Cảnh sát biển phát huy hiệu quả thực thi pháp luật
Chiều 22/10 tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị trao đổi thông tin kết quả công tác phối hợp và nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng chống khai thác IUU năm 2024 của Cảnh sát biển Việt Nam, ông Nguyễn Đức Nhã, Phó Trưởng phòng tác chiến, Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, thời gian qua, cảnh sát biển đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, công điện của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng…
Triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU từ tháng 1/2024 đến nay, trong đó tăng cường lực lượng, phương tiện trên các vùng biển trọng điểm, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa Việt Nam - Malaysia - Thái Lan.
Tổ chức thành lập Sở chỉ huy liên hợp (Cảnh sát biển, Hải quân, Bộ đội Biên phòng) duy trì, điều hành nghiêm chế độ trực, phối hợp chặt chẽ với các địa phương xử lý nhanh các tình huống tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hiệp đồng, chính quyền địa phương xác minh, điều ra, xử lý các vụ việc tàu cá vi phạm khai thác IUU…
Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho hay, qua công tác theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả chống khai thác IUU, Cục Kiểm ngư - cơ quan thường trực nhiệm vụ chống khai thác IUU đánh giá rất cao công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU của lực lượng cảnh sát biển với những kết quả đạt được rất quan trọng.
Cụ thể từ đầu năm 2024 đến nay, đã thực hiện 4 đợt/60 lượt tàu tuần tra thường trực phòng chống IUU tại vùng biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia, Thái Lan; đã kiểm tra, xử phạt 483 vụ/569 tàu cá vi phạm với số tiền gần 11 tỷ đồng.
Khởi tố 2 vụ án hình sự về tội môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép (CM911148 TS và vụ ST 92556 TS), chuyển hồ sơ, tang vật cho cơ quan chức năng của Cà Mau và Sóc Trăng để điều tra, xử lý.
Lập biên bản vi phạm, giao cơ quan chức năng Kiên Giang xử phạt 9 vụ/20 tàu/30 đối tượng với số tiền hơn 11,7 tỷ đồng, tước 23 chứng chỉ thuyền trưởng, tịch thu 2 tàu cá liên quan đến thiết bị VMS và khai thác ở vùng biển nước ngoài…
“Những kết quả trên cho thấy, sự lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam thời gian qua trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Mong thời gian tới, lực lượng cảnh sát biển tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa công tác thực thi pháp luật để ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, góp phần sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng của EC", ông Cường nói.
Mong muốn xây dựng Trung tâm chỉ huy, điều hành lực lượng kiểm ngư
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Bộ NN-PTNT về IUU cho biết, cùng với nhiều nhiệm vụ khác mà Bộ NN-PTNT giao, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Cục Kiểm ngư là công tác chống khai thác IUU.
Trong gần 7 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt. EC cũng ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm, tiến bộ của chúng ta trong thực hiện chống khai thác IUU thời gian qua. Tuy nhiên, căn cứ vào 4 nhóm khuyến nghị của EC, phía bạn đánh giá Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được hết các yêu cầu của EC.
Việc gỡ “thẻ vàng” IUU còn nhiều khó khăn do Việt Nam có đội tàu khai thác rất lớn, vùng biển rộng lớn, nhiều cửa sông, cửa lạch ven biển…
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả hơn nữa công tác phối hợp giữa Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Cục Kiểm ngư trong công tác chống khai thác IUU, góp phần sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Cục Kiểm ngư mong muốn Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông tin với Cục Kiểm ngư về tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tình hình tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; kết quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về khai thác thủy sản trên biển.
Hỗ trợ các đơn vị thuộc Cục Kiểm ngư nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt liên quan đến sử dụng vũ khí, vât liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Cục Kiểm ngư mong muốn có những chuyến tuần tra chung, thành lập đoàn trinh sát giữa hai lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), từ đó xử phạt nghiêm nhằm tạo tính răn đe.
Đặc biệt, Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết, hiện nay, Cục Kiểm ngư đang đề xuất nhiệm vụ xây dựng Trung tâm chỉ huy, điều hành lực lượng kiểm ngư chống khai thác IUU để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng, điều phối chống khai thác IUU.
Do vậy, việc trao đổi kinh nghiệm về đầu tư, xây dựng, tổ chức và vận hành tại Trung tâm chỉ huy Cảnh sát biển Việt Nam là rất cần thiết để Cục Kiểm ngư có thể học tập kinh nghiệm, đặt hàng, đưa ra yêu cầu để xây dựng Trung tâm chỉ huy điều hành lực lượng kiểm ngư (hình thức đầu tư, lựa chọn công nghệ để áp dụng, mô hình tổ chức, cách thức vận hành, cách thức phối hợp giữa các lực lượng...).
Thiếu tướng Lê Đình Cường, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về IUU cho hay, công tác thực thi pháp luật trên hiển hiện nay có hai lực lượng chính là cảnh sát biển và kiểm ngư.
Hai lực lượng “có những đồng điệu chung”, vì thế thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Kiểm ngư. Những nội dung chưa có trong Quy chế phối hợp giữa Cục Kiểm ngư và Bộ Tham mưu Cảnh sát biển Việt Nam theo Văn bản số 776/QCPH-CKN-BTMCSB sẽ được bổ sung.
"Từ nay đến cuối năm thời gian không còn dài, nhưng nhiệm vụ còn nhiều, hai lực lượng cần tích cực phối hợp các hoạt động hơn nữa. Trên biển bình yên thì cảnh sát biển cũng bình yên, kiểm ngư cũng bình yên", Thiếu tướng Lê Đình Cường nhấn mạnh.