| Hotline: 0983.970.780

Tàu cá Việt Nam vẫn vi phạm vùng biển nước ngoài

Thứ Sáu 13/09/2019 , 15:08 (GMT+7)

Theo Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước trong khu vực khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ, xỷ lý vẫn diễn biến phức tạp.

Cố tình vi phạm

Sáng 12/9, Ban chỉ đạo Quốc gia về Chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định (IUU) đã họp với Bộ Quốc phòng để bàn giải pháp ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

15-13-16_iuu-02
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Thiếu tướng Phạm Ngọc Minh chủ trì cuộc họp về IUU.

Thượng tướng Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ: Bộ Quốc phòng đã đưa nhiều tàu Cảnh sát biển túc trực 24/24 tại vùng biển giáp ranh giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan để kiểm soát tàu cá của ngư dân; hỗ trợ, cảnh báo, ngăn chặn các tàu thuyền trong nước xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến rất phức tạp. Có trường hợp chủ tàu cố tình treo cờ nước ngoài, sơn màu giống tàu cá nước ngoài, tắt thiết bị giám sát hành trình để ẩn mình...

Đại tá Lê Thanh Sơn - Phó cục trưởng Cục Tác chiến nhận định: Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thực trạng trên là do nguồn lợi thủy sản ở vùng biển trong nước ngày càng suy giảm. Trong khi đó, ngư trường các nước có nguồn thủy sản dồi dào, giá trị kinh tế cao.

Mặc dù nhận thức được vấn đề này nhưng một số ngư dân vẫn vi phạm. Thậm chí, Đại tá Lê Thanh Sơn cho biết: “Sau khi vụ việc xảy ra, ngư dân còn khai báo thiếu trung thực với cơ quan chức năng nhằm tránh bị xử lý, gây khó khăn cho đấu tranh ngoại giao cũng như đưa các giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng trên”.

15-13-16_iuu-01
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU phát biểu tại cuộc họp về IUU.

Qua báo cáo của Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu có thể nhận thấy công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm, kiểm soát tàu cá của các lực lượng còn nhiều bất cập, nhất là quản lý các phương tiện đánh bắt xa bờ. Nhiều tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, hoặc lắp đặt chỉ mang tính chất đối phó. Nếu không quản lý tàu cá hiệu quả bằng giải pháp công nghệ và xử lý nghiêm khắc thì tình hình tàu cá của ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể gia tăng.
 

Tái phạm nhiều lần

Ông Trần Trâu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, hầu hết các phương tiện đánh bắt và ngư dân của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài là do có đối tượng môi giới, móc nối. Tuy nhiên, hàng chục năm qua chúng ta chưa xử lý được bất cứ đối tượng môi giới nào để răn đe.

Bên cạnh đó, các phương tiện đánh bắt của Bình Định vi phạm chủ yếu là các tàu cá không hoạt động trong tỉnh trong thời gian dài, trên tàu cũng không gắn thiết bị giám sát hành trình. Nhiều tàu đến thời điểm làm thủ tục gia hạn giấy phép hoạt động (1 năm) cũng không trở về, tỉnh kiên quyết rút giấy phép. Trong quá trình tìm kiếm, nếu thấy tàu nào mang biển kiểm soát có chữ “BĐ” mà không có giấy tờ hợp pháp, chúng tôi kiên quyết tháo dỡ.

15-13-16_iuu-03
Thiếu tướng Phạm Ngọc Minh cho biết, các tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Nếu chỉ xử phạt hành chính thì các chủ tàu không sợ. Bởi vậy, đối với các tàu cá xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, Chi cục Thủy sản kiên quyết đình chỉ hoạt động, rút giấy phép hoạt động từ 3 tháng đến 1 năm. Nhiều đối tượng vi phạm đã bắt đầu e dè, vì tàu nằm im thì rất nhanh hỏng”.

Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nêu hai vấn đề đáng lên án liên quan đến các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài . Thứ nhất, đó là hành vi sử dụng biển số giả của tàu nước bạn; sử dụng hệ thống định dạng AIS. Các tàu này xâm nhập sâu vào vùng biển nước láng giềng để khai thác, có trường hợp sử dụng loại hình đánh bắt tận diệt, đánh bắt thủy sản nằm trong sách đỏ, gây nguy cơ suy giảm nguồn lợi vùng biển.

Thứ hai, các tối tượng tái phạm còn nhiều. Riêng năm 2017, qua hai đợt tiếp nhận ngư dân từ phía Indonesia trao trả, rất nhiều người xuất hiện ở cả lần 1 và lần 2.

Do đó, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ các đối tượng tham gia hoạt động khai thác thủy sản ngay từ trên bờ, chứ không phải kiểm soát phần ngọn ở ngoài biển khơi. Ngành công an cần xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm theo quy định tại điều 347 Bộ luật Hình sự về xuất cảnh trái phép (có thể phạt tù giam từ 6 tháng đến 3 năm).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, nhấn mạnh: "Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng và bảo vệ các khu bảo tồn để duy trì, phát triển nguồn lợi thủy sản, đồng thời đánh giá đúng trữ lượng thủy sản để nghiên cứu chính sách cấm biển vào thời điểm phù hợp. Bởi nếu vùng biển của Việt Nam nhiều cá như ngư trường của nước ngoài, thì chẳng dại gì ngư dân phải mạo hiểm xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh cá.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ các phương tiện đánh bắt xa bờ, trước khi tàu rời bến và cập cảng, qua đó truy xuất nguồn gốc xuất xứ của thủy sản. Nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm theo tinh thần thượng tôn pháp luật".

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.