| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp khẳng định được vai trò dẫn dắt chuỗi giá trị ngành nghêu

Thứ Hai 23/09/2024 , 20:14 (GMT+7)

Thực tiễn chứng minh, từ thời điểm Bến Tre phát triển chuỗi giá trị ngành nghêu, khi có sự tham gia của doanh nghiệp, lợi nhuận của bà con xã viên ngày càng tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ tại chương trình tọa đàm về chuỗi giá trị nghêu do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ tại chương trình tọa đàm về chuỗi giá trị nghêu do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

Trước đây chuỗi giá trị nghêu ở vùng ĐBSCL chỉ đơn giản là mối liên kết giữa người sản xuất và đơn vị tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay, chuỗi giá trị này cần có thêm nhiều chủ thể như: đơn vị cung cấp đầu vào, người sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhà hoạch định chính sách…

Thực tế, tại tỉnh Bến Tre, chuỗi giá trị nghêu đã hình thành từ năm 2001, với hình thức liên kết ngang và dọc, giữa HTX với doanh nghiệp, tuy nhiên, lại không ổn định và bền vững.

Trải qua hàng chục năm vừa xây dựng, vừa rút kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, khẳng định, doanh nghiệp có vai trò rất lớn, đóng vai trò dẫn dắt ngành hàng.

Điều này được minh chứng thông qua việc doanh nghiệp nắm được các thông tin chính xác về thị trường và kịp thời dự báo sản lượng hàng năm, kích cỡ nghêu… Từ đó, HTX linh hoạt ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để nghêu mau lớn, đạt sản lượng, cung ứng cho doanh nghiệp theo hợp đồng xuất khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng là đầu mối dự báo giá cả, đảm bảo tính ổn định, như thế xã viên sẽ an tâm sản xuất và tin tưởng vào sự điều hành, quản lý của lãnh đạo HTX.

"Từ thời điểm ngành nghêu Bến Tre phát triển theo chuỗi giá trị của tiêu chuẩn MSC đến nay, với sự tham gia của doanh nghiệp, lợi nhuận của bà con xã viên ngày càng tốt hơn. Bà con rất tin tưởng, đồng hành cùng HTX sản xuất và tiêu thụ nghêu", ông Buội nhấn mạnh.

TS Huỳnh Văn Hiền, Trưởng khoa, Khoa Quản lý và Kinh tế Thủy sản, Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) cho biết thêm, để nhận biết rõ tính cần thiết của việc sản xuất theo chuỗi giá trị đối với nghề nuôi nghêu, cần phải xem lại phương thức sản xuất.

Bởi con nghêu đặc biệt nhạy cảm với môi trường, nếu hộ nuôi không có các giải pháp kỹ thuật hiệu quả, dễ gặp rủi ro trong quá trình sản xuất.

Kỹ thuật sản xuất và chế biến là yếu tố quan trọng để con nghêu giữ vững chất lượng, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Kỹ thuật sản xuất và chế biến là yếu tố quan trọng để con nghêu giữ vững chất lượng, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

TS Hiền nhìn nhận, hiện nay, các HTX nuôi nghêu ở tỉnh Bến Tre đã có định hướng, tầm nhìn đối với nghề. Bà con có trách nhiệm hơn trong sản xuất và quản lý, khai thác, buôn bán nghêu. Xu hướng sản xuất hiện nay là “bán cái thị trường cần, chứ không phải bán những gì chúng ta có”, đối với ngành nghêu cũng không ngoại lệ.

Trước đây, TS Hiền từng tham gia một số đề tài nghiên cứu về chuỗi giá trị nghêu ở ĐBSCL, trong đó có tỉnh Bến Tre. Vị chuyên gia khẳng định, vấn đề quan trọng cần được quan tâm trong chuỗi là chất lượng. Sản phẩm phải có kỹ thuật sản xuất và chế biến cao, cụ thể là nghêu không được có cát hoặc trong một lô hàng không được lẫn nghêu chết.

Chứng nhận MSC được xem là lợi thế rất lớn để các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nghêu có cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua việc sản xuất theo 3 nguyên tắc của bộ tiêu chí đánh giá MSC, gồm, bảo tồn nguồn lợi nghêu giống bố mẹ; quy hoạch khai thác hợp lý và bảo vệ tốt nguồn nghêu giống tự nhiên hiện có. Đây cũng là yêu cầu để đảm bảo vùng nghêu được đánh giá và duy trì hằng năm.

Tiềm năng phát triển của ngành nghêu vùng ĐBSCL còn rất dồi dào, cần có giải pháp tổng thể, căn cơ để tạo ra nguồn con giống chất lượng cung cấp cho người dân sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Tiềm năng phát triển của ngành nghêu vùng ĐBSCL còn rất dồi dào, cần có giải pháp tổng thể, căn cơ để tạo ra nguồn con giống chất lượng cung cấp cho người dân sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, giá trị xuất khẩu của ngành nghêu khoảng 80 triệu USD (năm 2023). Đây là sản phẩm nhuyễn thể có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Thị trường chính của con nghêu Việt Nam là Tây Ban Nha và Italy, với 2 sản phẩm chính là nghêu hấp đông lạnh và thịt nghêu. Hiện tại, nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm này ngày càng tăng.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.