| Hotline: 0983.970.780

Cái nghèo bủa vây ở vùng cao Phiêng Đén

Thứ Sáu 17/12/2021 , 14:56 (GMT+7)

Bản vùng cao Phiêng Đén chưa có đường, chưa có điện, thiếu nước sản xuất, thậm chí nhiều hộ dân còn thiếu ăn. Bài toán thoát nghèo là câu chuyện lớn ở nơi này.

100% là hộ nghèo

Phiêng Đén là bản vùng cao của xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) ,có hơn 40 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Mông và dân tộc Dao và đặc biệt tất cả đều là hộ nghèo.

Phiêng Đén không chỉ là thôn khó khăn nhất của huyện Chợ Đồn, mà còn là thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Kạn. Bản vùng cao này thường xuyên thiếu nước sản xuất nên đất canh tác chỉ làm được một vụ, lương thực chủ yếu phục vụ để ăn và một phần bán để mua nhu yếu phẩm khác. Tập quán canh tác cũ nên dù chịu khó làm việc nhưng năng suất vẫn không cao.

Gia đình anh Hoàng Văn Sông là một trong những hộ đồng bào Mông đầu tiên chuyển từ Hà Giang về Phiêng Đén sinh sống. Gia đình anh Sông vốn đông con, lại thiếu đất canh tác nên đến những tháng giáp hạt là nhà cũng cơ bản là gần cạn thóc gạo để ăn. Tuy không đói nhưng cũng phải tính toán, tiết kiệm dành dụm thì mới đủ đến vụ mới.

Anh Sông giải thích vì sao cái nghèo cứ đeo bám gia đình và bà con dân bản: Trên này rất khó khăn, chẳng có đường đi, cũng chưa có đường điện đến bản, đời sống nhà nào cũng khó khăn. Rất mong được nhà nước đầu tư có đường để đi lại cho dễ, bán con gà, bán ngô cũng dễ.

Một hộ dân ở Phiêng Đén chăn nuôi bò. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một hộ dân ở Phiêng Đén chăn nuôi bò. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thôn Phiêng Đén đèo cao hun hút lên tận... đỉnh trời. Đường không, điện nhiều hộ cũng không có dùng, chừng như đồng bào nơi đây đã quá quen với cái nghèo, cứ lặng lẽ, lay lắt mà sống như vậy bao năm nay. Trong những năm qua, từ nguồn vốn của chương trình 135 và các nguồn vốn hỗ trợ nông thôn mới, người dân thôn Phiêng Đén cũng đã được tiếp cận nguốn vốn, con giống phát triển sản xuất. Từ đó người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn, biết đầu tư trồng cây, chăn nuôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nhà anh Giàng Mí Lừ là một trong những hộ năng động để làm kinh tế ở Phiêng Đén. Gia đình anh Lừ có tới 4 thế hệ cùng chung sống với 17 nhân khẩu, mặc dù thuộc diện chưa thoát nghèo nhưng do biết tính toán cho nên cũng không lo thiếu đói. Năm 2017 được nhà nước hỗ trợ lợn để chăn nuôi, anh chủ động nuôi lợn sinh sản. Đến nay tổng đàn lợn của gia đình đã có hơn 20 con.

Anh Giàng Mý Lừ chia sẻ: Trên này không có đất canh tác thì mình cố gắng chăn nuôi thôi, đến lúc bán đi cũng có tiền để mua các thứ.

Anh Giàng Mý Lừ: Tuy chưa thoát nghèo, nhưng nhờ những chính sách hỗ trợ nông thôn mới, gia đình cũng đã giảm bớt khó khăn và không lo thiếu đói. Ảnh: Toán Nguyễn.

Anh Giàng Mý Lừ: Tuy chưa thoát nghèo, nhưng nhờ những chính sách hỗ trợ nông thôn mới, gia đình cũng đã giảm bớt khó khăn và không lo thiếu đói. Ảnh: Toán Nguyễn.

Huy động nguồn lực giảm bớt khó khăn

Anh Trần Quang Huy, một cán bộ từng công tác 10 năm tại Phiêng Đén cho biết: Đến các thôn bản khó khăn của xã Tân Lập nói chung và bản Phiêng Đén nói riêng, chúng tôi không cầm lòng nổi, cuộc sống bà con nơi đây vất vả lắm. Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi ủng hộ, và cũng đã chung tay xây dựng được một số lớp học, công trình điện thắp sáng ở Phiêng Đén và một số thôn. Tuy nhiên đường sá kiên cố không có, việc mang vật liệu lên bản hết sức vất vả, người dân trong bản phải hò nhau kéo xe ô tô chở vật liệu vượt dốc đèo. Mong sao sẽ có thêm những Mạnh Thường Quân, những tấm lòng hảo tâm hướng đến bà con còn khó khăn nơi đây.

“Tôi nhớ nhất là lần xây lớp học ở Phiêng Đén, nhiều khi phải lấy xe máy chở từng viên gạch. Khi làm phải hứng từng giọt nước, thợ xây phải đợi nước để trộn vữa, vì nước ở đây rất khó khăn. Được cái bà con rất nhiệt tình hỗ trợ thêm chứ không cũng trầy trật lắm”, anh Trần Quang Huy cho biết.

Ông Lành Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã Tân Lập nhấn mạnh: Phiêng Đén là thôn khó khăn nhất ở địa phương, chính quyền đã cố gắng đầu tư các nguồn lực để hỗ trợ. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới cho bản Phiêng Đén chưa thể một sớm một chiều được, do nguồn lực của xã hạn chế, nội lực ở bản thì dân nghèo nên không thể đóng góp được. Trong khi đó việc đầu tư hạ tầng như đường giao thông cần nhiều tỷ đồng. Xã đã kiến nghị lên cấp trên, nhưng nguồn ngân sách của huyện và của tỉnh hiện chưa bố trí được.

Để cuộc sống người dân Phiêng Đén bớt khó khăn thiếu thốn, đồng bào và chính quyền địa phương mong muốn được Nhà nước đầu tư mở rộng con đường lên thôn để dễ đi lại, mua bán nông sản; đầu tư kéo điện lưới quốc gia về bản để người dân xem ti vi, tiếp cận với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và học tập cách phát triển kinh tế, xây dựng dựng cuộc sống văn hóa mới.

Chủ tịch UBND xã Tân Lập nói bản vùng cao Phiêng Đén còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Tấm.

Chủ tịch UBND xã Tân Lập nói bản vùng cao Phiêng Đén còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Tấm.

"Gieo chữ" ở lưng chừng núi

Bản vùng cao Phiêng Đén cách trung tâm xã Tân Lập chỉ khoảng 7km, tuy nhiên để đến với bản phải mất hàng giờ đồng hồ. Toàn bộ 40 hộ dân sinh sống rải rác ở các sườn núi cao, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn, nhiều em đến tuổi đi học nhưng điều kiện để đến trường được học với bạn bè cùng trang lứa là việc không dễ.

Đường sá đi lại ở Phiêng Đén khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, bất đồng ngôn ngữ với học sinh… là những khó khăn mà giáo viên dạy học ở phân trường vùng cao gặp phải. Nhưng hơn ai hết, họ có tinh thần "thép", vượt khó, khắc phục hoàn cảnh để dạy học cho các em đồng bào dân tộc thiểu số. Với họ, chỉ có lòng đam mê nghề nghiệp, yêu trẻ thì mới có thể bám trường, bám dân để gieo ước mơ cho học sinh.

Năm 2017, cô giáo Lường Thị Thùy được phân công dạy học tại Điểm trường Phiêng Đén, Trường Mầm non Tân Lập. Để con em đồng bào Mông, Dao ra lớp, hàng ngày cô giáo trẻ đến từng gia đình vận động. Cũng nhờ sự tâm huyết của mình, đến nay 100% con em trong bản đi học đầy đủ.

Cô giáo Lường Thị Thùy nói: Khi đến bản thì đầu tiên mình phải học tiếng của bà con trước, mình phải học dần từng câu để có thể giao tiếp được. Sau đó phải đến từng nhà để động viên các em tới lớp, dạy các em nói tiếng Kinh (tiếng phổ thông) rồi mới dạy kiến thức.

100% học sinh Phiêng Đén được đến trường. Ảnh: Toán Nguyễn.

100% học sinh Phiêng Đén được đến trường. Ảnh: Toán Nguyễn.

Phân trường mầm non Phiêng Đén có hơn 20 học sinh học trong căn nhà cấp 4 khoảng 60m2. Mặc dù nhỏ hẹp và thiếu thốn trăm bề nhưng phân trường được cô giáo bố trí hợp lý, tận dụng các góc nhỏ để dạy học. Bản vùng cao nghèo khó cách xa chợ, vì thế các cô giáo thay phiên nhau tích trữ thực phẩm, lương khô. Sau những giờ học trên lớp, các cô lại trở thành những bà nội trợ trong gian bếp tạm bợ, chuẩn bị bữa cơm, dọn dẹp giường chiếu cho các em học sinh nghỉ ngơi.  

Cô giáo Nông Thị Dân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Lập chia sẻ: Là điểm trường rất khó khăn, nhưng cô giáo phụ trách không quản ngại để vận động học sinh đến lớp. Kết quả 100% trẻ em 6 tuổi đã được đến trường nhớ có sự tận tâm, tận lực của các giáo viên cắm chốt ở phân trường Phiêng Đén. Chúng tôi tin tưởng rằng, khi cái chữ đã về với bản thì cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương mở ra những con đường mới, tràn đầy hy vọng ở phía trước. Bởi chỉ có kiến thức văn hóa mới giúp được bà con Phiêng Đén thay đổi được cuộc sống, được tương lai.

Câu chuyện thoát nghèo của người dân Phiêng Đén quả thật còn gian nan. Nhưng nếu sớm được quan tâm đầu tư, có đường đi lại thuận tiện, có điện lưới quốc gia…, tin tưởng rằng, cùng với tinh thần đoàn kết vượt khó của nhân dân, chắc chắn cuộc sống của người dân nơi đây sẽ sớm được thay đổi.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.