Tết Chol Chnam Thmay có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa và tinh thần của hơn 1,3 triệu người Khmer khu vực Nam bộ. Tết Chol Chnam Thmay được tổ chức vào đầu tháng Pôsăk, còn gọi là tháng Chét theo Phật lịch Tiểu thừa. Dù vào tháng nào theo lịch Khmer, Tết Chol Chnam Thmay cũng rơi vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 dương lịch.
Đây là thời điểm khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân Khmer trong giai đoạn nông nhàn nên tha hồ vui Tết. Ăn tết xong là chuẩn bị đón mùa mưa, gieo sạ lúa.
Cũng như tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer Nam bộ được tổ chức với nhiều tập quán riêng biệt. Vì người Khmer là một cộng đồng theo Phật giáo Tiểu thừa nên mọi sinh hoạt Tết Chol Chnam Thmay đều diễn ra tại chùa.
Chùa Khmer được xây cất trong khuôn viên rộng lớn, u trầm dưới bóng mát những hàng sao, hàng dầu cổ thụ được trồng ngay hàng thẳng lối. Chùa Khmer là chỗ dựa tinh thần, là nơi tín ngưỡng tôn nghiêm nhất dành cho cả cộng đồng.
Tết Chol Chnam Thmay còn gọi là tết “chịu tuổi”, diễn ra trong ba ngày với những nghi lễ khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là Sang-kran có nghĩa là “bước đi”. Ngày thứ hai gọi là Won-bot có nghĩa là “thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lon-sătk có nghĩa là “tăng lên”.
Mấy ngày tết, mọi người chủ yếu vào các chùa để cúng vái các thần linh như thần Vitnu, Siva, Hanuman… Gia đình nào cũng vậy, dù rất nghèo cũng có nồi bánh nùm-chrụt (gần giống bánh tét), và bánh nùm-tiên (gần giống bánh ít).
Hai loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer. Ngoài ra còn có các loại bánh như nùm-chét (bánh dừa nhân chuối) hoặc sùm-bóc-cháp (bánh bột nhân dừa)
Đêm giao thừa mọi nhà đều thắp đèn sáng, cúng bánh, trái cây, hương hoa trên bàn thờ tổ tiên, để tiễn thần Tê-vô-đa cũ về nhà trời, và rước thần Tê-vô-đa mới xuống ăn tết, cai quản đất đai, thổ trạch trong một năm.
Người Khmer tin rằng thần Tê-vô-đa được nhà Trời sai xuống để cai quản dương thế trong một năm. Hết năm cũ nhà trời lại sai vị thần Tê-vô-đa khác xuống thay thế.
Sáng ngày tết thứ nhất Sang-kran, mọi người tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp, đem theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa để lễ, tụng kinh, niệm Phật, làm lễ rước đại lịch (Ma-ha-sang-kran).
Tại đây có vị gọi là Acha điều khiển mọi người đứng xếp hàng rồi đi vòng quanh chánh điện ba lần để làm lễ chào mừng năm mới.
Sau đó tổ chức rước “thần bốn mặt”. Theo truyền thuyết thì đó là thần Tho-ma-bat. Ka-bun, Ma-ha và Prun. Đến đêm những người lớn tuổi tụ tập trong nhà nghe sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ ra sân chùa múa hát, vui chơi.
Ngày tết thứ hai Won-bót, mọi người làm lễ dâng cơm cho các sư sãi ở chùa, còn gọi là Wên-chô-han. Tới chiều thì đắp những núi cát (còn gọi Puôn-fun-khsach) tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ, trời đất ở chín hướng. Núi thứ chín nằm ở chính giữa gọi là Mê-ru, biểu tượng trung tâm của trái đất. Cuối buổi chiều họ làm lễ quy y cho núi.
Ngày tết thứ ba gọi Lon-sătk mọi người tiếp tục dâng cơm, ban phát quần áo cho các sư sãi, rồi tắm cho các tượng Phật để cầu hên. Sau đó họ về nhà tắm cho những người lớn tuổi để tẩy trần những điều phiền muộn của năm cũ. Tới chiều họ làm lễ cầu siêu (còn gọi là lễ Băng-skot) cho những vong hồn được siêu thoát tới miền cực lạc. Sau cùng mọi người về nhà lạy ông bà, cha mẹ trước bàn thờ, rồi tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ tấm lòng hiếu thảo của con cháu.
Trong ba ngày Tết, nam nữ thanh niên Khmer vui chơi ca hát thoả thích các điệu dù-kê, rô-băm, múa lăm-thôn… tại sân chùa. Đây cũng là dịp để họ tìm hiểu nhau, hò hẹn và phô bày tình cảm, và nhiều đôi đã nên vợ nên chồng.
Vui nhất là hát “dù-kê” (còn gọi là hát lò-khôn). Hai bên nam nữ hát đối đáp (còn gọi xác-cô-va) kết hợp ném Chơ-hung. Đó là những chiếc khăn màu sắc sặc sỡ kết tròn lại như hình trái bóng rồi nam nữ ném đi, ném lại cho nhau cùng bắt như người Thái ở Tây Bắc ném “còn”.
Phần thưởng thường thuộc về phái nữ. Bởi họ tin rằng nữ gắn liền với mặt trăng, với nước, là biểu tượng cho mùa màng năm mới tốt tươi. Trong lễ hội này còn có nhiều nam nữ thanh niên người Kinh, người Hoa, người Chăm cùng vui chơi.