| Hotline: 0983.970.780

Tàn lụi di tích thương cảng đầu tiên

Thứ Ba 27/07/2010 , 14:00 (GMT+7)

Đã lâu rồi, dân sở tại được nghe về dự án khôi phục bến thuyền cổ đi kèm một kế hoạch du lịch rất hoành tráng. Họ háo hức chờ nhưng chờ mãi, chờ mãi, mà cái kế hoạch đó vẫn chẳng mọc mũi, sủi tăm...

Hoang vắng đường vào thương cảng
Đã lâu rồi, dân sở tại được nghe về dự án khôi phục bến thuyền cổ đi kèm một kế hoạch du lịch rất hoành tráng. Họ háo hức chờ nhưng chờ mãi, chờ mãi, tựa như cô gái ngóng người yêu bên giếng Hệu mà cái kế hoạch đầy mong đợi đó vẫn chẳng mọc mũi, sủi tăm...

>> Vân Đồn ký sự: Cuộc chiến sá sùng

Thương cảng đầu tiên của Đại Việt

Từ điển Bách khoa toàn thư mở ghi: “…Năm 1149, vua Lý Anh Tông của nhà Lý chính thức lập trang Vân Ðồn (Quảng Ninh ngày nay - NV), đồng thời Vân Đồn thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt, trong giao thương với các nước trong khu vực Đông Á và thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt 3 triều đại là: Lý - Trần - Hậu Lê rồi suy thoái và bị lãng quên vào thời nhà Mạc. Di tích thương cảng Vân Đồn lại vừa chứa đựng dấu ấn của nhà Trần về chiến công chống ngoại xâm lại vừa có dấu ấn về giao thương, buôn bán. Trận Vân Đồn năm 1288 trên dòng sông Mang (Quan Lạn) gắn liền với tên tuổi của danh tướng Trần Khánh Dư. Dưới sự chỉ huy của ông, quân dân nhà Trần đã đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của trận Bạch Đằng năm 1288”.

Từ đại dương vào, bến đầu tiên của thương cảng Vân Đồn là Cái Làng nằm sát dưới chân núi Man thuộc đảo Quan Lạn. Đối diện với bến Cái Làng là bến Cống Cái nằm dưới chân núi Vân. Rồi một hệ thống bến Con Quy ven đảo Ngọc Vừng, các bến thuyền nằm giữa hai đảo Cống Đông, Cống Tây… Sử sách còn ghi rõ, hàng hoá trao đổi ở cảng Vân Đồn thời đó gồm các sản vật tự nhiên quý hiếm của nước Nam như hương liệu, ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu…Thời Lý, đồ sứ men ngọc với kỹ thuật chế tác cao, không kém đồ sứ men xanh “Long Tuyền” của Trung Quốc hồi đó. Đồ sứ thời Lý dáng thanh nhã, hoa văn trang trí khéo léo, đẹp mắt, thường là hoa văn đắp nổi cả trong và ngoài mặt thành đồ vật nên rất có giá khi được trao đổi với thuyền nhân nước ngoài. Theo một nhà sử học Nhật Bản từng nghiên cứu về Vân Đồn thì đồ sứ triều Lý được nhiều nước ưa chuộng và xuất hiện tận xứ Đông Ấn. Mặt hàng nổi danh khác của Vân Đồn, nơi hàng ngày những con tàu chở nặng thứ cát thuỷ tinh cao cấp có một không hai của xứ Việt đến những nhà máy sản xuất thuỷ tinh trong và ngoài nước.

Bức tranh cổ vẽ thương cảng Vân Đồn hồi còn sầm uất

Trung tâm bến chính của Vân Đồn là Cái Làng với đầy đủ dạng di tích, bến cổ, mộ táng, đình chùa, đền miếu, nhà ở, kho tàng… Tới tận bây giờ, khi dân đảo khai hoang ở núi Man vẫn thấy lộ ra nhiều dấu vết nền nhà xưa, có chỗ đến 30-40 cái xung quanh xếp bằng những hòn đá tảng, dân địa phương tục gọi là hòn Cồn. Khắp nơi hầu như không mấy gia đình không đào được những chum được tiền cổ, đồ sành, sứ, gốm, vũ khí cổ. Từ ngoài vụng trở vào trên khoảng 500m có một lớp mảnh sành sứ gốm từ mép nước triều cường tràn ra bãi rộng hàng chục mét, có hàng triệu mảnh vỡ. Các nhà khoa học phỏng đoán đây là trung tâm lên hàng và xuống hàng, các mảnh vỡ kia được vứt đi trong những lần khuân vác. Cái Làng còn giữ được một giếng cổ tên gọi giếng Tiên, tục gọi giếng Hệu, chuyên phục vụ cho các lái buôn nội địa và ngoại quốc đến tiếp tế nước ngọt.

