Ứng trực 24/24h, thông Tết
Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường (Lai Châu) chỉ có 16 người nhưng quản lý tới gần 33 nghìn hécta rừng. Từ Thèn Sin, rừng bao phủ, rồi chạy dọc theo quốc lộ 4D tới 80km, đến đỉnh đèo Ô Quý Hồ giáp địa phận thị xã Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Khu vực này là vùng đệm quan trọng của Vườn quốc gia Hoàng Liên, chủ yếu là rừng phòng hộ.
Đặc biệt, khu vực rừng xã Bản Bo và xã Sơn Bình núi cao hiểm trở, công tác tuần tra rất gian nan. Khí hậu điển hình ở đây là ngày nóng, đêm lạnh, ít chịu ảnh hưởng của bão nhưng mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Rét hại, sương muối làm lớp thảm thực bì bị chết hàng loạt, tích tụ thành vật liệu cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường Nguyễn Tiến Tài cho biết, thời điểm này là mùa khô hanh, anh em thường xuyên ứng trực. Trong khi đó, 80% anh em kiểm lâm đều là người dưới xuôi lên như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa... Ai cũng mong Tết được đoàn tụ gia đình. Thế nhưng, hằng năm, ít nhất 50% lực lượng sẽ phải ứng trực 24/24h, thông Tết. Số anh em còn lại bố trí luân phiên về thăm quê. Trường hợp nhà có công việc đột xuất, anh em khác sẵn sàng đứng ra nhận trực thay…
Đầu năm có nhiều lễ hội song một số bà con người Mông lại ăn Tết sớm. Tết bà con vẫn lên nương, làm rẫy. Số bà con người Dao khác thì giữ phong tục mùng 1 Tết phải đốt ít lửa để cầu may, cho năm mới mùa màng bội thu.
"Bà con dùng lửa để xử lý thực bì rồi trồng ngô, sắn... Mặc dù đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con nhân dân không được bất cẩn, chủ quan trong việc đốt nương phải đăng ký ngày giờ song vẫn có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra. Do đó, cán bộ kiểm lâm vẫn phải ứng trực và có mặt kịp thời xử lý những vụ việc xâm hại rừng nếu có", Hạt trưởng Nguyễn Tiến Tài nói.
Cũng theo kinh nghiệm qua những vụ việc xảy ra, dịp Tết việc huy động người rất khó nên phải canh giác cao độ. "Có những đốm lửa xuất hiện trong đêm, có thể quan sát được từ xa những vệt lửa, nhưng không thể xác định vị trí vì xung quanh đều tối om. Khi đó cán bộ kiểm lâm phải đến tận nơi dập lửa. Có khi chỉ do bà con đốt nương chiều còn xót lại, chưa ảnh hưởng đến rừng", theo Hạt trưởng Nguyễn Tiến Tài chia sẻ.
Có yêu rừng mới gắn bó lâu dài
Tết đã đến rất gần nhưng theo như lời Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lai Châu Nguyễn Văn Biển, "cán bộ kiểm lâm làm gì có thưởng Tết". Thế nên khi nhắc đến ở nhà đã sắm đào, quất hay chưa, ai nấy ở Hạt đều cười thẹn thùng. Song không vì thế mà thiếu đi tình yêu với rừng và lòng nhiệt huyết trong mỗi kiểm lâm ở đây.
Kiểm lâm viên Quách Văn Dao quê ở Thanh Hóa, sau khi học xong thì lên Lai Châu lập nghiệp, lấy vợ. Gia đình bé nhỏ nhưng cũng đủ thứ phải chi trong khuôn khổ đồng lương của kiểm lâm và giáo viên vùng cao.
Quách Văn Dao kể, ở tôi nhà gần rừng Cúc Phương. Sau khi tìm hiểu thông tin và đi học rồi thấy yêu ngành nghề mình theo, mới đó đã 15 năm. Cách đây hơn 2 năm, người thân cho vay tiền, gia đình mới mua được mảnh đất để dựng căn nhà, không phải ở tập thể, ở trọ nữa. Cả 2 vợ chồng công chức khéo ăn thì no khéo co thì ấm, chi tiêu trong khả năng. Thiếu thì vẫn thiếu nhưng chế độ thế nào thì được hưởng như vậy. Nợ thì gom góp trả dần, dù không có thưởng nhưng cả năm đi làm cũng phải cân đối để Tết bên nội, bên ngoại.
