| Hotline: 0983.970.780

Tạo 'neo pháp chế' để gắn chặt người dân với khu vực biển được giao

Thứ Tư 25/09/2024 , 13:49 (GMT+7)

Đây là đề xuất của PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để nghề nuôi biển phát triển bền vững và bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để khôi phục và phát triển bền vững nghề nuôi biển, cần phải có một phương thức quản lý mới. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để khôi phục và phát triển bền vững nghề nuôi biển, cần phải có một phương thức quản lý mới. Ảnh: Hồng Thắm.

Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nuôi biển, khiến nhiều người rơi vào tình trạng khó khăn. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng mức độ tàn phá của thiên tai lần này vượt xa những gì mà người dân từng đối mặt trước đây.

Sau mất mát, việc tìm các giải pháp để khôi phục nghề nuôi biển là cấp bách. Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực này vẫn đang còn tại nhiều bất cập.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng, từ trước tới nay, việc phát triển nuôi biển xuất phát từ cách kêu gọi bà con ngư dân tiến ra biển. Tuy nhiên, việc kêu gọi này đồng nghĩa với sự tự phát và thiếu tổ chức. Người dân có sức đến đâu, vốn đến đâu, suy nghĩ về công nghệ đến đâu thì làm đến đó.

Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phân tích, để khôi phục và phát triển bền vững nghề nuôi biển, cần phải có một phương thức quản lý mới, thay thế phương thức kêu gọi trước đây để doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân vào công cuộc nuôi biển một cách có tổ chức, có quy định, có chuẩn mực.

Theo lời PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc quản lý cũng như phát triển nghề nuôi biển. Cụ thể, Luật Thủy sản năm 2017 cho phép giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trong thời gian lên đến 30 năm và có thể kéo dài thêm 20 năm nữa. Đây là bước tiến lớn về mặt luật pháp, tạo điều kiện cho người dân có quyền sử dụng lâu dài vùng biển được giao, giống như việc sở hữu đất đai trên bờ.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đã đặt ra những mục tiêu và giải pháp rất cụ thể, nhưng đến nay, đáng tiếc là hơn 3 năm chưa có một giải pháp nào được hiện.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đến thời điểm này cũng chưa có địa phương nào giao được khu vực biển nào cho người dân.

“Tuy nhiên, nói đi rồi vẫn phải nói lại, cần tạo 'neo pháp chế' để gắn chặt người dân với khu vực biển được giao. Khi đó họ sẽ đầu tư một cách bài bản với những công nghệ thích hợp nhằm giảm bớt những khó khăn, thiệt hại”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cần phải có một kịch bản dài hạn và kỹ lưỡng để ứng phó với những rủi ro từ thiên nhiên.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng ví von: "Nghề đánh bắt thủy sản giống như đi nhặt các hạt lúa còn rơi vãi trên đồng. Còn nghề nuôi biển chính là gieo sạ trên những cánh đồng để rồi thu hoạch được lúa. Lâu dài, chúng ta không thể thể chỉ đánh cá, dứt khoát phải phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Vùng biển 1 triệu km² của Việt Nam là một tài nguyên vô cùng quý giá, có thể làm giàu từ đó".

Đồng thời, ông Dũng nhấn mạnh, “canh tác biển là quyết sách không thể đảo ngược được đối với đất nước ta. Nhưng muốn như vậy thì dứt khoát phải có một kịch bản kỹ lưỡng về mọi mặt, về kinh tế, xã hội, môi trường để chúng ta có thể bình tâm mà tiến ra biển, canh tác các vùng biển đấy”.

Muốn làm được điều này, điều đầu tiên là vấn đề luật pháp. Chúng ta có đủ cơ sở về luật pháp để tiến ra canh tác biển, vấn đề nằm ở chỗ thi hành các chính sách đó như thế nào. Đây là ách tắc lớn nhất hiện nay. Cần nhất thể hóa trong cách quản lý để giảm bớt những nỗi lo của doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã.

Cần tạo 'neo pháp chế' để gắn chặt người dân với khu vực biển được giao. Ảnh: Duy Học.

Cần tạo "neo pháp chế" để gắn chặt người dân với khu vực biển được giao. Ảnh: Duy Học.

Thứ hai, là các chính sách về hỗ trợ nuôi biển. Cần dừng bớt việc hô khẩu hiệu, thay vào đó, đưa ra những quy định mà người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đáp ứng nếu họ muốn được giao biển. Khi đáp ứng được những điều kiện này thì cần có đề án để Nhà nước giao biển với thời gian đủ dài.

Thứ ba, không thể thiếu khoa học công nghệ. Đây là yếu tố cốt lõi để chúng ta vượt qua các thách thức như cơn bão Yagi vừa rồi.

Và điều cuối cùng, đó là tinh thần chuyển đổi một cách thực sự từ khai thác biển sang canh tác biển, điều này đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. “Chúng ta nói thì nhiều nhưng làm còn rất ít, đặc biệt ít hơn rất nhiều so với yêu cầu thực tế của người dân”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Xem thêm
Hiện đại hóa tàu khai thác giúp nâng cao hiệu quả kinh tế

Nhờ từng bước hiện đại hóa đại hóa tàu khai thác, hiệu quả kinh tế trong những chuyến vươn khơi bám biển của ngư dân Quảng Trị ngày càng được nâng cao.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

Mong ngư dân vững tâm bám biển, ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Đó là tâm tư của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản gửi đến các tổ chức, cá nhân gặp biến cố từ đợt thiên tai, mưa bão mới đây.

Bình luận mới nhất