| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên bước vào cao điểm mùa khô, đề nghị thủy điện xả nước

Chủ Nhật 10/03/2024 , 14:44 (GMT+7)

Các tỉnh Tây Nguyên bước vào cao điểm mùa khô, nhiều khu vực sản xuất của người dân bắt đầu thiếu nước cục bộ làm ảnh hưởng đến cây trồng.

Nguồn nước trên các sông suối và một số đập thủy lợi đang giảm nhanh trong khi nhu cầu nước phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tăng cao.

Các hồ, sông suối bắt đầu cạn nước

Huyện Krông Nô được xem là một trong những địa phương thường xuyên thiếu nước phục vụ sản xuất của tỉnh Đắk Nông.

Theo dự báo, mực nước tại các sông, suối, đập dâng trên suối Đắk Sôr của huyện Krông Nô như: đập dâng Thanh Sơn, Đắk Trung, Đắk Thành, Quảng Hà… phụ thuộc vào nguồn nước ngầm và chế độ xả của Nhà máy thủy điện Đắk Sôr 2. Do đó, hiện đập dâng Đắk Trung, Đắk Thành mực nước kiệt, không bảo đảm tưới đợt 3, đợt 4.

Hồ Vụ Bổn, huyện Krông Pắc hiện đã xuống dưới mực nước chết. Ảnh: Quang Yên.

Hồ Vụ Bổn, huyện Krông Pắc hiện đã xuống dưới mực nước chết. Ảnh: Quang Yên.

Còn đối với hệ thống trạm bơm trên địa bàn huyện chủ yếu phụ thuộc vào mực nước trên sông Krông Nô và chế độ xả nước của Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah, Nhà máy Thủy điện Cư Pông Krông.

Ông Đặng Văn Hiếu (ngụ xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô) cho biết, vụ đông xuân gia đình có 2ha đất sản xuất. Trong đó, gia đình trồng 1ha bắp và diện tích còn lại trồng khoai lang.

Theo ông Hiếu, trong những ngày qua, mực nước dưới sông Krông Nô hạ thấp, gây thiếu nước tưới cho cây trồng. Mực nước hạ thấp là do thủy điện chỉ xả nước vào ban đêm. Để có nước vào ruộng gia đình phải thức đến 1 - 2 giờ sáng chạy máy bơm.

“Hiện nay địa phương bước vào thời điểm khô hạn, nếu không có nước cây trồng không thể phát triển, thậm chí chết héo. Do đó, chúng tôi mong chính quyền sớm có giải pháp để người dân có đủ nước tưới trong mùa khô này”, ông Hiếu chia sẻ.

Tương tự, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 3 đến tháng 5, khu vực đầu nguồn sông, suối thuộc các huyện Krông Bông, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp khả năng bị cạn kiệt. Tỉnh Đắk Lắk sẽ xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ ở một số địa phương ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Nhiều khu vực tại Đắk Lắk thiếu nước cục bộ, không thể sản xuất, cánh đồng không có sức sống. Ảnh: Quang Yên.

Nhiều khu vực tại Đắk Lắk thiếu nước cục bộ, không thể sản xuất, cánh đồng không có sức sống. Ảnh: Quang Yên.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV QLCTTL Đắk Lắk, hiện nay công trình hồ chứa nước Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) mực nước đang ở dưới mực nước chết.

Để có nước phục vụ tưới tiêu, công ty đang triển khai phương án chống hạn như: Lắp đặt trạm bơm điện, nạo vét kênh dẫn vào bể hút và nạo vét kênh dẫn cửa vào cống Nam; đắp đê quây để đặt máy bơm; bơm tát từ dung tích chết của hồ bằng một máy bơm dầu 24CV.

Theo lãnh đạo UBND xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), công trình hồ chứa nước Vụ Bổn khô hạn làm ảnh hưởng đến hơn 200ha cây trồng của địa phương. “UBND xã đã đề nghị các đơn vị có phương án nạo vét kênh mương để đảm bảo nước tưới cho diện tích cây trồng trên địa bàn”, lãnh đạo UBND xã Vụ Bổn thông tin.

