| Hotline: 0983.970.780

Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ

Thứ Bảy 06/05/2023 , 17:35 (GMT+7)

TRUNG QUỐC Chiều 6/5, tại TP Đông Hưng (Trung Quốc), Bộ NN-PTNT Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ.

Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ diễn ra tại TP Đông Hưng (Trung Quốc). Ảnh: VPĐB.

Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ diễn ra tại TP Đông Hưng (Trung Quốc). Ảnh: VPĐB.

Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức thành công 5 lần hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là hoạt động thường niên dựa trên cơ sở Biên bản ghi nhớ về “Hợp tác thả giống tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ” giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc. Biên bản ghi nhớ được ký kết dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Chiều 6/5, sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc cùng Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) đã phối hợp tổ chức buổi lễ liên hợp thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ. Theo đó, đã có 30 giống thủy sản với hàng trăm triệu con giống thủy sản được thả tại khu vực biển của TP Đông Hưng (Trung Quốc), nhằm tái tạo nguồn lợi này.

Ông Mã Hữu Tường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc. Ảnh: VPĐB.

Ông Mã Hữu Tường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc. Ảnh: VPĐB.

"Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng nhằm phục hồi, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân. Từ đó giúp phát triển bền vững kinh tế thủy sản, bảo vệ môi trường biển của hai nước Việt - Trung", ông Mã Hữu Tường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc nhấn mạnh.

Hiện nay, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Việt Nam đã và đang được quan tâm và đầu tư kinh phí cho việc nghiên cứu, phát triển. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhiều chương trình, đề án, dự án quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đã và đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.

Điển hình như Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản; Đề án mở rộng và thành lập mới các khu bảo tồn biển Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VPĐB.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VPĐB.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh, Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng.

Tại Việt Nam, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động được các địa phương trên cả nước quan tâm và tổ chức thực hiện hiện hàng năm, tập trung vào Ngày truyền thống ngành Thủy sản, Ngày môi trường thế giới, dịp lễ Vu Lan, Phật Đản, góp phần quan trọng khôi phục nguồn lợi thủy sản đã và đang bị khai thác quá mức.

Trong năm 2022, Việt Nam tổ chức thả hơn 53 triệu con và 150.000 kg giống thủy sản các loại vào thủy vực tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá trà sóc, cá thát lát cườm, cá he vàng, cá lăng, cá mú chấm đen, tôm sú, cua xanh…

Hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm, tham gia, hỗ trợ và hưởng ứng tích cực của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân, tín đồ tăng ni, phật tử và cộng đồng ngư dân.

Đoàn đại biểu phía Việt Nam thả giống thủy sản xuống vùng biển TP Đông Hưng (Trung Quốc). Ảnh: VPĐB.

Đoàn đại biểu phía Việt Nam thả giống thủy sản xuống vùng biển TP Đông Hưng (Trung Quốc). Ảnh: VPĐB.

Trên cơ sở quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong khu vực Vịnh Bắc Bộ không chỉ là trách nhiệm của nhà nước và ngư dân của mỗi nước, mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hai nước láng giềng Việt Nam và Trung Quốc.

“Dựa trên việc thống nhất về các chủ trương, chính sách để phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cơ quan chức năng của mỗi nước cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và tình hình thực tiễn về quản lý nghề cá của mỗi nước”, ông Hùng cho biết.

Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong những năm tiếp theo. Ảnh: VPĐB.

Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong những năm tiếp theo. Ảnh: VPĐB.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng bày tỏ mong muốn thông qua buổi lễ thả giống, hai nước Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục có những hợp tác cụ thể, tích cực, hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản; tiếp tục phối hợp triển khai hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vịnh Bắc Bộ trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu khoa học thủy sản cần tiếp tục đánh giá tính đa dạng di truyền về chủng loại, đối tượng giống thả; nhận biết quần thể giống thả và đánh giá số lượng, quy luật sinh trưởng, quy luật di cư của hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; các giải pháp để bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng như hệ sinh thái trong Vịnh Bắc Bộ.

Xem thêm
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Đà Nẵng Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.