| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường giám sát, khống chế dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Năm 02/07/2020 , 09:00 (GMT+7)

Dù đã nỗ lực phòng chống, nhưng đến nay Nghệ An vẫn còn hai địa phương có ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTL CP) chưa qua 30 ngày.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Tỉ lệ đàn lợn được tiêm phòng các loại vacxin chưa đạt 15%. Trong khi đó, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, lực lượng cán bộ thú y cấp xã không còn hoạt động càng gây khó khăn lớn trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang tái phát.

Tính từ tháng 3/2019 khi ổ DTLCP bùng phát đầu tiên ở Nghệ An đến nay bệnh đã xảy ra ở 21.456 hộ dân thuộc 2.628 xóm của 357 xã tại 21 huyện, thành, thị trong toàn tỉnh. Tổng số lợn đã bị tiêu hủy lên đến 95.724 con chiếm hơn 10% tổng đàn. Từ đầu năm 2020 lại nay, DTLCP đã xảy ra ở 449 hộ dân thuộc 62 xã của 11 huyện, với 1.665 con lợn phải tiêu hủy.

Tại thời điểm này DTLCP tiếp tục tái phát ở 8 xã thuộc huyện Thanh Chương với số lượng lợn bị tiêu hủy 234 con. Toàn huyện đang tập trung lực lượng cán bộ kỹ thuật của huyện cùng với chính quyền các địa phương bao vây dập dịch với phương châm "Xử lý triệt để không bỏ sót".

Tại huyện Yên Thành, DTLCP bùng phát đang được UBND huyện tập trung chỉ đạo bao vây xử lý kịp thời từng ổ dịch.

Theo bà Đào Thị Điểm, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành: Từ đầu năm lại nay DTLCP đã xảy ra ở 8 xã, tiêu hủy 285 con lợn. Hiện còn xã Đồng Thành có lợn bị dịch chưa qua 30 ngày. Các trường hợp tái bùng phát DTLCP chủ yếu là do điều kiện chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh phòng dịch nên mầm bệnh có cơ hội bùng phát trở lại.

Tính đến cuối tháng 6/2020, toàn huyện Yên Thành có trên 94.000 con lợn đang được nuôi trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chiếm trên 85% tổng đàn. Trong đó có 1.763/5.283 hộ bị DTLCP đã tái đàn sau dịch. Nhưng do cơ bản là chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, nguy cơ dịch bùng phát rất cao, nếu không có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Một số địa phương tỏ ra chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Trong khi đó không ít người chăn nuôi thấy lợn bị ốm lại giấu dịch, không khai báo với chính quyền địa phương và tìm cách bán chạy hoặc giết mổ lợn để cứu lấy đồng vốn đã bỏ ra nuôi. Nguy hại hơn một số hộ thấy giá lợn hơi sau DTLCP tăng cao nhanh đã vội vàng tái đàn, tăng đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh...

UBND tỉnh Nghệ An đã giao ngành nông nghiệp khẩn trương, kịp thời cùng các huyện, thành, thị rà soát toàn bộ các phường, xã, hộ dân về tình hình dịch bệnh; triển khai các biện pháp phòng chống DTLCP; hướng dẫn bà con chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại… Tuyên truyền mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong các cuộc họp làng, xóm, xã để mọi người dân hiểu biết đầy đủ. Đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các phường, xã, thị trấn bám sát thôn, bản để giám sát triệt để, phát hiện kịp thời các trường hợp lợn bị bệnh, bán chạy lợn, giết mổ lợn khi bị bệnh, vứt xác lợn chết bừa bãi...

Ông Lò Đức Quỳnh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, những năm trước đây, vào giữa tháng 4 toàn tỉnh đã kết thúc công tác tiêm phòng dịch vụ xuân. Nhưng năm nay do nhiều nguyên nhân, tiến dộ tiêm phòng dịch đến thời điểm này chưa đạt 15%. Do đó dẫn đến sức đề kháng đối với bệnh DTLCP bị ảnh hưởng lớn. Mặt khác do giá lợn hơi, lợn giống tăng quá cao, nên người chăn nuôi có tâm lý giấu dịch, tìm cách bán chạy hoặc giết mổ khi phát hiện lợn đã bị bệnh… làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước tình hinh trên, Sở NN-PTNT Nghệ An giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở cùng cán bộ địa phương khuyến cáo nông dân muốn mở rộng đàn, tái đàn phải mua con giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chuồng trại kín đáo, ngăn chặn được các loài vật có khả năng lan truyền bệnh như chim, chuột… Không đưa nguồn dịch từ ngoài vào qua thức ăn, nước uống…

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.