Kiến nghị thủy điện xả nước

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương có diện tích canh tác lớn, hiện nay một số khu vực cây trồng trên địa bàn huyện đã xảy ra hạn.

Theo ông Lộc, năm nay, tình hình khô hạn được dự báo diễn ra khốc liệt. Để đảm bảo nước tưới cho người dân, UBND huyện Krông Nô thường xuyên làm việc với các đơn vị quản lý các hồ, đập, công trình thủy điện trên lưu vực các sông suối lớn để điều tiết nước cho các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, việc điều tiết nước từ các hồ thủy điện trên sông Krông Nô là quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng chục nghìn ha cây trồng tại 7 xã ven sông của huyện.

“Hiện nay vào ban ngày ngành điện ưu tiên cho điện mặt trời lên lưới, hạn chế thủy điện, lượng nước xả về hạ du thấp. Trong khi nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, do đó huyện đề xuất các thủy điện vẫn phải xả nước về hạ du kể cả thời điểm không phát điện.

Tuy nhiên, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết giờ cao điểm khi điện mặt trời lên lưới thì hầu như A0 sẽ không huy động các tổ máy thủy điện. Do đó, công ty chỉ xả nước từ 15h chiều đến 9h sáng hôm sau. Để đủ nước tưới cho cây trồng, địa phương đã vận động người dân bơm nước vào ban đêm khi thủy điện xả nước”, ông Lộc cho hay.

Người dân dọc sông Krông Nô nạo vét mương để lấy nước phục vụ sản xuất. Ảnh: Quang Yên.

Người dân dọc sông Krông Nô nạo vét mương để lấy nước phục vụ sản xuất. Ảnh: Quang Yên.

Còn tại Đắk Lắk, trong năm 2023, địa phương triển khai 65 dự án thủy lợi, tổng mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 858 công trình thủy lợi, gồm 619 hồ chứa nước, 161 đập dâng và 78 trạm bơm; nâng tỷ lệ đảm bảo tưới cho cây trồng dùng nước trên địa bàn đạt 83,88%.

Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước do tác động của hiện tượng El Nino, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô 2023 - 2024, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện rà soát kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô.

Theo đó, các địa phương cần bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.

Sở cũng đề nghị Công ty TNHH MTV QLCTTL tỉnh Đắk Lắk, UBND cấp huyện tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất; điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ nước cho cả mùa khô...

Một số khu vực tại Đắk Lắk khô hạn, không còn nước sản xuất. Ảnh: Quang Yên.

Một số khu vực tại Đắk Lắk khô hạn, không còn nước sản xuất. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đang quản lý 3 nhà máy thủy điện bậc thang trên sông Krông Nô, chảy qua hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Trong đó có hồ thủy điện Buôn Tua Srah là hồ chứa lớn nhất trên lưu vực sông, đảm nhận vai trò điều tiết nước cho hạ du, ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của hai tỉnh.

Theo lãnh đạo Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, năm nay hiện tượng El Nino rất rõ, lượng mưa và lưu lượng nước về hồ rất thấp so với những năm trước.

Cụ thể dù cuối năm 2023 hồ Buôn Tua Srah có dung tích 522 triệu m3 cơ bản tích đầy nước, nhưng để cung cấp nước trong suốt 7 tháng mùa khô thì đỏi hỏi phải điều tiết hợp lý.

Do đó, Công ty đã làm việc với các huyện thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để nắm thông tin về nhu cầu sử dụng nước của địa phương, lên kế hoạch điều tiết nước trên cơ sở tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thời điểm này, bước vào cao điểm mùa khô, lượng nước về hồ Buôn Tua Srah khoảng 20m3/s, ngày thấp chỉ 16m3/s, nhưng hồ đang xả với lượng bình quân hơn 60m3/s. Thời gian xả nước từ 15h chiều hôm trước đến 7h sáng hôm sau để người dân có nước phụ vụ sản xuất và theo đề nghị của các địa phương.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, công tác phổ biến, tuyên truyền và triển khai tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được chú trọng. Sở cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá khối lượng nước hữu dụng của toàn bộ hệ thống hồ, đập để có kế hoạch đóng, mở nước phù hợp, có kế hoạch luân phiên điều tiết nước hợp lý nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.