Tạm quên cơm áo, gạo tiền, Quách Văn Dao phấn chấn khoe năm ngoái trực rồi nên năm nay được về thăm quê dịp Tết đúng dịp mừng thọ cho mẹ. Cũng biết đồng lương kiểm lâm không cao nhưng không kiểm lâm nào tính chuyển nghề vì đây là tâm huyết của họ trước khi quyết định đặt chân lên Lai Châu. Ngoài chuyện thu nhập thì phải ở lĩnh vực đó mới hiểu, mới biết được, có yêu thì mới gắn bó được lâu dài với rừng…
Cắt ngang câu chuyện, Hạt trưởng Nguyễn Tiến Tài tập trung mọi người họp nhanh để triển khai những nội dung trọng tâm trong đợt cao điểm. Xong xuôi, mấy anh em kiểm lâm viên cùng xắn tay vào bếp, băm vội cây bắp cải chuẩn bị bữa cơm ăn ngay tại đơn vị cho chuyến tuần rừng cuối năm trong cái lạnh thấu xương. Trong khi những ngày này khắp nơi đều chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Không chắc đợt tuần rừng này sẽ về kịp để chuẩn bị cho ngày 30 Tết.
Gác chuyện riêng để giữ rừng
Hiện nay, nhu cầu sử dụng lâm sản của người dân trên địa bàn từ gỗ làm nhà, củi đun, lâm sản gia dụng... tạo sức ép rất lớn tới tài nguyên rừng. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng người dân trong huyện, các huyện lân cận tự ý vào rừng chặt cây lấy củi, lâm sản phụ, phát rừng làm nương...
Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sương muối, hạn hán làm cho năng suất của thảo quả và các cây nông lâm nghiệp khác của người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống của họ. Từ đó dẫn đến tình trạng một bộ phận người dân phụ thuộc vào nguồn tài nguyên rừng.
Hạt trưởng Nguyễn Tiến Tài cho biết, là vùng đệm, không có nhiều loài thực vật quý hiếm, giá trị như đỗ quyên, vân sam… nhưng trước đây có hiện tượng người dân khai thác trộm gỗ pơ mũ, đào thông tre bán đi Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây không còn tình trạng này do người dân đã nâng cao nhận thức được qua công tác tuyên tuyền…
Thời điểm này, các phương án bảo vệ, phòng chống cháy rừng đã được lên kịch bản, ứng phó với mọi tình huống. Hạt trưởng Nguyễn Tiến Tài cho biết, ở các cửa rừng, đầu các đường mòn, đầu các khe suối đặc biệt tại 2 xã trọng điểm Sơn Bình, Bản Bo đã được bố trí lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; các bản canh trực tại các chốt gác, chòi canh trong thời gian cao điểm về phòng cháy chữa cháy rừng; nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng; duy tu, bảo dưỡng 39,89ha đường băng cản lửa, các công trình phòng chống cháy rừng...
Hạt trưởng Nguyễn Tiến Tài nhớ lại hồi năm 2010, sau khi thiêu rụi 300ha rừng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên thì đến 29 Tết, "giặc lửa" bất ngờ thiêu cháy 25 ha rừng tái sinh ở Lai Châu. Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng phải phát hàng chục kilômét đường băng cản lửa; đêm ngủ trong rừng gần đám cháy; anh em ăn cơm nắm giữa rừng; khống chế được đám cháy thì đã qua mùng 1 Tết.
Chính vì vậy, Tết không thể lơ là. Xuân Giáp Thìn này, Hạt trưởng Nguyễn Tiến Tài tiếp tục trực Tết với anh em. Gần 30 năm công tác nhưng số lần về quê dịp Tết tính đi, tính lại cũng chỉ được vài đầu ngón tay. Số ngày ở quê, ở bên cạnh ông bà, cha mẹ cũng không kéo dài vì phải quay về làm nhiệm vụ.
Khi nhắc đến Tết là để sum vầy gia đình, giọng người Hạt trưởng như nghẹn lại. Năm nay, chỉ còn 3 bố con anh đón Tết, thiếu vắng bàn tay người phụ nữ do vợ anh lâm bệnh hiểm nghèo.