Chỉ còn hoang phế

Các đoàn khảo cổ của giáo sư Trần Quốc Vượng, Đỗ Văn Ninh cùng nhiều đoàn khảo cổ nước ngoài đã đến nghiên cứu, khai quật ở đây. Ở 2 điểm khai quật tại trung tâm cảng cổ Cái Làng, một điểm 32m2 ở độ sâu 1m, một điểm 20m2 vào cuối tháng 8/2003. Điểm đầu tiên đã phát lộ kè cảng cổ xếp bằng những hòn đá tảng, bề mặt rộng của kè cảng đo được 0,75m theo hướng Nam - Bắc, có lẽ kè cảng xưa dài tới 500 - 700m. Ở điểm khai quật thứ hai, tại đáy tầng văn hoá sâu 1m phát lộ một hệ thống thoát nước bằng đá, xếp rất khéo léo. TS Phạm Như Hồ nhận định đây là hệ thống thoát nước của một kho chứa hàng cổ. Ngoài những hiện vật đời Lý, Trần, Lê và Nguyễn các nhà khảo cổ còn phát hiện được một số hiện vật thời Bắc thuộc đủ để nói lên bề sâu văn hoá của thương cảng Vân Đồn. Bản đồ An Bang, An Nam quốc trung đồ hay một bức tranh cổ vẽ vào khoảng giữa thế kỷ 15 đã mô tả rất chính xác bến thuyền Cái Làng hồi ấy. Trên bến là dãy núi Man có 3 ngọn, tấp nập thuyền bè, cái đậu, cái kéo buồm, cái chèo tay ngược xuôi nhộn nhịp. Xa xa là hệ thống đồn bốt bố phòng canh trấn xung quanh khá dày đặc… Chính vì những ý nghĩa lớn lao, di tích thương cảng cổ Vân Đồn đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Sau tất cả những vàng son của quá khứ, giờ đây, đến Quan Lạn người ta có thể thấy sức bật mạnh mẽ của xã đảo, nhất là về du lịch. Hằng hà vi - la, biệt thự, khách sạn mọc lên như nấm với du khách đủ màu da, đủ sắc tộc từ khắp nơi trên thế giới kéo về viễn du. Thế nhưng, di tích thương cảng Vân Đồn thì không một tua du lịch nào quan tâm. Người ta đã lãng quên nó từ lâu.

Muốn ra được đó, từ trung tâm xã, tôi lội bộ lúc trời tờ mờ sáng, men theo bãi triều, băng qua cả vài cây số rừng sú vẹt, rồi xắn quần tranh thủ vượt sông Mang lúc còn cạn nước. Sang bờ bên kia của núi Vân, cảnh tượng hoang sơ, không một bóng nhà, một dấu tích con đường, khiến tôi chẳng biết hỏi ai ngoài túm áo một vài người săn ngao, săn ngán trên bãi. Lại một chặng đường cả cây số đi bộ, luồn lách trong những lối mòn giữa ngút ngàn cây dây leo, bụi rậm. Cuối cùng tôi cũng thấy một nóc nhà dân. Bất ngờ trước vị khách không mời đang đứng sững trong sân nhà mình, anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ của ngôi nhà, đang làm trại thả bò, trồng rừng ở đây rất nhiệt tình chỉ dẫn. Gia đình anh sống ở khu phế tích đã mấy đời nên quá hiểu nó. Anh từng rất nhiều lần đào được những chum đựng đồng xu cổ, bát, đĩa, lọ gốm, lọ men đời Lý, đời Trần… và đều tặng cho các đoàn khảo cổ. Lục trong nhà một hồi, anh lôi ra 3 cái vò cổ, có những hoa văn rất lạ cho tôi xem và bảo, giờ chỉ còn có bấy nhiêu. Dẫn tôi đi một lượt những dược đền (nền móng đền), dược nhà ở (nền móng nhà ở), một ngôi miếu bé tẹo, đã bị toác hết cả mái trong đó còn bức tượng Lý Anh Tông cổ rồi anh dừng chân ở giếng Hệu.

Cái giếng này ngoài mạch nước quanh năm trong leo lẻo, cả làng ăn không hết còn chứa bao huyền tích về rùa vàng linh thiêng đến mức người con gái nào tắm nước giếng đều mặt hoa, da phấn, tóc dài đen như gỗ mun, đẹp tựa tiên sa. Về chuyện đôi trai gái yêu nhau thề non, hẹn biển. Chàng trai ra trận để lại người con gái khắc khoải chờ mong nơi quê nhà. Ngày nào nhớ người yêu, cô cũng ra giếng khóc. Khóc đến mức mù loà đôi mắt. Khóc đến độ những giọt nước mắt nhung nhớ hoá thành ngọc ròng ròng chảy xuống giếng. Giếng tiên có câu truyền khẩu rằng:

Khi đi tóc mới ngang vai

Khi về tắm nước tóc dài ngang lưng

Cái giếng cổ, cội đa già, dược đình cũ là một thế chân kiềng văn hoá, tâm linh: cây đa, giếng nước, sân đình của Cái Làng xưa. Tiếc thay tất cả dấu tích giờ chỉ còn thế. Dân Cái Làng đã di dời sang trung tâm xã, chỉ còn mỗi 4 hộ ở lại bám trụ làm trang trại. Cả một thương cảng xưa sầm uất giờ chẳng có nổi một văn bia, một nhà trưng bày hiện vật khắc ghi quá khứ. Đã lâu rồi, dân sở tại được nghe về dự án khôi phục bến thuyền cổ đi kèm một kế hoạch du lịch rất hoành tráng. Họ háo hức chờ nhưng chờ mãi, chờ mãi, tựa như cô gái ngóng người yêu bên giếng Hệu mà cái kế hoạch đầy mong đợi đó vẫn chẳng mọc mũi, sủi tăm.

Khu di tích cấp quốc gia, thương cảng đầu tiên của Đại Việt vẫn chỉ là hoang phế với những con nước triều ngày đêm lên xuống, với những “vị khách” thường xuyên là con cua, con cáy, với ngút ngàn sú bần xanh thẳm tự thủa hồng hoang. (còn nữa)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm