Khai thác lợi thế vùng biển, với nhiều bãi bồi, nhiều nông dân vùng ven biển ĐBSCL như: Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh đã khoanh vùng mặt biển để nuôi nghêu.
Riêng tại tỉnh Bến Tre, nghề nuôi nghêu đã hình thành và phát triển lâu đời. Nhìn lại lịch sử phát triển ngành nghêu, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết, trước đây bà con sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo hình thức tự phát.
Về sau, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động bà con liên kết, hình thành các hợp tác xã để việc sản xuất, khai thác và quản lý các sân nghêu bền vững hơn. Tuy nhiên, khâu thu hoạch và mua bán nghêu vẫn còn thông qua đại lý thu gom, do đó giá cả thường bấp bênh, không ổn định.
Nhìn nhận được vấn đề này, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cùng với chính quyền các huyện, xã đang phát triển nghề nuôi nghêu, triển khai kế hoạch xây dựng chuỗi giá trị nghêu, phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu thị trường.
Các HTX được tập huấn, hướng dẫn cách thức để xây dựng vùng nuôi nghêu ổn định và bền vững. Đồng thời, xã viên được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn MSC, tạo ra nghêu sạch cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm 2009, toàn bộ vùng nghêu tỉnh Bến Tre đã nhận được chứng nhận MSC của Hội đồng Quản lý Biển. Đây là ngành ngư nghiệp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đạt được chứng nhận này.
5 năm sau đó (giai đoạn 2015 - 2020), địa phương này tiếp tục nhận được chứng nhận MSC lần thứ 2, và đến năm 2024 được tái chứng nhận lần thứ 3.
Để con nghêu sản xuất ra đảm bảo an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn trong chứng nhận MSC, bà con xã viên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình được đề ra.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX thủy sản Thạnh Lợi ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú bộc bạch, từ khi đạt được chứng nhận MSC, các doanh nghiệp tìm đến thu mua nghêu nhiều hơn, xã viên có đầu ra ổn định.
Nhận thấy được giá trị mà chứng nhận này mang lại, bà con càng ý thức, trách nhiệm hơn trong quá trình sản xuất, phải đảm bảo chất lượng, nhất là việc làm sạch cát trong con nghêu.
Điều này được chứng minh thông qua việc HTX đã trực tiếp bán nghêu vào nhà máy cho các doanh nghiệp, thay vì thông qua đại lý như trước đây.
Con nghêu sau khi được thu hoạch sẽ được đưa vào hệ thống lọc sạch cát tự nhiên, với chỉ tiêu rất cao là 99,9%. Ông Quyết cho biết, nhà máy chỉ cho phép sản phẩm lỗi 0,1%, nếu nghêu còn dính cát từ 0,2% trở lên, giá thu mua sẽ bị trừ từ 1.500 đồng/kg. Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt này, ý thức của bà con xã viên ngày càng được nâng cao, nhờ đó nhiều năm qua, con nghêu Bến Tre rất thuận lợi khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Ngoài ra, khai thác thị trường trong nước, các xã viên HTX thủy sản Thạnh Lợi liên kết lập ra trang trại nghêu sạch. Đồng thời, đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị và thu nhập cho bà con.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, diện tích tiềm năng phát triển nghề nuôi nghêu của tỉnh đạt trên 7.000ha, hiện nay đang khai thác khoảng 4.200ha. Tỉnh đã thành lập được 7 HTX phát triển nghề khai thác nghêu, giải quyết công ăn việc làm cho trên 20.000 xã viên.
Hằng năm, lượng nghêu thu hoạch trên 8.000 tấn, mang về doanh thu trên 200 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế cho các địa phương ven biển trong tỉnh.
Thời gian tới, để tiếp tục duy trì và phát triển ngành nghêu, đặc biệt là hỗ trợ các HTX sản xuất, quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre định hướng, đồng hành cùng xã viên xây dựng chuỗi giá trị gồm: cơ quan quản lý, HTX, doanh nghiệp, nhà khoa học.
Đồng thời, xây dựng mô hình “Ngâm sạch nghêu”, với sự hỗ trợ về kỹ thuật từ các nhà máy. Con nghêu sau khi thu hoạch từ bãi, sân nghêu sẽ được làm sạch, trước khi đưa tới nhà máy, nhờ vậy giá bán sẽ tốt hơn.