình tôi đã được quy hoạch thành điểm tham quan du lịch, trải nghiệm của địa phương. Những năm qua, dù cũng đã có một lượng khách nhất định đến với rừng nhưng nơi đây chưa có hoạt động, dịch vụ gì để níu chân du khách. Đây là điều tôi rất băn khoăn”.

Những tán cây đã phủ xanh cả quả đồi rộng lớn, tạo nên hệ sinh thái đa dạng. Ảnh: Thanh Phương.

Những tán cây đã phủ xanh cả quả đồi rộng lớn, tạo nên hệ sinh thái đa dạng. Ảnh: Thanh Phương.

Theo anh Lộc, xã Tân Dân được biết là một trong những xã miền núi, vùng sâu vùng xa của TP Hạ Long, dân cư tại đây chủ yếu là người dân tộc Dao Thanh Phán. Trong những năm qua, sắc màu văn hóa của dân tộc Dao Thanh Phán vẫn luôn được những người dân nơi đây gìn giữ, có thể kể đến như duy trì nghề thêu truyền thống, làm thuốc nam…

“Tôi mong rằng cùng với việc giữ gìn rừng lim, tôi sẽ mở rộng thêm được nhiều dịch vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách đến với rừng lim, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng và thiên nhiên. Song hành cùng với đó, tôi sẽ kết hợp cùng chính những người dân tại xã để lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao Thanh Phán đến với du khách trong và ngoài nước”, anh Lộc bày tỏ.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hồ Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: Khu rừng lim của gia đình anh Triệu Tiến Lộc rất đáng quý, không chỉ giúp bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và môi trường mà còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Đến nay, địa phương cũng đã phối hợp, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến để phát triển các mô hình du lịch sinh thái hoặc trồng dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra đầu tư, địa phương rất mong trong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền để phát huy tiềm năng, giá trị của rừng lim.

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp tính đến năm 2030 là 390.000 ha; gồm 47.500 ha rừng và đất rừng đặc dụng, trên 104.000 ha rừng và đất rừng phòng hộ, khoảng 239.000 ha rừng và đất rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, đứng thứ 14/63 tỉnh thành.

Xem thêm
Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất